Ấn Độ-Pakistan cần tháo ngòi nổ Kashmir để tránh đối đầu vũ trang

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan không những không giảm nhiệt mà còn có dấu hiệu gia tăng, tiến sát đến bờ vực xung đột vũ trang.

Hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này tiến gần hơn tới nguy cơ xung đột vũ trang sau khi chính phủ Ấn Độ quyết định tước quyền tự trị của khu vực kiểm soát thuộc vùng tranh chấp Kashmir, đẩy. Trong khi Ấn Độ cáo buộc Pakistan đang triển khai khí tài và chiến đấu cơ đến gần giới tuyến tranh chấp, Thủ tướng Pakistan Imran Khan vừa tuyên bố sẽ đệ trình kiến nghị lên án Ấn Độ lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với sự ủng hộ của thành viên thường trực Trung Quốc.

Ngoại trưởng Pakistan Qureshi. Ảnh: Moneycontrol.

Ngoại trưởng Pakistan Qureshi. Ảnh: Moneycontrol.

Theo nguồn tin chính phủ Ấn Độ, các cơ quan tình báo cùng không quân và lục quân nước này đang theo dõi sát sao diễn biến tình hình sau khi phát hiện 3 máy bay vận tải quân sự C-130 của không quân Pakistan chuyên chở khí tài đến căn cứ không quân Skardu, gần vùng lãnh thổ liên bang Ladakh của Ấn Độ. Nhiều khả năng Pakistan cũng sẽ triển khai chiến đấu cơ JF-17 đến căn cứ Skardu. Thông tin Pakistan đưa hàng loạt thiết bị quân sự đến sát biên giới Ấn Độ xuất hiện giữa lúc quyết định gây tranh cãi của New Delhi, xóa bỏ Điều 370 trong Hiến pháp, đã đưa tranh chấp Kashmir "lên một cấp độ căng thẳng mới".

Về phía Pakistan, lãnh đạo nước này lấy làm bất bình và phản đối trước hành động đơn phương của Ấn Độ liên quan tới việc bãi bỏ quy chế đặc biệt của vùng lãnh thổ tranh chấp Kashmir. Thủ tướng Pakistan Imran Khan cực lực chỉ trích bước đi này của Ấn Độ và yêu cầu quân đội đề cao cảnh giác. Pakistan mới đây còn tuyên bố, với sự hỗ trợ của Trung Quốc, nước này sẽ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một bản kiến nghị lên án Ấn Độ vì quyết định nhằm thay đổi vị thế của khu vực.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Islamabab, Ngoại trưởng Pakistan Mahmood Qureshi vừa nhấn mạnh: "Tôi vừa chia sẻ với Trung Quốc rằng chính phủ Pakistan đã quyết định đưa vấn đề này lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của nước này. Hiện tại tôi cũng muốn nhắc lại rằng đã cam kết hỗ trợ đầy đủ cho Pakistan về vấn đề này."

Ngoài ra, nhà ngoại giao hàng đầu của Pakistan cũng khẳng định nước này sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ hai thành viên không thường trực là Indonesia và Ba Lan để lên án quyết định tước quyền tự trị khu vực Kashmir của phía Ấn Độ. Dù khẳng định Pakistan chưa có kế hoạch dùng vũ lực để giải quyết tình trạng căng thẳng tại Kashmir song Ngoại trưởng Qureshi vẫn cảnh báo rằng quân đội Pakistan đã nhận lệnh từ Thủ tướng Imran Khan, sẵn sàng đẩy lui “bất kỳ hành vi khiêu khích nào”.

Kashmir là một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất thế giới, cả Ấn Độ và Pakistan tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ khu vực này. Đây là trung tâm xung đột tranh giành lãnh thổ giữa hai nước láng giềng Nam Á trong suốt hơn 7 thập kỷ. Việc Quốc hội Ấn Độ bỏ điều 370 Hiến pháp đã gây ra phản ứng dữ dội từ phía Pakistan cũng như thêm dầu vào chảo lửa căng thẳng giữa hai nước.

Hiện cộng đồng quốc tế đang hết sức lo ngại nếu đôi bên không kiềm chế được xung đột, “thùng thuốc súng” ở hai quốc gia Nam Á này phát nổ sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Trước tình hình căng thẳng không ngừng leo thang, giới quan sát cho rằng mâu thuẫn giữa Pakistan và Ấn Độ cần sớm được hóa giải thông qua các kênh ngoại giao và đối thoại, thay vì sử dụng quân sự sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường./.

Phương Anh/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/an-dopakistan-can-thao-ngoi-no-kashmir-de-tranh-doi-dau-vu-trang-944101.vov