Ấn Độ nổi sóng vì dự luật công dân gây tranh cãi

Quốc hội Ấn Độ ngày 12-12 thông qua dự luật trao quyền công dân cho người nhập cư từ 3 quốc gia láng giềng Afghanistan, Bangladesh và Pakistan, nhưng không gồm người Hồi giáo.

Quốc hội Ấn Độ ngày 12-12 thông qua dự luật trao quyền công dân cho người nhập cư từ 3 quốc gia láng giềng Afghanistan, Bangladesh và Pakistan, nhưng không gồm người Hồi giáo.

Người biểu tình phản đối Dự luật Sửa đổi Quyền công dân của chính phủ tại Agartala, bang Tripura, đông bắc Ấn Độ. Ảnh: CNN

Người biểu tình phản đối Dự luật Sửa đổi Quyền công dân của chính phủ tại Agartala, bang Tripura, đông bắc Ấn Độ. Ảnh: CNN

Dự luật Sửa đổi Quyền công dân (CAB) gây tranh cãi được thông qua tại Thượng viện, nơi đảng Bharatiya Janata (BJP) của người theo đạo Hindu chiếm đa số, với 125 phiếu thuận và 105 phiếu chống. Trước đó, dự luật cũng được các nghị sĩ Hạ viện phê chuẩn với 311 phiếu thuận và 80 phiếu chống. Dự luật sẽ được trình lên Tổng thống để được ký thành luật.

Theo đó, CAB sẽ cấp quyền công dân cho các nhóm tôn giáo thiểu số, bao gồm người Ấn giáo, đạo Sikh, Phật giáo, Jains, Parsis và Kitô giáo từ các nước Afghanistan, Bangladesh và Pakistan. Tuy nhiên, người Hồi giáo ở 3 quốc gia trên không thuộc diện được cấp quyền công dân tại Ấn Độ theo dự luật. Chính phủ nước này cho rằng, dự luật tìm cách bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số đang chạy trốn sự ngược đãi tại quốc gia của họ. “Một ngày mang tính bước ngoặt đối với Ấn Độ và tinh thần nhân ái và tình anh em của đất nước chúng ta!. Dự luật này sẽ làm giảm bớt sự đau khổ mà nhiều người phải đối mặt trong nhiều năm qua”, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đăng trên Twitter.

Tuy nhiên, các đảng đối lập nói rằng, dự luật vi hiến vì cấp quyền công dân dựa trên tôn giáo và sẽ gạt ra ngoài cộng đồng Hồi giáo 200 triệu người tại quốc gia 1,3 tỷ dân. “Tôi nghĩ rằng, đây có lẽ là dự luật nguy hiểm nhất mà chúng ta có vì nó thực sự phá hủy tính cách của nhà nước và hiến pháp Ấn Độ”, ông Harsh Mander, một nhà hoạt động nhân quyền người Ấn Độ, cho biết.

Biểu tình phản đối

Dự luật vấp phải sự phản đối rộng rãi, đặc biệt là ở các bang đông bắc. Nhiều nhóm người bản địa ở đây lo ngại việc trao quyền công dân cho lượng lớn người nhập cư sẽ thay đổi bản sắc dân tộc của khu vực và lối sống của họ, bất kể tôn giáo.

Người biểu tình đốt lốp xe, chặn đường lớn và đường sắt hôm 11-12. Hãng thông tấn Press Trust của Ấn Độ cho biết cảnh sát đã bắn đạn cao su, sử dụng dùi cui và hơi cay để giải tán người biểu tình ở quận Dibrugarh ở bang Assam. Quan chức cảnh sát bang Mukesh Aggarwal cho biết lệnh giới nghiêm được áp đặt tại Gaumahati, thủ phủ của bang và các binh sĩ đã chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp bạo lực leo thang. Các cuộc biểu tình trên đường phố tiếp tục diễn ra ở Guahati, với những người biểu tình trẻ tuổi đốt lửa khắp thành phố. Cảnh sát sử dụng hơi cay và dùi cui để giải tán hàng trăm người biểu tình đã cố gắng diễu hành đến văn phòng của quan chức dân cử hàng đầu của bang. Chính phủ liên bang điều động gần 5.000 binh sĩ bán quân sự tới khu vực, bao gồm khu vực Kashmir thuộc dãy Himalaya.

Chương trình nghị sự của chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo?

Những người chỉ trích dự luật cho rằng, dự luật là một ví dụ cho thấy Thủ tướng Modi và đảng BJP của ông đã nỗ lực thúc đẩy một chương trình nghị sự của chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo tại một đất nước 1,3 tỷ dân, với chi phí của dân số Hồi giáo.

BJP, được bầu lại hồi tháng 5, có nguồn gốc từ phong trào cánh hữu Ấn giáo, trong đó nhiều tín đồ coi Ấn Độ là một quốc gia Ấn giáo. Hồi tháng 8, chính phủ Ấn Độ đã tước bỏ quyền tự trị của bang Jammu và Kashmir có đa số người Hồi giáo, một động thái về cơ bản sẽ giúp New Delhi kiểm soát nhiều hơn các vấn đề của khu vực. Cùng tháng đó, gần 2 triệu người ở bang Assam bị loại khỏi danh sách Đăng ký Công dân toàn quốc (NRC) mới gây tranh cãi, điều mà các nhà phê bình lo ngại có thể được sử dụng để biện minh cho sự phân biệt tôn giáo đối với người Hồi giáo ở bang này. Và vào tháng trước, tòa án tối cao Ấn Độ cho phép người Hindu giáo xây ngôi đền trên thánh địa tranh chấp hàng thế kỷ, có ý nghĩa đối với cả người Ấn giáo và Hồi giáo. Phán quyết được coi là một đòn giáng mạnh vào người Hồi giáo, diễn ra vào thời điểm người Hồi giáo ngày càng coi mình là công dân hạng hai ở Ấn Độ.

Năm 2018, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah cho biết những người nhập cư Hồi giáo và người xin tị nạn từ Bangladesh là “mối mọt” và hứa sẽ loại bỏ quyền công dân của họ. New Delhi lập luận, dự luật sẽ bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số trốn sang Ấn Độ tránh bị đàn áp bằng cách cho phép họ trở thành công dân nước này. Ông Shah viết trên Twitter rằng dự luật “sẽ cho phép Ấn Độ mở cửa cho các nhóm người thiểu số từ Pakistan, Bangladesh và Afghanistan đang phải đối mặt với các cuộc đàn áp tôn giáo”. Và Thủ tướng Modi khẳng định, dự luật, “phù hợp với đạo đức và niềm tin hàng thế kỷ qua của Ấn Độ vào các giá trị nhân đạo”.

Nhưng các nhà phê bình cho rằng, việc Ấn Độ tuyên bố rằng luật công dân mới nhằm bảo vệ các nhóm thiểu số tôn giáo chỉ là “thùng rỗng kêu to” vì nó loại trừ các nhóm người thiểu số Hồi giáo phải đối mặt với cuộc đàn áp ở các nước láng giềng, bao gồm Ahmadiyya từ Pakistan, Rohingya từ Myanmar và Tamil từ Sri Lanka.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_217468_an-do-noi-song-vi-du-luat-cong-dan-gay-tranh-cai.aspx