Ấn Độ: Những lớp học 'hòa mình' với thiên nhiên

Nền giáo dục đã được nối lại trên khắp khu vực Kashmir do Ấn Độ quản lý. Hàng loạt lớp học cộng đồng được tổ chức, trong bối cảnh trường học phải đóng cửa do Covid-19.

Trẻ em tham gia lớp học trên bãi cỏ tại Doodpathri (Kashmir).

Trẻ em tham gia lớp học trên bãi cỏ tại Doodpathri (Kashmir).

“Chúng em từng khóc khi trường học đóng cửa. Chúng em đã nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ có thể tiến bộ trong cuộc sống. Chúng em thậm chí đã quên rằng mình là học sinh”, Asmat Jan - một học sinh 15 tuổi chia sẻ.

Khi đại dịch bùng phát, một số trẻ em ở Ấn Độ được tiếp cận với giáo dục thông qua công nghệ. Tuy nhiên, Asmat không có điều kiện để sở hữu điện thoại thông minh.

“Những học sinh này đến từ gia đình nghèo. Việc sở hữu điện thoại thông minh có giá khoảng 10.000 - 15.000 rupee là một điều xa xỉ”, Mushtaq Ahmed Mir - một người hợp tác với sở giáo dục địa phương, cho biết.

Công việc của Mir là khảo sát khoảng 7.500 trẻ em đang học trong khu vực của mình và điều phối các nhiệm vụ giáo dục.

“Trước khi Covid-19 bùng phát, mọi người đã không thể rời khỏi nhà do lệnh phong tỏa. Khi đó, chúng tôi đã cố gắng tiếp cận với học sinh”, Mir nói.

Mir chia sẻ, mối quan tâm hiện tại của anh và đồng nghiệp là nếu không hành động ngay bây giờ, học sinh tại các trường có thể sẽ bỏ học. Các cuộc khảo sát trước đây cho thấy, sự gia tăng trong tỷ lệ bỏ học sau khi giáo dục bị gián đoạn.

Các lớp học cộng đồng hiện được tổ chức trên những cánh đồng, vườn cây và rừng thông. Giáo viên sẽ cung cấp khẩu trang và dung dịch rửa tay. Các nhân viên giáo dục hành động với nỗ lực đảm bảo rằng, trẻ em vẫn học trong khi tuân thủ giãn cách xã hội.

Theo Mohammad Ramzan Wani - một quan chức giáo dục tại Kashmir, những lo ngại về an toàn đi kèm với nhiều mối nguy khác.

“Trong khu vực rừng, chúng tôi phải cảnh giác với các loài động vật hoang dã. Con đường đến đây cũng gian nan. Trẻ em phải băng qua cầu gỗ trên những con sông chảy xiết vào mùa mưa. Hằng ngày, chúng tôi phải gọi điện cho các gia đình để hỏi học sinh đã về đến nhà chưa”, ông Mohammad nói.

Với tinh thần chung rằng, giúp trẻ tiếp cận với giáo dục không chỉ là nhiệm vụ của riêng chính phủ, các giáo viên địa phương đều tình nguyện giảng dạy. Mohd Yusuf Tantray là một trong số đó. Mỗi ngày, nam giáo viên tiểu học này cùng một đồng nghiệp giảng dạy cho 100 trẻ. Do trường chỉ có hai phòng học nên mỗi lớp sẽ có sự tham dự của nhiều cấp độ khác nhau vào cùng thời điểm.

“Những học sinh này đến từ địa phương của tôi. Chúng giống như con của tôi. Tôi từng chứng kiến các em lang thang cả ngày mà không có mục đích. Khi đại dịch bùng phát, chúng tôi tê liệt vì mọi thứ đều ngừng hoạt động, ngay cả Internet. Sau đó, các giáo viên trong làng quyết định dạy học sinh tại nhà riêng và bắt đầu tổ chức lớp học. Tuy nhiên, chúng tôi phải dừng lại do đại dịch”, anh Mohd nói.

Chính phủ đã phát sóng bài giảng qua truyền hình và đài phát thanh. Tuy nhiên, chương trình bị hạn chế đối với các lớp dành cho học sinh lớn tuổi. Cổng thông tin trực tuyến dành cho giáo dục cũng đang được thiết lập, nhưng phụ thuộc vào tính khả dụng của Internet. Trong khi đó, những trẻ em không có điện thoại phải vật lộn để tham gia các lớp học trực tuyến.

Mudasir Qadir (16 tuổi) - một học sinh có điện thoại di động và thường xuyên tham gia học trực tuyến, chia sẻ: “Chúng em đã thử tham gia các lớp trực tuyến, nhưng việc học không bao giờ diễn ra dễ dàng”. Tốc độ Internet chậm là một rào cản đối với hầu hết các lớp học trực tuyến tại Kashmir.

Asgar Samoon - quản lý phòng giáo dục ở Thung lũng Jammu và Kashmir, bày tỏ hy vọng sẽ thấy “một thời điểm khi tình hình luật pháp và trật tự được cải thiện, cũng như việc truy cập Internet không còn bị gián đoạn”.

“Cho đến lúc đó, chúng tôi không thể chỉ chờ đợi. Rõ ràng là ngành giáo dục của chúng ta đã chịu nhiều hậu quả. Nhưng chúng tôi hy vọng sẽ khắc phục những vấn đề đó thông qua việc đào tạo giáo viên tốt hơn cũng như hỗ trợ giáo viên và học sinh”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-bon-phuong/an-do-nhung-lop-hoc-hoa-minh-voi-thien-nhien-aCDyUddGg.html