Ấn Độ nhận lô chiến đấu cơ Rafale đầu tiên

Nhân sự kiện đón nhận 5 chiếc đầu tiên trong số 36 chiến đấu cơ Rafale mua từ Pháp, Ấn Độ hôm 29-7 đã ngầm cảnh báo đến Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai nước liên quan tranh chấp lãnh thổ.

Chiến đấu cơ Rafale về tới căn cứ không quân Ambala hôm 29-7. Ảnh: IAF

Chiến đấu cơ Rafale về tới căn cứ không quân Ambala hôm 29-7. Ảnh: IAF

Lễ đón nhận các máy bay mới trên diễn ra trang trọng tại căn cứ không quân Ambala ở bang Haryana, gần khu vực giáp biên giới với Trung Quốc và Pakistan. Vào giữa tháng 8 tới, 5 tiêm kích này sẽ được biên chế vào Phi đoàn số 17 “Mũi tên vàng” thuộc Không quân Ấn Ðộ (IAF), đóng tại Ambala. Dự kiến, New Delhi sẽ nhận đủ 36 tiêm kích Rafale trong hợp đồng trị giá 9,4 tỉ USD vào cuối năm 2021, 5 năm sau khi đặt mua.

Cả Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi và giới lãnh đạo quốc phòng nước này đều hoan nghênh việc bàn giao các tiêm kích Rafale. Trên Twitter, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh khẳng định các máy bay mới sẽ giúp IAF “mạnh mẽ hơn để ngăn chặn bất cứ mối đe dọa nào”. Mặc dù ông Singh không nêu đích danh Trung Quốc, song truyền thông và giới quan sát đều hiểu rõ những thông điệp đó nhắm tới quốc gia láng giềng.

Quân đội Ấn Ðộ và Trung Quốc vẫn đang trong thế giằng co suốt 6 tuần qua tại khu vực biên giới trên dãy Himalaya kể từ sau cuộc đụng độ khiến 20 binh sĩ Ấn Ðộ thiệt mạng ở vùng Ladakh. Hai bên đổ lỗi cho nhau về vụ ẩu đả này và cũng từ đó đã điều động hàng ngàn binh sĩ tới đây trong khi vẫn theo đuổi các cuộc đối thoại nhằm giảm căng thẳng.

Ấn Ðộ thừa nhận còn thua kém Trung Quốc và một số nước khác về tiềm lực quân sự, nên việc “tậu” thêm các tiêm kích do Tập đoàn Dassault Aviation chế tạo là một trong nhiều nỗ lực nhằm tăng cường sức mạnh cho quân đội gồm 1,4 triệu binh sĩ của họ. Sameer Patil, chuyên gia an ninh quốc tế tại Tổ chức nghiên cứu Gateway House (Ấn Ðộ), mô tả những chiếc Rafale là “một sự tăng cường năng lực quân sự rất cần thiết”, giúp New Delhi giải quyết hiệu quả mối bất an từ Trung Quốc. Thế giằng co ở Ladakh được cho sẽ kéo dài sang những tháng mùa đông.

Tuy nhiên, các chuyên gia khác nhận định Ấn Ðộ vẫn chưa thể sử dụng ngay lập tức các máy bay chiến đấu hiện đại này trong trường hợp xảy ra xung đột, vì còn phải “thiết lập mạng lưới hậu cần, đào tạo đội ngũ kỹ thuật và dưới mặt đất”. Ngoài vấn đề thời gian, Thống chế Không quân Pranab Kumar Barbora cho rằng phi đội Rafale chỉ có thể sẵn sàng hoạt động khi có ít nhất 18 chiếc. Ðược biết, Rafale là chiến đấu cơ đa nhiệm, có thể thực hiện các sứ mệnh tầm xa, bao gồm tấn công mục tiêu trên mặt đất và dưới biển với độ chính xác cao. IAF cũng đã nhận trước tên lửa hành trình Scapl và tên lửa không đối không Meteor dành cho tiêm kích Rafale.

Theo kế hoạch, Ấn Ðộ - nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, cần thêm 150 máy bay chiến đấu để trang bị cho không quân và hải quân nước này. Do vậy, Bộ Quốc phòng Ấn Ðộ hồi đầu tháng 7 đã thông qua thỏa thuận mua 21 tiêm kích MiG-29 và 12 chiến đấu cơ Sukhoi Su-30MKI của Nga, trị giá tổng cộng hơn 2,4 tỉ USD, nhằm thay thế số vũ khí đã lỗi thời. Ðược biết, số lượng phi đội chiến đấu cơ của Ấn Ðộ hiện chỉ là 31.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, BBC)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/an-do-nhan-lo-chien-dau-co-rafale-dau-tien-a123874.html