Ấn Độ mời gọi Mỹ-Nhật hợp tác công nghệ quốc phòng

Lời kêu gọi tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ, Nhật.., có phải bỏ qua đối tác hợp tác quân sự quan trọng nhất của Ấn Độ hiện nay là Nga?

Mời gọi Mỹ-Nhật hợp tác

Trang nghiên cứu ORF của Ấn Độ vừa cho đăng bài phân tích, trong đó chỉ ra rằng Nhật Bản và Mỹ nên thiết lập quan hệ đối tác với Ấn Độ với tư cách một cường quốc đang trỗi dậy khác trong khu vực và có tiềm năng trở thành một đối tác quan trọng nhằm duy trì lợi thế công nghệ của mình.

Theo các chuyên gia Ấn Độ, Trung Quốc đang bám sát Mỹ trong lĩnh vực công nghệ. Theo các số liệu do Viện Thống kê UNESCO công bố hồi tháng 7/2018, Mỹ dẫn đầu thế giới về đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) với 476 tỷ USD, Trung Quốc đứng thứ hai với 371 tỷ USD. Năng lực R&D của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, đặc biệt trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet, in 3D và các công nghệ mới khác.

Ấn Độ đã mua nhiều loại vũ khí của Mỹ

Ấn Độ đã mua nhiều loại vũ khí của Mỹ

ORF nhấn mạnh, Ấn Độ đã cố gắng bắt kịp các cường quốc khác trong việc phát triển công nghệ quốc phòng. Ấn Độ cũng có lịch sử phát triển và sản xuất các vũ khí một cách độc lập. Các ví dụ được ORF đưa ra như vào thập niên 1960, Ấn Độ đã phát triển máy bay chiến đấu riêng. Năm 1974, Ấn Độ tiến hành vụ thử bom hạt nhân thành công đầu tiên. Năm 1983, các tàu khu trục đầu tiên của Ấn Độ được đưa vào hoạt động; vào thập niên 1990, Ấn Độ đã phát triển các tên lửa đạn đạo và năm 2004, nước này triển khai các xe tăng đầu tiên được phát triển trong nước.

Giới chuyên gia Ấn Độ nhấn mạnh tới việc nước này đã tham gia hơn 30 cuộc chiến tranh và xung đột kể từ năm 1947 nên tự tin có nhiều cơ hội để thử nghiệm các công nghệ quân sự mới trong chiến đấu. Tuy nhiên, ORF thừa nhận Ấn Độ thiếu công cụ để phát triển và triển khai các công nghệ mới để đáp ứng trước nhu cầu gia tăng trong chiều hướng xung đột quân sự hiện nay.

Theo đó, trước năm 2017, phần lớn các báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, cũng như các tài liệu chiến lược khác, không nhấn mạnh đến công nghệ như một ưu tiên của mình. Tuy nhiên, các tài liệu chính thức được công bố từ năm 2017 cho thấy sự chuyển hướng trong cách tiếp cận của Ấn Độ. Ví dụ điển hình là “Học thuyết chung của Lực lượng Vũ trang Ấn Độ” năm 2017 khẳng định rõ rằng “công nghệ quốc phòng là một nguồn lực chiến lược’.

Tàu chiến Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản tập trận hải quân chung mang tên Malabar

Tiếp theo đó, “Học thuyết tác chiến trên bộ” năm 2018 thậm chí còn nêu rõ hơn. Tài liệu dài 13 trang này bao gồm 4 trang viết về công nghệ quốc phòng. Các cuộc thảo luận bên ngoài Bộ Quốc phòng cũng gia tăng, đặc biệt sau khi Ấn Độ mở viện nghiên cứu đầu tiên về AI ở Mumbai năm 2018. Dù không đề cập cụ thể đến công nghệ quốc phòng, nhưng chính phủ Ấn Độ đã công bố “Chiến lược Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo” năm 2018. Bên cạnh đó, các viện nghiên cứu của Ấn Độ cũng bắt đầu thảo luận về công nghệ quốc phòng.

Tại Triển lãm quốc phòng DefExpo tháng 4/2018 ở Chennai, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu: “Các công nghệ mới và đang nổi như AI và robot sẽ là các yếu tố quyết định quan trọng nhất với năng lực phòng thủ và tấn công của bất kỳ lực lượng quốc phòng nào trong tương lai. Ấn Độ, với vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sẽ nỗ lực sử dụng xu hướng công nghệ này để mang lại lợi thế cho mình”.

Đánh giá Nga cao, nhưng...

Theo ORF, Nhật Bản đã bắt đầu công nhận tầm quan trọng của phát triển công nghệ quốc phòng và đang bắt kịp các nước khác trong lĩnh vực này. Các chuyên gia Ấn Độ khẳng định, trước “nguyện vọng” cũng như các thành tựu của Ấn Độ, việc hợp tác trong các dự án phát triển công nghệ chung không chỉ nằm trong lợi ích của Mỹ và Nhật Bản mà còn của Ấn Độ.

ORF cho rằng Nhật Bản và Mỹ nên đặt kỳ vọng dựa trên thành tựu trước đây của Ấn Độ bởi Ấn Độ đã dành thời gian khá dài để phát triển vũ khí (10-40 năm). Nhật Bản và Mỹ cũng được đề xuất cần tập trung hợp tác trong các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh lớn nhất như công nghệ vũ trụ (rocket và tên lửa) và công nghệ mạng. Ấn Độ hiện cũng đang tập trung vào AI, vốn có thể góp phần vào các tiến bộ trong các lĩnh vực khác, bao gồm nghiên cứu robot.

Tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ

Ấn Độ đã bắt đầu hợp tác với Nhật Bản về nghiên cứu công nghệ. Tháng 10/2018, Thủ tướng Ấn Độ Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ký kết thỏa thuận “Hợp tác Ấn Độ-Nhật Bản về Quan hệ Đối tác Kỹ thuật số”. Thỏa thuận này nêu rõ: “Hai nước sẽ hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ của thế hệ mới như AI, Internet vạn vật...”.

Trước đó, tháng 8/2018, Bộ Quốc phòng hai nước đã ký kết các thỏa thuận hợp tác nghiên cứu về robot và phương tiện mặt đất không người lái (UGV). Dự kiến việc hợp tác phát triển UGV sẽ bao gồm hoạt động nghiên cứu liên quan đến AI. Theo ORF, trong tương lai, Ấn Độ có thể sử dụng UGV để tuần tra biên giới Ấn-Trung.

Các chuyên gia Ấn Độ kết luận rằng, hiện đã đến lúc để thúc đẩy hợp tác công nghệ giữa Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ, với tên viết tắt tiếng Anh là hợp tác “JAI”, có nghĩa là “chiến thắng” trong tiếng Hindi.

Lời kêu gọi trên của ORF dường như bỏ qua đối tác hợp tác quân sự quan trọng nhất của Ấn Độ hiện nay là Nga. Trên thực tế, lãnh đạo Ấn Độ và Nga vẫn khẳng định hợp tác kỹ thuật quân sự là một trong các trụ cột của quan hệ song phương. Tại hội nghị thượng đỉnh hồi cuối năm ngoái ở Vladivostok, Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ hài lòng khi hai nước thường xuyên trao đổi trong lĩnh vực quân sự và tiến hành các cuộc tập trận chung.

Ấn Độ mua các hệ thống tên lửa S-400 của Nga trị giá hơn 5 tỷ USD

Chỉ tính riêng trong 2 năm 2018 và 2019, Ấn Độ và Nga đã ký các thỏa thuận quân sự có tổng trị giá lên tới 14,5 tỷ USD. Trong số các thỏa thuận, đáng chú ý nhất là các hợp đồng Nga bán cho Ấn Độ các hệ thống tên lửa phòng không S-400 trị giá 5,4 tỷ USD, hệ thống phòng không tầm ngắn Igla-S trị giá 1,47 tỷ USD, hợp tác đóng khinh hạm Dự án 11356 trị giá gần 1,5 tỷ USD, thỏa thuận liên quan tàu ngầm hạt nhân Akula trị giá tới 3 tỷ USD, xe tăng T-90 trị giá 2 tỷ USD...

Trong giai đoạn 2014-2018, vũ khí Nga chiếm 58% lượng nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ. Bên cạnh đó, các thỏa thuận hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ của Nga cũng được giới phân tích Ấn Độ đánh giá cao.

Tuy nhiên, việc Nga sẵn sàng bán các mẫu vũ khí tối tân của mình cho Trung Quốc dường như khiến Ấn Độ không hài lòng. Do đó, giới chuyên gia Ấn Độ, trong đó có ORF, đã thẳng thắn kêu gọi đa dạng các nguồn cung cấp vũ khí chất lượng cao.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/an-do-moi-goi-my-nhat-hop-tac-cong-nghe-quoc-phong-3396911/