Ấn Độ lại chấn động vì hàng loạt vụ cưỡng hiếp tàn bạo

Năm nghi án hiếp dâm liên tiếp, phần lớn diễn ra với trẻ em, trong 5 ngày ở bang Haryana đã kéo theo làn sóng phẫn nộ dâng khắp Ấn Độ và gây áp lực buộc chính phủ vào cuộc.

Tối 12/1, thi thể bán khỏa thân của một cô bé 15 tuổi được tìm thấy đang trôi trên một dòng kênh ở quận Jind, cách thủ đô New Delhi 100 km về phía tây. Cảnh sát cho biết vết thương của cô bé, cả bên trong lẫn bên ngoài, trùng khớp với giả thiết đó là một vụ hiếp dâm.

Mẹ và em gái của cô bé 15 tuổi bị cưỡng hiếp ở bang Haryana. Ảnh: Hindustan Times/Getty Images.

Danh tính của cô bé không được công bố, theo quy định trong luật nhằm bảo vệ các nạn nhân bị xâm hại tình dục.

Trước đó, cô bé đã mất tích khỏi ngôi làng của mình ở bang Jhansa vào ngày 9/1. Nghi phạm chính trong vụ việc là một sinh viên nam được cho có quen biết nạn nhân. Người này được tìm thấy đã chết vào ngày 16/1 trong một trạng thái mà cảnh sát miêu tả là "đã mục rữa".

Việc phát hiện thi thể của nghi phạm khiến vụ việc thêm phức tạp và tạo thêm áp lực cho cảnh sát.

Hàng loạt vụ việc tương tự đã xảy ra chỉ trong vòng vài ngày ở bang Haryana. Nạn nhân bao gồm một cô bé 11 tuổi được tìm thấy đã tử vong với thương tích giống như bị cưỡng hiếp, một phụ nữ 22 tuổi bị bắt cóc và bị cưỡng hiếp tập thể, một cô bé 10 tuổi được cho đã bị một người đàn ông 50 tuổi tấn công tình dục và một cô bé 3 tuổi bị một cậu bé 15 tuổi cưỡng hiếp.

Cảnh sát có mặt tại nhà của cậu sinh viên 19 tuổi, nghi phạm cưỡng hiếp cô bé 15 tuổi, sau khi thi thể cậu được phát hiện ở làng Kirmach gần Haryana. Ảnh: Hindustan Times/Getty Images.

Cảnh sát đã bắt giữ 2 người đàn ông có liên quan đến vụ việc của cô bé 11 tuổi, cả 2 đều là hàng xóm của cô bé. Hai người đàn ông khác bị bắt trong vụ cưỡng hiếp tập thể người phụ nữ 22 tuổi và cảnh sát đang truy lùng 2 người khác. Trong khi đó, cậu bé 15 đang bị cảnh sát giám sát.

CNN dẫn một thống kê gần đây cho thấy có tổng cộng 1.187 trường hợp cưỡng hiếp được ghi nhận ở bang Haryana trong năm 2016. Haryana là bang bao quanh Delhi và có dân số 25 triệu người.

Truyền thông Ấn Độ đang so sánh hàng loạt vụ cưỡng hiếp vừa qua với vụ cưỡng hiếp tập thể dẫn đến cái chết của sinh viên 23 tuổi Jyoti Singh hồi năm 2012. Cái chết của Singh đã kéo theo một thời gian dài báo chí đưa tin dày đặc về các vụ cưỡng hiếp và biểu tình nổ khắp nước phản đối tình trạng này.

Sau cái chết của Singh, chính phủ Ấn Độ đã sửa luật để tăng hình phạt đối với các tội phạm tình dục, kéo dài thời gian của án tù và bổ sung mức phạt tử hình. Chính phủ cũng cho thành lập các tòa án xét xử nhanh và cấp thêm kinh phí để đảm bảo sự an toàn của phụ nữ.

Một vụ biểu tình phản đối các vụ hiếp dâm ở Ấn Độ vào cuối năm 2016. Ảnh: AFP.

Dù vậy, CNN nhận định sau 5 năm, sự thay đổi ở quốc gia này vẫn chậm chạp.

"Cưỡng hiếp là một hành vi liên quan đến sức mạnh của nam giới và sẽ cần một thời gian dài để thay đổi tư duy đó", Sohini Bhattarcharya, chủ tịch của Breakthrough, một tổ chức phi chính phủ hoạt động vì bình đẳng giới tại Ấn Độ và Mỹ.

Số liệu từ chính phủ Ấn Độ cho thấy số trường hợp liên quan đến cưỡng hiếp được trình báo đã tăng từ 34.651 trường hợp vào năm 2015 lên 38.847 trường hợp vào năm 2016, tức tăng 12%. Trung bình mỗi ngày có 100 vụ cưỡng hiếp được trình báo. Các chuyên gia nói rằng số lượng trình báo tăng là do nhận thức của phụ nữ tăng lên và họ "từ chối im lặng", dù vậy đây chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm.

"Sự xấu hổ không còn. Nhưng nhiều người chọn không trình báo vì họ không tin cảnh sát, họ lo rằng cảnh sát không ghi nhận vụ việc", CNN dẫn lời Ruchira Gupta, người sáng lập Apne Aap, một tổ chức chống buôn bán tình dục ở Ấn Độ.

Biểu tình chống nạn hiếp dâm tại thủ đô Ấn Độ

Cảnh sát dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông biểu tình tại New Delhi sau vụ một cô gái 23 tuổi bị hãm hiếp và giết hại trên xe buýt gây rúng động dư luận cuối năm 2012.

Thảo An

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/an-do-lai-chan-dong-vi-hang-loat-vu-cuong-hiep-tan-bao-post813158.html