Ấn Độ hướng Đông qua chính sách ngoại giao quốc phòng

Sau một thập kỷ ngoại giao 'tê liệt', Ấn Độ trong năm qua đã có những thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại nhằm mở rộng ảnh hưởng chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi, Ấn Độ đã bật tín hiệu cho cộng đồng quốc tế thấy rằng nước này sẵn sàng đóng vai trò lớn hơn trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định tại châu Á.

Ngoại trưởng Ấn Độ Xu-sơ-ma Xu-a-rát: “Tăng cường xuất khẩu quốc phòng sang các nước đối tác ASEAN sẽ thúc đẩy Hành động hướng Đông của Niu Đê-li”. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Ấn Độ Xu-sơ-ma Xu-a-rát: “Tăng cường xuất khẩu quốc phòng sang các nước đối tác ASEAN sẽ thúc đẩy Hành động hướng Đông của Niu Đê-li”. Ảnh: AFP

Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 5/2014, Thủ tướng Mô-đi đã đưa ra chương trình nghị sự chủ động về đối ngoại với một loạt cam kết ngoại giao với các nước láng giềng và ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có vẻ như ngoại giao quân sự đã tìm được chỗ đứng mới trong công tác đối ngoại của Ấn Độ.

Thực ra, đây không phải là một cách tiếp cận mới lạ. Trong quá khứ, Ấn Độ đã nỗ lực sử dụng ngoại giao quốc phòng như một công cụ để đẩy mạnh các mục tiêu của chính sách đối ngoại và thúc đẩy các lợi ích chiến lược của mình. Bất chấp thành tích không liên kết, Ấn Độ đã duy trì đối thoại về các thách thức an ninh, huấn luyện nhân viên quân sự nước ngoài, đưa ra những lời kêu gọi thiện chí cũng như tiến hành các cuộc tập trận chung và trao đổi huấn luyện.

Về mặt khái niệm, ngoại giao quốc phòng hay ngoại giao quân sự chính là áp dụng hòa bình các nguồn lực quân sự của một quốc gia để đẩy mạnh các mục tiêu chính sách đối ngoại. Quốc gia này sử dụng hợp tác (quân sự) để thay đổi quan điểm và thiết lập quan hệ chiến lược với các nước bên ngoài. Cho tới nay, ngoại giao quốc phòng của Ấn Độ đã tập trung vào việc huấn luyện, tập trận chung, hỗ trợ sửa chữa và bảo dưỡng, thăm tàu và trao đổi sinh viên.

Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Mô-đi muốn tăng cường ma trận hợp tác quốc phòng của Ấn Độ. Niu Đê-li đã thể hiện sự sẵn sàng để bắt đầu xuất khẩu thiết bị quốc phòng được sản xuất trong nước sang các nước “thân thiện” ở Đông Nam Á và Nam Mỹ. Chiến lược thúc đẩy xuất khẩu này đã được Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng xác định là tương thích với các mục tiêu chính sách đối ngoại của Ấn Độ, phù hợp với kế hoạch mới của chính phủ nhằm công nghiệp hóa sản xuất quốc phòng. Một chiến lược thúc đẩy xuất khẩu quốc phòng như vậy khá mới mẻ đối với Ấn Độ và có một sự nhận thức trong giới ngoại giao rằng chính sách này cần được kiểm soát chặt chẽ.

Ấn Độ có một tổ hợp công nghiệp quốc phòng mạnh, về mặt lý thuyết có thể thiết kế, chế tạo và sản xuất vũ khí và trang bị kỹ thuật tất cả các chủng loại, kể cả vũ khí hạt nhân và phương tiện mạng. Các chuyên gia quân sự thế giới xếp Ấn Độ vào bộ ba thứ hai về tiềm lực quân sự (bộ ba thứ nhất là Mỹ, Nga và Trung Quốc). Bộ Quốc phòng Ấn Độ mới đây đã công bố Chiến lược Xuất khẩu Quốc phòng (SDE) để chuẩn hóa các quy trình hoạt động cho việc xuất khẩu quốc phòng, nhằm khai thác tiềm năng thương mại và ngoại giao đối với hàng xuất khẩu quân sự.

Sáng kiến này cũng sẽ tận dụng dịch vụ cho vay tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán hàng hóa quân sự ra nước ngoài. Điều thú vị là chuyển giao quân sự được thiết lập để trở thành một phần quan trọng trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ - một chính sách đối ngoại quan trọng được đưa ra từ những năm 90 của thế kỷ 20 dưới thời Thủ tướng Na-ra-sim-ha Rao nhằm củng cố quan hệ chiến lược và mở rộng quan hệ kinh tế với các nước Đông Nam Á. Đến cuối năm ngoái, Chính phủ liên minh Dân chủ quốc gia của ông Mô-đi đã quyết định lấy tên “Hành động phía Đông” thay cho “Chính sách hướng Đông”.

Theo một số nhà phân tích, trong tương lai, chính sách mới của Ấn Độ nhằm khuyến khích xuất khẩu quốc phòng sẽ phải đối mặt với các áp lực quốc tế. Việc cung cấp các công nghệ hàng đầu cho các nước đối tác ở châu Á sẽ giúp Ấn Độ đẩy mạnh chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực ảnh hưởng của mình, song điều này chắc chắn sẽ gây thù địch với cường quốc khác trong khu vực là Trung Quốc. Sự hiện diện và can dự của Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á, vốn gia tăng trong những năm trở lại đây, có thể làm phức tạp thêm môi trường địa chính trị trong khu vực. Niu Đê-li sẽ phải rất cẩn trọng về ngoại giao và đảm bảo rằng “hướng Đông thông qua ngoại giao quân sự” không gây nguy hiểm cho quan hệ song phương của nước này với Trung Quốc.

Trung Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/an-do-huong-dong-qua-chinh-sach-ngoai-giao-quoc-phong/