Ấn Độ gia tăng liên minh Nga-Trung chống lại đồng USD

Bất chấp sức ép từ mối quan hệ thương mại với Mỹ, Ấn Độ vẫn chọn cách thanh toán đồng nội tệ, 'lách' lệnh trừng phạt để mua vũ khí Nga.

Ấn Độ sắp nhận hệ thống phòng không S-400 của Nga, gia tăng vào kho vũ khí của mình gồm rất nhiều vũ khí "Made in Russia", theo Bloomberg.

Ấn Độ tăng mua vũ khí Nga, Mỹ đến lúc soi lại chính sách trừng phạt.

Ấn Độ tăng mua vũ khí Nga, Mỹ đến lúc soi lại chính sách trừng phạt.

Nga cũng đã bán tàu ngầm, tàu chiến, xe tăng và máy bay phản lực cho đối tác Ấn Độ.

Nga hiện được cho là một trong những nhà xuất khẩu vũ khí lớn cho Ấn Độ. Ấn Độ đã quyết định sử dụng đồng tiền quốc gia của mình và của Nga để thực hiện các thanh toán cho thỏa thuận quốc phòng lớn giữa hai nước- một biện pháp được cho là nhằm lách các biện pháp trừng phạt của Mỹ trong các giao dịch của Nga với thế giới.

Phương thức thanh toán thông qua đồng nội tệ giữa Nga và Ấn Độ có thể được thực hiện cho thương vụ mua 2 tàu chiến do Nga chế tạo. Năm ngoái Ấn Độ và Nga đã ký thỏa thuận về việc mua 4 tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Nga cho Hải quân Ấn Độ. Hai trong số đó đang được chế tạo ở Kaliningrad của Nga.

Dù Nga và Ấn Độ mới đang thực hiện phương thức thanh toán đồng nội tệ trong giao dịch quân sự nhưng đây là nền tảng cơ bản để Moscow có thể hối thúc Ấn Độ tiếp tục chuyển đổi giao dịch thương mại thông qua kênh thanh toán không sử dụng USD.

Các hợp đồng vũ khí quốc phòng được thanh toán bằng đồng nội tệ được cho là một trong những bằng chứng về sự gia tăng liên minh Nga- Ấn Độ- Trung Quốc trong việc thay thế phương thức thanh toán sử đụng đồng USD của Mỹ.

Trong khoảng nửa thập kỷ qua, từ đầu năm 2014 nhóm các nước mới nổi đứng đầu là Trung Quốc và Nga đã có những nỗ lực cụ thể nhằm hạ bệ sự thống trị của đồng USD của nước Mỹ. Hàng loạt những thỏa thuận hoán đổi quy mô lớn giữa đồng ruble và Nhân dân tệ (NDT) đã làm giảm phần nào vai trò của đồng USD.

Chưa hết, Nga và Trung Quốc cũng tìm kiếm sự ủng hộ kế hoạch giảm phụ thuộc vào đồng USD của liên minh các nền kinh tế mới nổi BRICS với Brazil và Ấn Độ, Nam Phi.

Tại cuộc họp của khối này bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa qua tại Nhật Bản, các nước trong khối BRICS đã nhất trí gia tăng hơn nữa việc thành lập hệ thống giao dịch hoán đổi đa phương như một liên minh quốc tế chống đồng USD.

Hệ thống này theo nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin là một ví dụ của những "mô hình phát triển toàn cầu công bằng và bền vững" mà các nước nên hướng tới.

Năm ngoái, Hội nghị thượng đỉnh BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) với các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Jamaica, Indonesia, Argentina và Ai Cập được mời tham gia vào "BRICS plus" cũng đã kêu gọi chống lại quyền bá chủ đồng đôla với mục tiêu tạo ra một nền kinh tế chống lại sự thống trị của đồng USD.

Các nước trong nhóm BRICS có đặc điểm chung là dân số đông, diện tích rộng, tiềm lực quân sự hùng mạnh, chiếm 26% diện tích lãnh thổ toàn cầu và hơn 40% dân số thế giới (hơn 3 tỷ người). Đây cũng là các nền kinh tế đang nổi, có tiềm lực lớn, đang cải cách mạnh mẽ và đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Tất cả thành viên BRICS đều là thành viên Liên hợp quốc, trong đó có 2 thành viên Nga và Trung Quốc là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Không chỉ đơn thuần là một tập hợp của một số quốc gia, BRICS còn là sự hội tụ của các quốc gia mạnh trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Brazil mạnh về sắt và nông nghiệp; Nga sở hữu nguồn năng lượng khổng lồ; Ấn Độ duy trì lợi thế về công nghệ thông tin; Trung Quốc nổi tiếng với danh hiệu công xưởng của thế giới; và Nam Phi được xem là một trung tâm tài chính mạnh trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

Một khả năng tương tác mạnh mẽ nội khối như vậy đã và đang biến cơ chế từng bị nghi ngờ về sức mạnh khi mới ra đời trở thành một diễn đàn có tiếng nói ngày càng lớn bên cạnh những thể chế như Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu (G7) hay G20.

Đến nay BRICS đã chiếm 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Một khi 3 quốc gia lớn mạnh nhất khối là Nga, Ấn Độ, Trung Quốc cùng liên minh tẩy chay đồng USD khỏi thanh toán, họ sẽ tạo được một lợi thế thực sự để gửi cảnh báo đến Washington.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/an-do-gia-tang-lien-minh-nga-trung-chong-lai-dong-usd-3383870/