Ấn Độ gấp rút chống ô nhiễm không khí

Những ngày này, không khí thành phố Delhi liên tiếp ghi nhận mức ô nhiễm báo động, xấu nhất trong năm. Tòa án Tối cao Ấn Độ đã ra lệnh để Chính phủ nước này phải mạnh tay trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí.

Tình trạng ô nhiểm khiến các thành phố Delhi của Ấn Độ luôn nằm trong màn khói mờ ảo

Cảnh báo nâu và tím

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Delhi ngày 13/11 hiện màu tím ngắt và màu nâu. Tại khu vực Noida và Great Noida của Delhi, AQI là 472 và 462, ở các khu vực Faridabad và Gurugram là 441 và 448. Theo xếp loại, AQI giữa 201-300 là tệ hại, 301 - 400 là rất tệ, và từ 401 - 500 là nghiêm trọng.

Với thời tiết mây mù, độ ẩm cao, nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm lớn, cộng với khói bụi do đốt rơm rạ từ các bang xung quanh, chất lượng không khí ở Delhi liên tục rơi vào vùng “nghiêm trọng” trong nhiều ngày vừa qua. Bảng xếp hạng Chỉ số chất lượng không khí Thế giới cho thấy ô nhiễm ở Delhi tăng 7 lần trong thời gian từ tháng 10 sang tháng 11 năm nay.

Bầu trời New Delhi bao phủ một lớp khói mù màu vàng tối trong nhiều ngày. Thậm chí, hôm 3/11, chỉ số AQI ở một số khu vực lên tới 999, gấp 50 lần mức độ khuyến cáo. Ô nhiễm nặng làm hơn 30 chuyến bay phải đổi hướng. Các trường học phải đóng cửa trong 2 ngày, nhiều công trình xây dựng bị đình trệ…

Chất lượng không khí ở Delhi tồi tệ hầu như suốt cả năm, trừ vài tuần trong mùa gió mùa, mưa lớn đẩy các tác nhân ô nhiễm đi xa. Delhi có thể là thành phố ô nhiễm nhất của Ấn Độ song không phải là duy nhất. Toàn bộ miền Bắc nước này đã phải thở hít không khí độc hại, cũng như các năm trước khi mùa đông đến, các tác nhân gây ô nhiễm bị “giam giữ” trong khí quyển.

Trong 30 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới, 22 thành phố là ở Ấn Độ - CNN đăng tải. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, mỗi năm trên toàn cầu có tới 4,2 triệu người chết do ô nhiễm không khí. Khói bụi ô nhiễm được cho là liên quan tới tỷ lệ cao trong các bệnh đột quỵ, đau tim, tiểu đường, ung thư phổi và bệnh phổi mạn tính.

Trợ cấp cho nông dân

Trước tình hình này, chính phủ trung ương và chính quyền New Dehi đã bắt tay chặt chẽ chống ô nhiễm không khí. Song chính quyền nhiều bang khác vẫn không hợp tác dù bị Tòa án Tối cao nước này chỉ trích.

Hôm 12/11, Tòa án Tối cao Delhi đã yêu cầu Trung tâm Khai thác công nghệ nhiên liệu hydro tìm giải pháp giảm ô nhiễm không khí và phải đưa ra báo cáo trước ngày 3/12. Tòa án cũng ghi nhận rằng toàn bộ miền Bắc Ấn Độ đang chịu ô nhiễm nặng và đưa ra lời chỉ trích nghiêm khắc vì sự suy giảm chất lượng không khí thời gian gần đây: “Theo quan điểm của chúng tôi, chính phủ và các bên liên quan đã có rất ít nỗ lực mang tính xây dựng để tìm ra giải pháp”.

Tuy nhiên, việc chống ô nhiễm không khí ở thành phố 20 triệu dân này thực sự là thách thức lớn. Dân số Delhi đã tăng 7 triệu người trong thập kỷ qua.

Tờ Times of India cho biết, chính quyền Delhi đã đưa ra nhiều biện pháp chống ô nhiễm. Xe hơi tư nhân bị hạn chế lưu thông vào các ngày khác nhau theo các biển chẵn lẻ để hạn chế xả thải. Đốt rơm rạ vào mùa Thu cũng là một nguyên nhân gây khói bụi trầm trọng.

Tuần trước, Tòa án Tối cao đã ban hành biện pháp ưu đãi cấp 100.000 rupi cho tất cả nông dân để ngăn họ đốt đồng chuẩn bị cho mùa sau, đồng thời cung cấp cho họ máy móc miễn phí để xử lý rơm rạ. Ở các bang Punjab và Haryana, nơi tình trạng đốt rơm rạ ảnh hưởng trực tiếp đến Delhi, mặc dù có lệnh cấm từ trước, song nông dẫn vẫn tiếp tục vi phạm do không có các ưu đãi về tài chính.

Chính quyền các bang này đã trợ cấp 50 - 80% cho nông dân và các hợp tác xã để mua những thiết bị nông nghiệp hiện đại, song nông dân nói rằng sử dụng máy làm tăng chi phí đầu vào nhiều lần.

Trong 2 năm 2018 - 2019 đã có 63.000 cỗ máy nông nghiệp được mua cho nông dân, giai đoạn 2019 - 2020 có thêm 46.000 cỗ máy nữa được phân phối, nhưng với tốc độ này, phải mất 60 năm mới đủ máy móc cho nông dân ở riêng bang Punjab. Đó là lý do Tòa án yêu cầu trợ cấp trực tiếp bằng tiền cho nông dân.

Nhà lập pháp Gaurav Gogoi thuộc Đảng Quốc đại Ấn Độ đối lập đã lên tiếng về việc đưa ra Luật không khí sạch mới thay cho luật hiện hành có từ năm 1983. Luật này được chờ đợi sẽ gây tranh luận dữ dội. “Các nhà lãnh đạo chính trị cần ngừng coi ô nhiễm không khí chỉ là một vấn đề môi trường và phải hiểu rằng đó là một vấn đề khẩn cấp về y tế công cộng”, nghị sĩ Gaurav Gogoi nói.

Ô nhiễm không khí xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả những thành phố tại các nước phát triển như London, Paris, Los Angeles hay San Francisco.

Song tình trạng ô nhiễm ở những nơi này chỉ là tạm thời và họ có rất nhiều tiến bộ trong cải thiện chất lượng không khí bằng việc thực thi nghiêm khắc các luật lệ về môi trường, ứng dụng các công nghệ sạch. Ô nhiễm kinh niên ở Ấn Độ là hậu quả của phát triển kinh tế giống nhiều thành phố lớn ở các nước đang phát triển khác…

Mỹ Hằng (TH)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/an-do-gap-rut-chong-o-nhiem-khong-khi-4047033-b.html