Ấn Độ được lợi gì nếu Trump - Rouhani hòa giải?

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc sẵn sàng gặp người đồng cấp Iran Hassan Rouhani 'bất cứ lúc nào họ muốn' có thể là cửa sổ hy vọng cho Ấn Độ.

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc sẵn sàng gặp người đồng cấp Iran Hassan Rouhani “bất cứ lúc nào họ muốn” có thể là cửa sổ hy vọng cho Ấn Độ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) đã tuyên bố sẵn sàng gặp người đồng cấp Iran Hassan Rouhani “bất cứ lúc nào họ muốn”. Ảnh: The Week

Một cuộc đàm phán giữa hai ông Rouhani và Trump rõ ràng có thể không chỉ giúp làm giảm căng thẳng giữa hai quốc gia, mà còn có lợi cho những nước khác, nhất là Ấn Độ. Giải pháp ngoại giao sẽ đưa viễn cảnh hòa bình ở Trung Đông trở lại bàn đàm phán, bảo vệ lợi ích chiến lược của New Delhi trong khu vực.

Tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng

Một sự tan băng trong cuộc Chiến tranh Lạnh Mỹ - Iran là rất quan trọng đối với Ấn Độ, giúp nước này có thể tiếp tục đà tăng trưởng trên sân khấu thế giới.

Các chuyên gia cho rằng, nếu không có bất kỳ nỗ lực ngoại giao nào nhằm hướng đến giảm căng thẳng Mỹ-Iran, hòa bình ở vịnh Persian là rất xa xỉ. Chiến tranh Lạnh Mỹ-Iran dẫn đến nhiều cuộc chiến tranh ủy nhiệm đang xảy ra tại các nước như Yemen và Syria và toàn khu vực. Với việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ gần đây, Tổng thống Trump chỉ khuyến khích Iran cố gắng và tiếp tục xây dựng sức mạnh hạt nhân, khiến mục đích của ông về một sự thay đổi chế độ hoàn toàn ít khả thi hơn.

Cựu Chủ tịch Hội đồng người Mỹ gốc Iran, Trita Parsi, cho rằng, áp lực trừng phạt có thể chỉ càng khiến Iran mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn trong chương trình hạt nhân, gây nguy hiểm cho khu vực và có tác động gợn sóng về phía đông. Hiệu ứng gợn sóng của một cuộc chiến tranh Tây Á quy mô lớn sẽ liên quan đến Ấn Độ do dân số quy mô lớn của nước này. Cộng đồng người Ấn Độ trong khu vực GCC quy mô từ 7-8 triệu người vào năm 2017 và nhân khẩu học này là công cụ then chốt của “quyền lực mềm” cũng như quyền lực mà New Delhi đã xây dựng qua nhiều năm.

Cộng đồng này hoạt động như một lời nhắc nhở liên tục về các liên kết lịch sử và văn hóa được chia sẻ giữa hai nước, cho phép Ấn Độ nắm giữ lợi thế cạnh tranh trong khu vực so với bất kỳ cường quốc Châu Á nào khác, như Trung Quốc hay Pakistan. Một khi để mất tất cả những nỗ lực xây dựng “quyền lực mềm” do một cuộc chiến tranh lan tràn từ Iran, Ấn Độ sẽ bị tổn hại trong thời gian dài. Cộng đồng này cũng là công cụ của quyền lực kinh tế mạnh mẽ cho Ấn Độ khi nguồn kiều hối về nước khoảng 35,9 tỷ USD mỗi năm. Ấn Độ sẽ không thể đủ khả năng để chiến tranh khi để mất đi lượng kiều hối và phải đầu tư vào các nhiệm vụ sơ tán để bảo vệ người dân ở các nước như Yemen, một trong những trung tâm của cuộc xung đột.

Mặc dù các cuộc hành quân sơ tán của Ấn Độ trong cuộc chiến Vùng Vịnh và cuộc khủng hoảng Yemen gần đây đã thành công, nhưng cuộc chiến bảo vệ cộng đồng này là nhiệm vụ bất khả thi. Có thể nói rằng, do sự hiện diện lớn của công dân Ấn Độ trong khu vực, nếu Tehran thắng qua cuộc đối thoại ngoại giao với Washington, New Delhi cũng sẽ là bên chiến thắng cấp hai vì sẽ tránh nguy cơ làm tổn hại đến các mối quan hệ song phương này.

“Con gà đẻ trứng vàng” - cảng Chabahar

Thêm vào đó, khi mối căng thẳng Iran và Mỹ leo thang, Ấn Độ phải làm chậm dự án vàng của khu vực, cảng Chabahar, vốn có lợi ích thương mại lớn.

Bằng cách đầu tư 500 triệu USD để phát triển cảng, Ấn Độ đặt mục tiêu cắt giảm chi phí vận chuyển xuống còn 1/3 và nâng cao thương mại giữa Iran, Afghanistan và chính họ. Cung cấp tuyến đường ngắn, thay thế cho các thị trường Châu Âu, cảng Chabahar cũng làm giảm sự phụ thuộc của Ấn Độ đối với Pakistan. Vị trí địa lý của cảng Chabahar ở vịnh Oman tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại từ Iran vì nó giúp các tàu không phải vào vịnh Persian qua eo biển hẹp. Sự phát triển của cảng này là rất quan trọng cho sự phát triển của Ấn Độ, với tham vọng là “ông trùm” trong thị trường giao dịch toàn cầu.

Nếu để mất dự án cảng Chabahar do sự thù địch giữa Mỹ và Iran, Ấn Độ sẽ bị thiệt hại lớn, do dự án này mang lại lợi thế cạnh tranh so với Trung Quốc. Nhưng thực tế có thể chắc chắn New Delhi sẽ không chống lại lệnh cấm của Washington, do đó, nguy cơ để mất quyền sở hữu phát triển cảng Chabahar là rất lớn nếu Mỹ - Iran không ngừng Chiến tranh Lạnh. Kịch bản này tạo ra khoảng chân không mà Trung Quốc và Pakistan sẽ cố gắng lấp đầy, tăng ảnh hưởng trong khu vực. Đã có những đồn đoán, Iran mời Trung Quốc và Pakistan tham gia vào sự phát triển của cảng này, khiến Ấn Độ “đứng ngồi không yên”.

Cuối cùng, cái bắt tay hòa giải giữa ông Rouhani và Trump có thể mang lại lợi ích cho tình hình của Ấn Độ với nước láng giềng, Pakistan. Mối quan hệ thân thiết với Iran sẽ làm giảm sự phụ thuộc địa lý của Mỹ vào Pakistan, điều này có thể khuyến khích Washington bắt đầu chiến lược chống lại những kẻ cực đoan Taliban và Sunni ở Pakistan. Bởi lẽ, ai cũng có thể thấy rằng, thái độ ngoại giao của Washington đối với Islamabad phần nào bắt nguồn từ sự phụ thuộc vào các đường truyền dưới mặt đất (GLOC) và các đường truyền trên không (ALOC) của Pakistan dùng để cung cấp Lực lượng An ninh Quốc gia Afghanistan. Tuy nhiên, mối quan hệ tốt hơn với Iran có thể mở ra một giải pháp thay thế mới cho tuyến đường Pakistan thông qua không phận Iran và cảng Chabahar. Việc hòa giải ngoại giao với Iran là bắt buộc đối với Mỹ để giảm sự phụ thuộc vào Pakistan.

Rõ ràng, Ấn Độ sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi hai nhà lãnh đạo Mỹ - Iran hòa giải vì New Delhi có rất nhiều lợi ích trong khu vực. Ấn Độ nên hy vọng thúc đẩy đàm phán từ phía Iran và mong muốn sự ổn định trong các quyết định của Tổng thống Trump.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_194327_an-do-duoc-loi-gi-neu-trump-rouhani-hoa-giai-.aspx