Ấn Độ dùng máy bay khổng lồ Mỹ để lập cầu hàng không tới biên giới Trung Quốc

Ấn Độ triển khai loạt máy bay vận tải chiến lược khổng lồ C-17 Globemaster III và nhiều đơn vị tiêm kích đến các căn cứ tiền phương ở Ladakh, gần nơi xảy ra ẩu đả với Trung Quốc.

Không quân Ấn Độ lập cầu hàng không từ thành phố Chandigarh tới Ladakh, sử dụng vận tải cơ chiến lược C-17 Globemaster III, C-130J Super Hercules và An-32 để nhanh chóng vận chuyển binh sĩ và khí tài đến sát biên giới.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã kích hoạt toàn bộ căn cứ không quân ở biên giới phía bắc và đông bắc giáp với Trung Quốc. Tư lệnh không quân Ấn Độ R K S Bhadauria bí mật thăm thành phố Leh và Srinagar hồi giữa tuần để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu tại vùng Ladakh.

Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ tối 15-6-2020 tại thung lũng Galwan. Lục quân Ấn Độ xác nhận 20 binh sĩ nước này thiệt mạng, trong đó có đại tá Santosh Babu, chỉ huy Tiểu đoàn Bihar 16, trong khi 18 người đang được điều trị vì vết thương nặng.

Truyền thông Ấn Độ đưa tin hơn 40 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng và bị thương trong vụ ẩu đả. Bắc Kinh xác nhận có thương vong nhưng không nêu số cụ thể.

Đây được coi là vụ đụng độ tồi tệ nhất giữa hai bên trong 4 thập niên, gây lo ngại về nguy cơ bùng phát xung đột quân sự quy mô lớn giữa hai cường quốc hạt nhân châu Á.

Giới chức hai nước đang nỗ lực giải quyết căng thẳng thông qua đàm phán và đối thoại, tránh leo thang thành xung đột quân sự, song vẫn đổ lỗi cho nhau về vụ ẩu đả và cảnh báo lẫn nhau trong các tuyên bố công khai, đồng thời triển khai lực lượng quân sự lớn tới sát biên giới.

Vận tải cơ khổng lồ Boeing C-17 Globemaster III đóng vai trò đặc lực trong việc giúp Ấn Độ chuyên chở binh sĩ và vũ khí tới các điểm nóng tập kết.

Hiện đại, hoạt động ổn định, khả năng mang tải trọng lớn khiến cho chiếc máy bay này ngày càng có vị trí quan trọng trong không quân chiến lược Mỹ và một số nước trong đó có Ấn Độ.

C-17 Globemaster III là máy bay vận tải quân sự hạng nặng được hãng McDonnell Douglas phát triển cuối thập niên 1980 nhằm mục đích vận chuyển chiến lược và chiến thuật.

Những chiếc máy bay vận tải này cho phép đưa trang thiết bị vũ khí và binh sĩ đến mọi địa điểm trên thế giới, cũng như sơ tán thương binh và thả lính dù.

Biệt danh Globemaster III được đặt dựa theo hai mẫu máy bay vận tải hạng nặng trước đó của McDonnell Douglas gồm C-74 Globemaster và C-124 Globemaster II.

Mỗi chiếc C-17 có chiều dài 53 m, sải cánh 52 m và cao 17 m, trang bị 4 động cơ turbine phản lực F117-PW-100 cho phép nó đạt tốc độ hành trình 830 km/h, tầm bay tới 10.000 km khi chở lính dù.

Khả năng tự động hóa cao khiến tổ lái C-17 chỉ có ba người, gồm hai phi công và một nhân viên bốc dỡ hàng hóa.

Khoang hàng của C-17 rộng 5,5 m, cao 4,6 m, cho phép nó mang trọng tải tối đa 77 tấn.

Mỗi chiếc C-17 có thể chở số lượng lên tới 102 lính dù được trang bị đầy đủ hoặc 3 xe thiết giáp hoặc một xe tăng chiến đấu chủ lực hạng nặng.

Ngoài ra C-17 cũng có thể vận chuyển 4 trực thăng vận tải UH-60 Black Hawk hoặc 2 trực thăng tấn công AH-64 Apache.

Điểm nổi bật của C-17 Globemaster III là khả năng hoạt động trên nhiều loại đường băng khác nhau, kể cả nền đất không được phủ bê tông.

Hệ thống đảo chiều lực đẩy của C-17 tận dụng luồng xả động cơ tốt hơn các máy bay thông thường, giúp thổi dị vật ra xa cửa hút khí động cơ, đồng thời cho phép chiếc Globemaster III chạy lùi mà không cần xe hỗ trợ, tăng khả năng vận hành ở đường băng dã chiến hoặc địa điểm không có hỗ trợ hậu cần ở nước ngoài.

Máy bay có thể hạ cánh với tổng lượng hàng hóa lên đến 72 tấn trên một đường băng dài chỉ 914 m.

Để tự vệ, C-17 được trang bị tổ hợp cảm biến nhiệt AN/AAR-47 gắn quanh thân máy bay, giúp tổ lái phát hiện dấu hiệu nhiệt từ luồng xả của tên lửa.

Để giảm tỷ lệ báo động giả, AN/AAR-47 có thể được thiết lập để theo dõi tín hiệu riêng biệt của từng loại tên lửa.

Nếu phát hiện quả đạn đang tiếp cận, nó sẽ phát cảnh báo để tổ lái thực hiện động tác cơ động, đồng thời tự động kích hoạt hệ thống phóng mồi bẫy AN/ALE-47.

Tổ hợp AN/ALE-47 có thể bắn ra nhiều loại mồi bẫy khác nhau để đánh lừa tên lửa dùng đầu dò nhiệt hoặc radar. Tổ lái cũng có thể chọn ba chế độ phóng mồi bẫy gồm tự động, bán tự động hoặc thủ công.

Hiện không quân Ấn Độ đang có trong biên chế 10 chiếc C-17, họ tiếp tục dự định đặt mua thêm trong tương lai để tăng cường cho lực lượng không vận chiến lược.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-an-do-dung-may-bay-khong-lo-my-de-lap-cau-hang-khong-toi-bien-gioi-trung-quoc/857827.antd