Ấn Độ đưa vào biên chế tên lửa ngoài tầm nhìn nội địa

Không quân Ấn Độ bắt đầu trang bị tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn (BVRAAM) Astra lên phi đội tiêm kích Su-30MKI.

Như vậy, lô tên lửa đầu tiên mà lực lượng này đặt hàng của tập đoàn sản xuất quốc phòng Bharat Dynamics có trụ sở tại bang Telangana của Ấn Độ từ giữa năm 2019 đã được bàn giao.

Được nghiên cứu bởi Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) từ năm 2004, tên lửa Astra dự kiến sẽ trở thành vũ khí không chiến chủ lực trang bị cho các tiêm kích hiện tại và tương lai của Không quân Ấn Độ.

 Tên lửa Astra trong một vụ phóng thử nghiệm từ tiêm kích Su-30MKI. Ảnh: Air Force Technology.

Tên lửa Astra trong một vụ phóng thử nghiệm từ tiêm kích Su-30MKI. Ảnh: Air Force Technology.

Tên lửa Astra đã vượt qua bài kiểm tra trên mặt đất vào tháng 12-2012 và được đưa lên thử nghiệm trên tiêm kích Su-30MKI từ tháng 5-2014. Tổng cộng, Không quân Ấn Độ đã bắn nghiệm thu tên lửa BVRAAM này tới 27 lần.

Nhà sản xuất cho biết, sau các đợt bắn thử nghiệm thành công bởi Không quân Ấn Độ, tên lửa Astra đã thỏa mãn được tiêu chuẩn tác chiến đề ra của lực lượng này.

Thiết kế của tên lửa Astra mang ảnh hưởng từ tên lửa R-77 của Nga về kết cấu cánh lái và thông số kỹ thuật. Tên lửa được điều khiển bằng radar của máy bay thông qua hệ thống kết nối dữ liệu với cơ chế dẫn hướng kết hợp quán tính, cập nhật tham số mục tiêu và radar chủ động giai đoạn cuối.

Một nguyên mẫu của tên lửa Astra tại triển lãm. Ảnh: Air Force Technology.

Ngoài ra, tên lửa Astra còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử mạnh mẽ, đảm bảo xác suất trúng đích cao kể cả khi đối phương sử dụng các biện pháp chế áp.

Tên lửa nặng 154kg, với đầu đạn phá mảnh (HE-FRAG) 15kg. Sử dụng ngòi nổ cận đích, khi tên lửa cách mục tiêu vài mét, ngòi nổ sẽ được kích hoạt để tạo ra mức sát thương lớn nhất. Tầm bắn tối đa của tên lửa Astra là 110km khi phóng ở độ cao 15km, 44km ở độ cao 8km và 21km khi phóng ở sát mực nước biển.

Trong thời gian tới, DRDO dự định sẽ phát triển một biến thể khác của Astra (Astra Mark 2) với tầm bắn tối đa lớn hơn, khoảng 150km.

Clip thử nghiệm tên lửa Astra bằng tiêm kích Su-30MKI. Nguồn: Indian Air Force.

Phần lớn các bộ phận của tên lửa Astra được sản xuất trong nước, nhưng riêng đầu dò tên lửa thì vẫn phải nhập khẩu. Quốc gia Nam Á cũng hướng đến mục tiêu xuất khẩu tên lửa Astra cho các quốc gia cùng sử dụng các mẫu tiêm kích như của nước này.

Thành công này đưa New Delhi vào nhóm số ít các quốc gia tự sản xuất, sở hữu dòng vũ khí trên. Đến nay, chỉ một số ít quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nga, Pháp, Israel...làm chủ được các công nghệ tích hợp cho dòng tên lửa BVRAAM.

HỮU ĐÔ (theo Air Recognition)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/an-do-dua-vao-bien-che-ten-lua-ngoai-tam-nhin-noi-dia-612266