Ấn Độ đột ngột hạn chế nhập khẩu hương nhang: Hàng trăm doanh nghiệp trên bờ vực phá sản

Việc Ấn Độ đột ngột hạn chế nhập khẩu hương nhang có thể đẩy hàng trăm doanh nghiệp trong ngành sản xuất này đứng trước nguy cơ phá sản, hàng vạn lao động trong nghành mất việc .

Ngày 31/08/2019, Bộ Công Thương Ấn Độ (Tổng cục Ngoại thương) đã ban hành Thông báo số 15/2015-2020 điều chỉnh chính sách nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang (Agarbatti).

Cụ thể, việc nhập khẩu hương nhang (mã HS 33074100) và các chế phẩm khác (mã HS 33074900) vào Ấn Độ được chuyển từ trạng thái “tự do nhập khẩu” sang “hạn chế nhập khẩu”. Theo nội dung thông báo trên, việc nhập khẩu hương nhang phải xin phép và được một Ủy ban liên Bộ xem xét cấp phép theo từng lô hàng.

Đáng chú ý, thông báo này có hiệu lực ngay từ ngày ký, không kèm theo quy định nào về các tiêu chí, điều kiện cấp phép.

Nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản

Ông Võ Xuân Hậu, Chủ tịch Công ty TNHH thiết bị Trường Giang cho biết, hiện tại ngành hương của Việt Nam đã khẳng định được chỗ đứng tại thị trường Ấn Độ với 90% sản lượng hương được nhập khẩu từ Việt Nam. Nhờ vào điều kiện về nguyên liệu và nhân công thuận lợi mà các doanh nghiệp phát triển ngày càng mở rộng và tập trung chủ yếu ở các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Bình Dương, TP HCM…

“Ngành hương phát triển kéo theo các đơn vị cung cấp nguyên liệu cũng phát triển không ngừng, chuỗi cung ứng nguyên liệu trải dài khắp cả nước tạo ra thu nhập đáng kể cho người dân đặc biệt là những người nông dân thuộc các vùng dân tộc…”, ông Hậu nói.

Tuy nhiên, việc Ấn Độ đột ngột hạn chế nhập khẩu hương nhang đã đẩy nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phải dừng sản xuất kinh doanh.

“Dòng sản phẩm hương nhang xuất khẩu sang Ấn Độ là dòng nguyên liệu thô. Nếu sản phẩm này không được xuất sang Ấn Độ thì không thể bán được ở thị trường trong nước, cũng không thể xuất khẩu được ở các thị trường khác.

Tôi không biết việc gì đang xảy ra, và cũng không biết phải ứng phó thế nào trong thời gian tới?”, ông Hậu chia sẻ.

Việt Nam hiện có hơn 100 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hương nhang, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 khoảng 76 triệu USD/năm, đóng góp cho ngân sách nhà nước từ 70-100 triệu USD/năm.

Việt Nam hiện có hơn 100 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hương nhang, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 khoảng 76 triệu USD/năm, đóng góp cho ngân sách nhà nước từ 70-100 triệu USD/năm.

Ông Hoàng Xuân Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ XNK Vương Long cho biết, việc Ấn Độ đột ngột hạn chế nhập khẩu hương nhang khiến cho doanh nghiệp ông bị định trệ sản xuất kinh doanh.

“Hàng tồn kho số lượng lớn, không xuất khẩu đi nước khác được do không có thị trường xuất khẩu thay thế. Hàng ra cảng Hải Phòng phải quay đầu về. Hàng trên đường sang Ấn Độ không được thông quan dẫn đến tăng chi phí lưu kho, bãi”, ông Hưng than thở.

Ông Hưng chia sẻ thêm rằng, vấn đề này nếu không được giải quyết sớm sẽ khiến khoảng 30 vạn lao động trong nghành mất việc làm, nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản.

Đồng thời, ông Hưng cũng cho biết, việc đưa ra thông báo này không những gây thiệt hại cho các công ty tại Việt Nam mà còn gây thiệt hại cho các nhà nhập khẩu Ấn Độ.

“Về lâu dài, các nhà đầu tư nước ngoài vào Ấn Độ có tâm lý lo sợ về chính sách không ổn định, điều đó gây ảnh hưởng đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Với những chính sách đột ngột và thay đổi như vậy, nếu Chính phủ Việt Nam không can thiệp kịp thời thì Ấn Độ có thể áp dụng cho các ngành hàng khác”, ông Hưng nói.

Cần độ trễ từ 2 đến 4 tháng

Xuất phát từ thực tế kinh doanh của doanh nghiệp, ông Hậu đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành có những hành động mạnh mẽ hơn nữa để ngừng ngay công văn sô 15 và để độ trễ từ 2-4 tháng giúp doanh nghiệp Ấn Độ xin giấy phép và các doanh nghiệp Việt Nam bố trí sản xuất hợp lý.

Theo quan điểm của ông Hậu, việc áp dụng ngay là không bao giờ có tiền lệ trên toàn thế giới, nó chỉ áp dụng với những thảm họa đột ngột. Nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc mạnh mẽ thì việc làm như thế này sẽ làm sụp đổ hầu hết các doanh nghiệp trong nước.

“Việc ra những rào cản không theo thông lệ sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của Ấn Độ trên lĩnh vực giao thương Quốc tế. Các doanh nghiệp Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì thiếu nguồn cung đột ngột. Việc bảo hộ không có lộ trình làm hàng trăm công ty hương Ấn độ cũng sẽ bị đình trệ sản xuất trong ngắn hạn. Vì hương thô là nguyên liệu đầu vào của các công ty, nhà máy lớn sản xuất hương thành phẩm”, ông Hậu nói.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký công thư gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Ấn Độ thể hiện quan ngại và phản đối biện pháp nói trên của Ấn Độ kết hợp đề nghị phía Ấn Độ trước mắt không yêu cầu giấy phép nhập khẩu đối với các lô hàng hương nhang từ Việt Nam đã ký hợp đồng mua bán trước ngày 31/8/2019.

Bên cạnh đó, xem xét, tạm thời ngừng áp dụng biện pháp cấp phép nhập khẩu trong thời gian nhu cầu thị trường ở mức đỉnh điểm (tháng 9 và tháng 10/2019) và về lâu dài hủy bỏ biện pháp quản lý nhập khẩu nói trên.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề xuất buổi gặp với Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam để trao đổi về vụ việc và đề nghị Sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam báo cáo xem xét xử lý vấn đề này, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam, không làm ảnh hưởng tới quan hệ thương mại đang phát triển tốt đẹp của hai nước Việt Nam và Ấn Độ.

Huyền Trang

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/an-do-dot-ngot-han-che-nhap-khau-huong-nhang-30-van-lao-dong-mat-viec-lam-hang-tram-doanh-nghiep-pha-san-158204.html