Ấn Độ: Dịch bệnh làm gia tăng nghèo khó

Nghiên cứu mới của Đại học Azim Premji cho thấy khoảng 230 triệu người Ấn Độ rơi vào cảnh nghèo khó vì tác động của đại dịch COVID-19 trong năm 2020 và nhóm người trẻ tuổi, phụ nữ chịu tác động mạnh nhất.

Tổng số ca bệnh tại Ấn Độ đến nay là trên 21,4 triệu ca, trong đó có 234.071 trường hợp tử vong. Ảnh: AP

Tổng số ca bệnh tại Ấn Độ đến nay là trên 21,4 triệu ca, trong đó có 234.071 trường hợp tử vong. Ảnh: AP

Tình trạng sẽ diễn biến tồi tệ hơn trong năm 2021 khi Ấn Độ trải qua làn sóng dịch bệnh thứ 2 vô cùng nghiêm trọng.

Trong nghiên cứu này, những người Ấn Độ có thu nhập hằng ngày dưới 375 rupee (5 USD) được coi là người nghèo. Dù đại dịch COVID-19 đã khiến thu nhập của hầu hết người dân Ấn Độ giảm nhưng chịu nhiều thiệt hại hơn chính là các hộ gia đình nghèo hơn.

Theo nghiên cứu của Đại học Azim Premji, trụ sở tại Bangalore, lệnh phong tỏa được áp dụng từ tháng 3/2020 và kéo dài nhiều tháng tại Ấn Độ đã khiến hàng triệu người mất việc làm. Tính đến cuối năm 2020, khoảng 15% trong số này không thể tìm được việc làm thay thế. Phụ nữ là nhóm chịu tác động mạnh nhất, với khoảng 47% lao động nữ không thể tìm được việc làm kể cả khi biện pháp hạn chế được dỡ bỏ.

Ngay cả khi đại dịch chưa xuất hiện, nền kinh tế thứ 3 châu Á đã rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm trong thời gian kéo dài và thêm tác động đại dịch thì kinh tế Ấn Độ thậm chí rơi vào trạng thái suy giảm. Trước khi đại dịch xuất hiện, các dự báo đều kỳ vọng khoảng 50 triệu người Ấn Độ sẽ thoát nghèo trong năm 2020. Tuy nhiên, trên thực tế, giai đoạn tháng 4 và tháng 5/2020, khi mọi hoạt động kinh tế đều tạm dừng, khoảng 20% hộ gia đình nghèo nhất ở Ấn Độ rơi vào cảnh hoàn toàn không có thu nhập.

Hầu hết các gia đình mất thu nhập đã phải cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm và vay nợ, với khoảng 20% người được hỏi cho biết tình trạng của họ vẫn chưa cải thiện dù đã 6 tháng kể từ sau lệnh phong tỏa. Lệnh phong tỏa trong làn sóng thứ nhất đã khiến hàng triệu người lao động di tản từ các thành phố lớn về quê nhà và nhiều người đã dự định sẽ trở lại thành phố khi các hoạt động kinh tế được nối lại. Tuy nhiên, nghiên cứu trên chỉ ra khoảng 1/3 số lao động dưới 25 tuổi bị thất nghiệp trong thời gian phong tỏa, đến cuối năm 2020 vẫn không thể tìm được việc làm thay thế.

Biến chủng mới đẩy Ấn Độ vào vực thẳm COVID-19

Chính phủ Ấn Độ hôm 6/5 cho rằng biến chủng B.1.617 mang đột biến kép, được phát hiện tại nước này vào tháng 3, có thể liên quan đợt bùng phát COVID-19 lần này.

Biến thể B.1.617 từ Ấn Độ chứa hai đột biến L452R và E484Q, gọi là "đột biến kép", có khả năng lây lan nhanh chóng và làm giảm hiệu quả vaccine COVID-19.

B.1.617 hiện diện trong một số lượng lớn mẫu bệnh phẩm ở nhiều bang Ấn Độ. Theo đó, trong khoảng 13.000 mẫu được giải trình tự, có hơn 3.500 mẫu mang các biến chủng đáng lo ngại, bao gồm B.1.617. Đặc biệt, B.1.617 được tìm thấy ở Maharashtra, Karnataka, Tây Bengal, Gujarat và Chhattisgarh, là những điểm nóng COVID-19 hiện nay.

Tuy nhiên, một quan chức của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh quốc gia (NCDC) Ấn Độ cho biết họ vẫn chưa xác định chắc chắn mối liên hệ giữa biến chủng này và đợt bùng phát.

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 824.000 ca mắc COVID-19 và trên 13.200 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 156 triệu ca, trong đó trên 3,26 triệu ca tử vong.

Ấn Độ tiếp tục là quốc gia có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 nhiều nhất thế giới trong 24 giờ qua. Với con số 414.433 ca, Ấn Độ lại lập kỷ lục về số ca mắc hàng ngày.

Nhà virus học Ấn Độ, TS. Gagandeep Kang, đánh giá chiều hướng gia tăng các ca nhiễm hiện nay ở quốc gia Nam Á này có thể bắt đầu giảm dần từ giữa đến cuối tháng 5.

Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến, TS. Kang nói rõ các dự đoán từ một số mô hình phân tích dịch tễ cho thấy số bệnh nhân nhiễm mới có thể giảm dần vào khoảng giữa và cuối tháng 5. Một số mô hình dự báo làn sóng dịch thứ hai sẽ lắng xuống vào đầu tháng 6 tới.

Tổng số ca bệnh tại Ấn Độ đến nay là trên 21,4 triệu ca, trong đó có 234.071 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia y tế, con số thực tế có thể còn cao gấp từ 5 đến 10 lần. Hiện tác động của dịch bệnh đã được cảm nhận rõ ở các bang miền Nam Ấn Độ như Karnataka, Kerala và Tamil Nadu, với số ca nhiễm mới tăng đột biến, vượt qua những mức đỉnh điểm trong làn sóng đầu tiên.

An Bình

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/an-do-dich-benh-lam-gia-tang-ngheo-kho/430463.vgp