Ấn Độ có thể 'hút vốn' sau khi Trung Quốc thắt chặt kiểm soát lĩnh vực công nghệ?

Các công ty khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực công nghệ của Ấn Độ đang thu hút hàng tỷ USD đầu tư, đặc biệt là sau khi giới chức Trung Quốc thắt chặt kiểm soát các công ty công nghệ trong nước.

Logo của nền tảng thanh toán kỹ thuật số Paytm. Ảnh: AFP

Logo của nền tảng thanh toán kỹ thuật số Paytm. Ảnh: AFP

Ấn Độ đang chứng kiến làn sóng doanh nghiệp phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) mạnh mẽ. Các công ty khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực công nghệ của Ấn Độ đang thu hút hàng tỷ USD đầu tư, đặc biệt là sau khi giới chức Trung Quốc thắt chặt kiểm soát các công ty công nghệ trong nước.

"Bài kiểm tra" mang tên Paytm

Nền tảng thanh toán kỹ thuật số Paytm thuộc sở hữu của tỷ phú người Ấn Độ Vijay Shekhar Sharma đã huy động được 2,5 tỷ USD khi IPO vào ngày 18/11 - đánh dấu thương vụ IPO lớn nhất tại nước này. Tuy nhiên, ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, Paytm đã để mất 1/4 giá trị thị trường do các nhà giao dịch lo ngại liệu công ty đang thua lỗ này có đạt lợi nhuận trở lại hay không. Giá cổ phiếu của Paytm giảm hơn 25% so với mức giá IPO là 2.150 rupee (29 USD) trong những phút giao dịch mở cửa.

Paytm ra mắt vào năm 2010 và nhanh chóng trở thành nền tảng thanh toán kỹ thuật số ở một quốc gia có truyền thống giao dịch bằng tiền mặt. Các cổ đông lớn của Paytm là tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma, công ty dịch vụ tài chính Ant Financial thuộc Alibaba, cùng với tập đoàn đầu tư SoftBank (Nhật Bản) và quỹ đầu tư Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett.

Thương vụ IPO của Paytm lần này được kỳ vọng là bài kiểm tra lớn nhất cho đến nay về việc liệu các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ có thể lặp lại thành công của một thế hệ các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã “làm mưa làm gió” trên thị trường chứng khoán và gây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư hay không.

Kế hoạch “chào sàn” của Paytm diễn ra chỉ một năm sau khi các nhà chức trách Trung Quốc bất ngờ chặn thương vụ IPO được kỳ vọng có giá trị lên tới 37 tỷ USD của Ant Financial. Kế hoạch IPO của Ant Financial đổ vỡ đã đánh dấu sự khởi đầu của một loạt biện pháp “chấn chỉnh” các công ty công nghệ Trung Quốc trong mọi lĩnh vực, từ giáo dục tư nhân đến dịch vụ giao hàng. Hàng tỷ USD đã bị xóa sổ trên thị trường chứng khoán và khiến các nhà đầu tư không khỏi e ngại.

Trong khi đó, Ấn Độ từ lâu đã là thị trường châu Á đầy hứa hẹn đối với các nhà đầu tư. Thị trường vốn của nước này được đánh giá là sẽ hưởng lợi lớn sau khi lĩnh vực công nghệ Trung Quốc bị giới chức "đưa vào tầm ngắm”. Đồng thời, thanh khoản toàn cầu dồi dào và tỷ lệ sử dụng Internet tăng nhanh đã thúc đẩy làn sóng huy động vốn vào các startup công nghệ ở Ấn Độ.

Timothy Moe, nhà phân tích chiến lược chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Goldman Sachs, cho biết trong bối cảnh hiện nay khi thị trường Trung Quốc không còn thu hút hết mọi sự chú ý của nhà đầu tư như trước, mối quan tâm của giới đầu tư đã chuyển sang các lựa chọn thay thế khác, ví dụ như Ấn Độ.

Chỉ số chứng khoán Sensex của Ấn Độ đã tăng 25% trong năm nay, là chỉ số có kết quả hoạt động tốt nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Á, trong khi chỉ số Shanghai SE Composite của Trung Quốc đi ngang trong cùng giai đoạn.

Một số quỹ đầu tư đã dịch chuyển một phần vốn của họ từ các công ty công nghệ Trung Quốc sang công ty công nghệ Ấn Độ, song không rõ sự “nhiệt tình” này sẽ kéo dài bao lâu. Có những lo ngại rằng thị trường công nghệ sôi động của Ấn Độ đã “quá nóng” khi dòng tiền mạnh thổi giá cổ phiếu, và các công ty và nhà đầu tư cá nhân rất dễ bị ảnh hưởng nặng nề khi thị trường quay đầu điều chỉnh.

Dù dẫn đầu thị trường thanh toán trực tuyến đang tăng trưởng nhanh, Paytm liên tục lỗ trong ba năm qua và phiên giao dịch đầu tiên đã cho thấy sức hút đối với nhà đầu tư có những giới hạn.

Dù được nhiều tập đoàn nước ngoài lớn “chống lưng”, Paytm có hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với các đối thủ lớn như Google và Flipkart (công ty thương mại điện tử Ấn Độ được Walmart hậu thuẫn). Các nhà quan sát coi đợt IPO lần này của Paytm như một phép thử để đánh giá xem các nhà đầu tư kỳ vọng vào lĩnh vực công nghệ Ấn Độ ở mức nào.

Thời cơ của các startup Ấn Độ?

Sau khi giới chức Trung Quốc ra thông báo hủy kế hoạch IPO của Ant Financial vào năm ngoái, theo sau đó là một loạt quy định và chính sách mới liên quan đến bảo mật dữ liệu, hành vi độc quyền nhằm siết chặt kiểm soát lĩnh vực công nghệ đang bùng nổ ở nước này. Mặc dù đến nay, “cơn bão” pháp lý dường như đã dịu lại, mối đe dọa về những quy định mới có thể bất ngờ được ban hành vẫn “ám ảnh” nhiều công ty Trung Quốc. Ví dụ như Ant Financial hiện vẫn chưa biết bao giờ mới có thể tiến hành IPO.

Số phận của Didi Chuxing, ứng dụng gọi xe hàng đầu của Trung Quốc bị gỡ trên kho ứng dụng vì vi phạm quy định liên quan đến thu thập và sử dụng bất hợp pháp dữ liệu cá nhân của người dùng, đến nay cũng chưa chắc chắn. Chỉ hai ngày sau khi IPO trên Sàn giao dịch chứng khoán New York vào tháng Sáu, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã thông báo điều tra Didi về vấn đề bảo mật dữ liệu. Động thái này làm “bốc hơi” 1/5 giá trị thị trường của công ty. Cuộc điều tra đang tiếp tục và giá cổ phiếu của Didi giảm hơn 40% so với giá “chào sàn”.

Theo Nick Xiao - Giám đốc điều hành chi nhánh Hong Kong (Trung Quốc) của công ty quản lý tài sản Trung Quốc Hywin, giá trị vốn mà các startup công nghệ huy động thông qua niêm yết cổ phiếu ở Trung Quốc Đại lục trong năm 2021 dự kiến giảm lần đầu tiên trong vòng 7 năm trở lại đây. Ngược lại, các startup Ấn Độ đã huy động được khoảng 2,6 tỷ USD từ đầu năm đến nay, tăng 550% so với tổng vốn ghi nhận trong năm ngoái.

Trong khi Đông Nam Á cũng là khu vực được hưởng lợi từ sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, quy mô của thị trường vốn Ấn Độ đã khiến nước này trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn cả. Karam Daulet-Singh, đối tác quản lý của quỹ đầu tư Touchstone Partners, nhận xét rằng “cơn bão” pháp lý ở Trung Quốc trong 12 tháng qua đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến Ấn Độ. Nhưng còn một lý do khác khiến các startup công nghệ nước này “hút vốn”, đó là quá trình số hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở Ấn Độ.

Tình trạng khó khăn của Didi tương phản với đợt IPO của Zomato ở Ấn Độ hồi tháng Bảy. Zomato là một nền tảng giao hàng thực phẩm và là công ty công nghệ đang thua lỗ đầu tiên của Ấn Độ niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Bất chấp những hoài nghi về chi phí kinh doanh tốn kém và tương lai thiếu chắc chắn, giá cổ phiếu của Zomato đã tăng gấp đôi từ khi niêm yết và đưa giá trị vốn hóa của công ty lên 15 tỷ USD.

Một công ty khác đã “tiếp bước” Zomato là Nykaa - ứng dụng thương mại điện tử tập trung vào mỹ phẩm và các sản phẩm làm đẹp đã ghi nhận giá cổ phiếu tăng gần gấp đôi sau khi IPO vào tháng 11. Oyo, startup đặt phòng của Ấn Độ được SoftBank hậu thuẫn, đã buộc phải thu hẹp quy mô hoạt động kinh doanh nhưng vẫn kỳ vọng huy động được 1,1 tỷ USD thông qua niêm yết cổ phiếu. Ola, nền tảng chia sẻ xe đang cố gắng mở rộng sang lĩnh vực sản xuất xe điện, cũng lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trong thời gian tới nhằm huy động khoảng 2 tỷ USD, theo những nguồn tin quen thuộc trong ngành.

Dù vậy, các nhà đầu tư cảnh báo thị trường Ấn Độ sẽ ngày càng dễ bị tổn thương nếu các công ty đang niêm yết trên thị trường có hoạt động kinh doanh thua lỗ nhưng giá trị vốn hóa cao, họ sẽ phải vật lộn để đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư đặc biệt nếu những công ty đó không thể hiện được triển vọng tăng trưởng của mình. Khoản lỗ của Zomato trong tháng 7-9/2021 đã tăng gần gấp đôi lên 4,4 tỷ rupee, trong khi giá cổ phiếu của công ty này tiếp tục tăng.

Jeffrey Lee Funk, một nhà tư vấn công nghệ cho biết tình trạng này không chỉ giới hạn ở thị trường Ấn Độ. Tất cả các quốc gia đều gặp vấn đề về việc định giá quá cao các startup do dòng tiền mạnh của nhà đầu tư tư nhân toàn cầu đã góp phần "thổi giá" các công ty này.

Phía trước tòa nhà Sàn giao dịch Chứng khoán Bombay ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg

Riêng đối với Paytm, nền tảng thanh toán kỹ thuật số này tự định vị mình là một “siêu ứng dụng” giống như Ant Financial của Trung Quốc, với các dịch vụ đa dạng từ thanh toán kỹ thuật số đến bảo hiểm. Trong khi Paytm không ngừng mở rộng thêm các dịch vụ khác như hỗ trợ thanh toán vé máy bay và trả tiền trò chơi trên điện thoại, lĩnh vực mà công ty đã đầu tư nhiều vốn liếng như nền tảng thương mại điện tử và ví điện tử thì lại có kết quả kinh doanh không mấy khả quan.

Trên thị trường thanh toán di động, Paytm đã mất thị phần vào tay hai đối thủ là Google Pay và PhonePe. Hiện tại Paytm đang có hơn 330 triệu tài khoản đăng ký nhưng chỉ khoảng 15% người dùng thực hiện giao dịch trong vòng một tháng. Đáng chú ý, cả ông Sharma, Ant Group và SoftBank đều đang bán cổ phần Paytm mà họ sở hữu. Trong đợt IPO, nhu cầu mua cổ phiếu Paytm cao hơn 1,9 lần so với số lượng được bán ra, nhưng tỷ lệ này kém xa Zomato (38 lần) và Nykaa (80 lần).

Nguy cơ “bong bóng chứng khoán”?

Ấn Độ sắp vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, với khoảng 375 triệu người thuộc Thế hệ Z (Gen Z) - nhóm người sinh từ năm 1996 đến 2010. Trong khi đó, Trung Quốc có khoảng 250 triệu dân thuộc Gen Z. Theo Goldman Sachs, tỷ lệ sử dụng Internet tại Ấn Độ vẫn chưa đến 60%, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, khiến Ấn Độ trở thành một thị trường có tiềm năng phát triển trong mắt các nhà đầu tư.

Các doanh nhân Ấn Độ nói rằng họ chưa bao giờ chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt như hiện nay giữa các nhà đầu tư nước ngoài. Vikram Chopra, Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập của Cars24 - nền tảng trực tuyến chuyên bán xe ô tô đã qua sử dụng - cho biết họ đã huy động được 450 triệu USD từ các nhà đầu tư trong đó có SoftBank và Tencent (Trung Quốc) trong tháng Chín.

Theo công ty phân tích tài chính Venture Intelligence có trụ sở tại Ấn Độ, chỉ trong năm 2021, nước này đã có 35 startup công nghệ trở thành “kỳ lân” (startup được định giá hơn 1 tỷ USD). “Kỳ lân” mới nhất là Apna, một nền tảng tìm việc được thành lập cách đây chưa đầy hai năm, được định giá hơn 1 tỷ USD sau vòng gọi vốn vào tháng Chín với sự tham gia của quỹ đầu tư Tiger Global có trụ sở tại New York (Mỹ) và quỹ Sequoia Capital từ Thung lũng Silicon.

Tuy nhiên, tình trạng cổ phiếu đang bị định giá quá cao khiến một số nhà đầu tư không khỏi lo ngại. William Bao Bean, thành viên của quỹ đầu tư SOSV cho biết, đầu tư ở Ấn Độ tốn kém hơn nhiều so với trước đây. Ông đã rót vốn vào khoảng 50-60 startup Ấn Độ và giờ đây ông dự định chuyển hướng sang Pakistan hoặc Bangladesh.

Một số ý kiến bày tỏ quan ngại rằng thị trường Ấn Độ có nguy cơ hình thành “bong bóng”, trong khi nhiều nhà đầu tư vẫn chưa thu được một đồng tiền lãi nào. Cars24 đã ghi nhận tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư là -53% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2020, theo dữ liệu tài chính mới nhất của Cơ quan quản lý doanh nghiệp và kế toán Singapore (ACRA). “Kỳ lân” Udaan, một startup thương mại điện tử đã thành công huy động được 280 triệu USD hồi tháng 1/2021, vừa báo cáo lợi nhuận trên vốn đầu tư là -80% trong cùng giai đoạn.

Xét về tiềm năng của thị trường, sức chi tiêu ở Ấn Độ vẫn thua xa Trung Quốc và GDP bình quân đầu người của Ấn Độ là 2000 USD chỉ bằng 1/5 so với Trung Quốc. Một số nhà phân tích cũng cảnh báo rằng những kỳ vọng vào quy mô thị trường Ấn Độ có thể bị thổi phồng quá mức. Bất chấp dân số 1,4 tỷ người của Ấn Độ, ước tính số người dùng giàu có, hiểu biết về kỹ thuật số và sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ công nghệ chỉ khoảng vài chục triệu người.

Trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc thắt chặt các biện pháp kiểm soát với các công ty công nghệ, thị trường Ấn Độ đã trở thành một điểm đến hấp dẫn vì sự ổn định nước này trong mắt các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro khi rót vốn vào các công ty Ấn Độ, đặc biệt là những lĩnh vực đang nằm trong “vùng xám quản lý” như cho vay tiền trực tuyến, tiền điện tử hay cá độ thể thao./.

Mai Ly (Theo Financial Times, Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/an-do-co-the-hut-von-sau-khi-trung-quoc-that-chat-kiem-soat-linh-vuc-cong-nghe/221779.html