Ấn Độ có thể đã chốt mua S-400 của Nga

Theo báo chí Ấn Độ, quốc gia Nam Á này có thể đã quyết định tiếp tục thỏa thuận mua hệ thống phòng không tối tân S-400 của Nga bất chấp Mỹ đe dọa rằng thương vụ này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Washington và New Delhi.

Báo The Times of India cho biết, Ấn Độ sẽ ký hợp đồng mua 5 hệ thống S-400 trị giá 5,43 tỷ USD mặc dù Mỹ tuyên bố sẽ áp đặt trừng phạt New Delhi, giống như những gì mà Chính quyền Tổng thống D. Trump đã làm khi Trung Quốc mua S-400 và tiêm kích Su-35 từ Moscow.

Nhật báo này cũng dẫn một số nguồn tin chưa xác định từ Chính phủ Ấn Độ cho biết, quyết định trên được Hội đồng An ninh thuộc Nội các Ấn Độ do Thủ tướng N. Modi đứng đầu thông qua vào ngày 26-9, ngay trước chuyến thăm chính thức của Tổng thống Nga V. Putin tới Ấn Độ dự kiến trong 2 ngày 4 và 5-10.

Dù chưa có tuyên bố chính thức từ chính phủ, nhưng việc Hội đồng An ninh Ấn Độ đồng ý với hợp đồng S-400 chứng tỏ quốc gia Nam Á sẽ quyết theo đuổi thương vụ này đến cùng.

Một hệ thống S-400 của Nga.

Cũng theo The Times of India, nếu hợp đồng được ký kết, Ấn Độ sẽ nhận bàn giao hệ thống S-400 đầu tiên sau đó 24 tháng, số còn lại sẽ được bàn giao trong vòng 4-5 năm. New Delhi sẽ trả trước 15% giá trị hợp đồng (khoảng 810 triệu USD), và sẽ tiếp tục thanh toán dần cùng với mỗi đợt bàn giao.

Tháng 10-2015, Ấn Độ thông báo muốn mua hệ thống S-400 của Nga. Đúng 1 năm sau đó, hai nước đã ký một thỏa thuận liên chính phủ về hợp đồng này. Tháng 5 và 6-2018, các nguồn tin từ cả phía Nga và Ấn Độ đều khẳng định, New Delhi và Moscow đã đi đến giai đoạn then chốt trong cuộc đàm phán về hợp đồng S-400.

Trong khi đó, Mỹ tuyên bố rằng việc Ấn Độ mua các hệ thống S-400 sẽ làm ảnh hưởng tới hợp tác quân sự song phương với Hoa Kỳ và đề nghị New Delhi hủy bỏ hợp đồng. Washington đã căn cứ vào điều luật áp dụng biện pháp trừng phạt lên đối thủ CAATSA để đe dọa sẽ có biện pháp trừng phạt nếu Ấn Độ mua S-400.

Clip một cuộc thử nghiệm bắn đạn thật hệ thống S-400.

Theo các nhà phân tích quân sự, Ấn Độ hy vọng sẽ không phải chịu các biện pháp trừng phạt thuộc CAATSA bởi các hợp đồng mua sắm mà New Delhi có thể ký với Mỹ trong tương lai dự kiến sẽ có giá trị gấp nhiều lần thương vụ S-400 với Nga. Vì vậy, Washington chắc chắn phải đặt lên bàn cân nếu vẫn quyết trừng phạt Ấn Độ chỉ vì hợp đồng trên.

Ấn Độ cũng không phải là nước duy nhất chịu áp lực từ phía Mỹ khi trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh chiến lược của Mỹ, cũng phải hứng chịu chỉ trích từ Nhà Trắng khi ký thỏa thuận mua S-400 của Nga.

S-400 Triumf (NATO định danh là SA-21 Growler) là hệ thống phòng không hiện đại nhất đã được Nga đưa ra thị trường vũ khí, là một phiên bản cải tiến của S-300 và có tầm bắn xa nhất thế giới cho tới khi hệ thống S-500 ra đời. S-400 có thể tiêu diệt máy bay đối phương trong khoảng cách tới 400km và tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 60km. Dù là hệ thống tên lửa tầm cao nhưng S-400 vẫn có thể hạ mục tiêu bay thấp cách mặt đất chỉ 5-10m.

So với hệ thống đối thủ Patriot PAC-3 của Mỹ, S-400 tỏ ra vượt trội về nhiều thông số, trong đó S-400 chỉ mất 5 phút để triển khai chiến đấu còn PAC-3 cần tới 30 phút, S-400 có tầm bắn 400km so với 240km của PAC-3...

Ngoài hệ thống S-400, Ấn Độ đang đàm phán với Nga để mua 4 tàu hộ vệ tên lửa lớp Đô đốc Grigorovich - Project 11356 và 200 trực thăng đa nhiệm Ka-226T.

PHẠM HUY (theo Army Recognition)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/an-do-co-the-da-chot-mua-s-400-cua-nga-550783