Ấn Độ có nhiều bất ngờ cho Trung Quốc?

MQ-9 Reaper có thể giúp Ấn Độ thay đổi cuộc chơi khi bước vào cuộc chiến mới nhằm duy trì tiếp tế mùa Đông cho binh sĩ ở khu vực Himalaya.

Khí tài Mỹ giúp Ấn Độ?

Khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc thuộc dãy Himalaya đang bước vào mùa Đông. Thông thường, nhiệt độ sẽ xuống dưới âm 30 độ C trong khi tuyết phủ dày mặt đất. Giới phân tích cho rằng điều kiện khí hậu này sẽ “hạ nhiệt” cuộc đối đầu Trung-Ấn.

Tuy nhiên, hai nước này lại đang bước vào một cuộc chiến mới là duy trì tiếp tế cho lính biên phòng trước khi bước vào mùa Đông. Đây được coi là một phần của chiến thuật trong cuộc đàm phán song phương về vấn đề biên giới. Theo một số thông tin, Trung Quốc đã thử nghiệm máy bay trực thăng không người lái AR-500C ở vùng núi cao, còn Ấn Độ đang chuẩn bị cho thông đường hầm chiến lược ở Ladakh.

Trực thăng không người lái AR-500C của Trung Quốc

Trực thăng không người lái AR-500C của Trung Quốc

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho biết, máy bay trực thăng không người lái đầu tiên của Trung Quốc dự kiến sẽ tham gia tiếp tế cho quân đội ở vùng núi cao trên biên giới Trung-Ấn, bao gồm hỗ trợ hậu cần và trinh sát trong bối cảnh căng thẳng.

Tờ báo ngày 28/9 dẫn lời một chuyên gia quân sự giấu tên cho biết trực thăng không người lái AR-500C sẽ bổ sung cho kho vũ khí của quân đội Trung Quốc. Loại máy bay này có trọng tải lớn hơn, bay cao hơn và hoạt động linh hoạt hơn so với các máy bay không người lái hiện đang phục vụ trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Về phần mình, Ấn Độ đã đầu tư 3 tỷ USD để mua 30 máy bay không người lái MQ-9 Reaper từ General Atomics của Mỹ, trong đó 6 chiếc dự kiến được bàn giao trong thời gian tới. Thời báo Hoàn cầu dẫn lại đánh giá của quân đội Ấn Độ cho rằng, MQ-9 Reaper có thể làm thay đổi "cuộc chơi" bởi vì loại máy bay này có khả năng thực hiện các nhiệm vụ như nhắm mục tiêu bằng tia laser, hỗ trợ điện tử và tấn công hỏa lực.

Ngày 28/9, truyền thông Ấn Độ đưa tin trong khuôn khổ chiến dịch hỗ trợ hậu cần lớn nhất trong 10 năm qua, quân đội Ấn Độ đã đẩy mạnh gửi vũ khí, nhiên liệu, lương thực và vật tư mùa Đông tới khu vực biên giới. Đây là một phần của chương trình chuẩn bị cho mùa Đông khắc nghiệt phía trước trên dãy Himalaya.

Máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ

Đường hầm Atal Rohtang mới dài 9 km sẽ giúp kết nối giữa tuyến đường bộ với nhiều khu vực tại Ladakh trong trường hợp có tuyết rơi dày. Dự kiến vào đầu tháng 10 này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ đến dự lễ khai trương đưa vào vận hành đường hầm này. Đường hầm Atal Rohtang sẽ rút ngắn hành trình giữa Leh và Manali.

Trang Sputnik của Nga dẫn lời chuyên gia Alexei Kupriyanov thuộc Viện Kinh tế Quốc tế và Quan hệ Quốc tế (IMEMO), nói rằng cả hai bên đều nhận thức rõ rằng tình hình trên đường kiểm soát thực tế ở Ladakh không thể được giải quyết trong tương lai gần. Theo đánh giá, sự cạnh tranh giữa hai nước trong việc gửi quân nhu để chuẩn bị tốt nhất cho mùa Đông có thể được xem như một nước cờ chiến thuật trong cuộc đàm phán về vấn đề biên giới.

Chuyên gia Kupriyanov nhận định: "Vì vào mùa Đông có thể xảy ra những sự cố do tình huống bất ngờ, cả người Ấn Độ và người Trung Quốc đều có kinh nghiệm tiến hành các hoạt động tác chiến theo nhóm nhỏ trong điều kiện mùa Đông ở vùng núi cao, đặc biệt là tại các đồn biên phòng, nên cả hai bên đều cố gắng bảo vệ mình. Đương nhiên, cần phải chuẩn bị quân đội cho mùa Đông và cả hai bên đều làm đúng lúc, không trì hoãn, vì sau đó những ngọn đèo sẽ phủ đầy tuyết".

Ấn Độ nay đã khác?

Trong khi đó, tờ Phân tích Á-Âu nhận định rằng, Trung Quốc và Ấn Độ đang trong “tình trạng chiến tranh” chưa từng có tiền lệ trong tháng 9/2020 sau khi quân đội 2 nước đối đầu nhau tại vùng biên giới Himalaya thuộc Ấn Độ, tiếp giáp Tây Tạng thuộc Trung Quốc. Theo trang này, Trung Quốc chưa muốn từ bỏ ý định thay đổi Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) theo hướng có lợi cho mình ở Đông Ladakh, trong khi Ấn Độ với sức mạnh quân sự mới và ý chí chính trị mạnh mẽ vẫn cương quyết không để bị Bắc Kinh “chèn ép”.

Tờ Phân tích Á-Âu đánh giá tình trạng đối đầu quân sự căng thẳng ở đây tương tự như thời kỳ diễn ra Chiến tranh Trung-Ấn mùa Thu năm 1962. Lịch sử dường như đang lặp lại vào mùa Thu năm 2020, nhưng với một sự khác biệt đáng kể: Ấn Độ và quân đội Ấn Độ năm 2020 không “trốn tránh” và Bắc Kinh đang phải đối đầu với một Ấn Độ có khả năng tổng động viên quy mô lớn và nhanh chóng tại Đông Ladakh, đồng thời cũng thể hiện các ý đồ quân sự mới “phòng thủ mang tính tấn công” để ngăn chặn Bắc Kinh áp đặt ý chí lên Ấn Độ.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong một lần đến thăm binh sĩ đóng tại khu vực Ladakh hồi tháng 7

Cũng theo trang phân tích này, lần đầu tiên, Trung Quốc cảm thấy bị Ấn Độ đe dọa. Theo đó, Trung Quốc hiện nay nhận thấy rằng Ấn Độ của năm 2020 đã giảm thiểu sự bất cân xứng trong cán cân quân sự Trung-Ấn nhờ quá trình hiện đại hóa quân đội và điều chỉnh các vị trí phòng thủ dọc LAC theo chiến lược “phòng thủ mang tính tấn công”.

Tại Đông Ladakh, Ấn Độ đã hoàn thành tuyến đường chiến lược Darbuk-Shyok-Daualet Beg Oldie chạy song song đường cao tốc Aksai Chin do Trung Quốc xây dựng, và Sân bay Daulet Beg Oldie trên Đèo Karakoram. Điều này cho phép quân đội Ấn Độ và Lực lượng Đặc nhiệm phong tỏa đường cao tốc Aksai, tạo ra mối đe dọa đối với việc kiểm soát Tân Cương và phía Tây Tây Tạng của Trung Quốc.

Theo trang Phân tích Á-Âu, để đáp trả các hành động của Trung Quốc, quân đội Ấn Độ đã điều động thêm gần 50.000 quân cùng xe tăng, pháo hạng nặng và tên lửa tới Đông Ladakh. Đây không phải là giải pháp ngắn hạn, mà là sự triển khai quân sự dài hạn của phía New Delhi bất chấp thời tiết lạnh giá khắc nghiệt ở vùng này.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh thị sát khu vực Ladakh

Trang phân tích nhận định, trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên dãy Himalaya, năng lực hỗ trợ hậu cần và sự dẻo dai của binh sỹ tại các khu vực trên cao là yếu tố quyết định, và Ấn Độ đã có sự phòng bị rất tốt.

Trong khi đó, theo thông tin mới nhất, Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 30/9 cho biết sau cuộc họp theo cơ chế chuyên viên về tham vấn và hợp tác trong các vấn đề biên giới Ấn Độ - Trung Quốc, hai bên đã nhất trí việc các tư lệnh quân đoàn nên nhóm họp sớm để vạch ra kế hoạch nhanh chóng rút quân khỏi Ladakh phù hợp các hiệp ước và nghị định thư song phương.

Theo phía Ấn Độ, “hai bên nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện các bước được nêu trong thông cáo báo chí chung được đưa ra sau cuộc họp mới nhất của các tư lệnh quân đoàn nhằm tránh hiểu lầm và duy trì ổn định trên thực địa”.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/an-do-co-nhieu-bat-ngo-cho-trung-quoc-3419909/