Ấn Độ chiếm ngược tiền đồn chiến lược từ TQ: Hàng nghìn binh sĩ leo lên đỉnh núi ngay giữa đêm

Chiến dịch này được coi là động thái tấn công đầu tiên của Ấn Độ từ khi mâu thuẫn biên giới nổ ra vào tháng 5.

Bloomberg dẫn lời các quan chức Ấn Độ cho biết, chiến dịch trong đêm của quân đội Ấn Độ nhằm chiếm các đồn quân sự chiến lược từ Trung Quốc đã cho thấy hoạt động rõ ràng của binh sĩ nước này ở vùng lãnh thổ tranh chấp.

Chiến dịch nói trên được coi là động thái tấn công đầu tiên của Ấn Độ từ khi mâu thuẫn biên giới nổ ra vào tháng 5. Phía Ấn Độ cho hay, hàng nghìn binh sĩ đã leo lên đỉnh núi trong vòng 6 giờ để chiếm giữ các cứ điểm dọc bờ phía nam của hồ Pangong Tso - hồ băng có diện tích lớn gần bằng Singapore. Một quan chức Ấn Độ đề nghị giấu tên cho biết chiến dịch này được Ấn Độ thực hiện nhằm chống lại "cuộc xâm lăng" từ phía Trung Quốc.

Vào đêm ngày 29/8 - rạng sáng ngày 30/8, khoảng 500 binh sĩ Trung Quốc đã vượt qua Spanggur, một thung lũng hẹp gần làng Chushul và có cuộc xô xát bằng tay không kéo dài 3 tiếng đồng hồ với binh sĩ Ấn Độ.

Ngày 2/9, Telegraph dẫn một nguồn tin quan chức Ấn Độ cho biết cuộc tấn công đã bị đẩy lùi và chiến dịch phản công đặc biệt của Ấn Độ đã giúp binh sĩ nước này chiếm được một tiền đồn của Trung Quốc ở gần vùng đồi của Hồ Pangong Tso vào sáng sớm ngày 30/8.

Quyết định chiếm lại vùng đất cao dọc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) dài 3.488 km ở vùng biên giới Trung-Ấn là một phần lí do dẫn tới cuộc xô xát đẫm máu hồi tháng 6. Khi đó, 20 lính Ấn Độ và một số lượng không xác định lính Trung Quốc đã tử vong trong cuộc truy sát giữa đêm lạnh trên núi cao.

Mâu thuẫn biên giới đã ngay lập tức ảnh hưởng tới các mặt khác trong mối quan hệ Trung - Ấn, đặc biệt là kinh tế. Ấn Độ siết chặt các quy định visa liên quan tới Trung Quốc, hạn chế đầu tư Trung Quốc và quyết định gạch tên Huawei khỏi mạng chương trình phát triển mạng 5G của nước này. Ngày 2/9, Ấn Độ cấm 118 ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm Tencent, trò chơi điện thoại nổi tiếng PUBG và dịch vụ thanh toán điện tử Alipay. Trước đó, Ấn Độ đã cấm nhiều ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm TikTok.

Ngày 2/9, Trung Quốc cáo buộc Ấn Độ phá vỡ thỏa thuận giữa hai nước và đơn phương thay đổi thực trạng khu vực.

"Ở Trung Quốc, chúng tôi có câu tục ngữ nói về việc một người có tội nhưng luôn lên tiếng thanh minh rằng mình vô tội. Đó là điều mà Ấn Độ đang làm," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố.

Hai cuộc gặp giữa các quan chức quân sự Ấn Độ và Trung Quốc vào cuối tuần qua đã đi vào bế tắc, nhưng chỉ huy hai bên đã tiếp tục gặp để đàm phán vào ngày 2/9 vừa qua.

Trong khi Ấn Độ phủ nhận rằng quân đội nước này đã vượt qua đường LAC, nhưng động thái này sẽ ngăn Trung Quốc chiếm các tuyến đường quan trọng của Ấn Độ, vốn được dùng để vận chuyển hàng hóa, binh sĩ và phương tiện quân sự hạng nặng tới các căn cứ dọc tuyến biên giới tranh chấp.

Theo Bloomberg, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đưa hàng nghìn binh sĩ cùng nhiều xe tăng, pháo và máy bay chiến đấu tới vùng biên giới từ khi mâu thuẫn nổ ra vào tháng 5. Tuy nhiên, chiến dịch của Ấn Độ vào cuối tuần qua đã làm tình hình căng thẳng hơn.

Một chuyên gia cho rằng New Delhi hiện đang chờ đợi Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào để đối phó với động thái của Ấn Độ.

Tại Trung Quốc, người dân đang thể hiện sự phản đối rõ rệt đối với Ấn Độ. Một khảo sát do tờ Hoàn Cầu và Viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc thực hiện cho thấy hơn 70% trong gần 2.000 người được khảo sát tin rằng Ấn Độ quá "hung hăng" và gần 90% ủng hộ Trung Quốc có động thái trả đũa mạnh mẽ.

Tất Đạt

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/an-do-chiem-nguoc-tien-don-chien-luoc-tu-tq-hang-nghin-binh-si-leo-len-dinh-nui-ngay-giua-dem-820204912243508.htm