Ấn Độ cần thêm 10 tàu ngầm hạt nhân

Bộ Tư lệnh Hải quân Ấn Độ đã đệ trình lên Thủ tướng Narendra Modi yêu cầu cấp kinh phí để đóng 6 tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới.

Theo quan điểm của giới quân sự Ấn Độ xuất phát từ nhận thức về sức mạnh quân sự Trung Quốc, hải quân nước này cần có tối thiểu 6 tàu ngầm hạt nhân mới để chống lại các hạm đội của Trung Quốc đã từ lâu điều các tàu chiến, đặc biệt là tàu ngầm ngang dọc trên Ấn Độ Dương.

Hiện tại Ấn Độ chỉ có một tàu ngầm hạt nhân đa năng thuê của Nga (SSN INS Chakra) và một tàu tự đóng trong nội địa (INS Arihant); trong khi Trung Quốc sở hữu 7 tàu ngầm hạt nhân và sắp tới sẽ bổ sung thêm 12 chiếc nữa. Điều dễ thấy là New Delhi muốn thu hẹp khoảng cách về sức mạnh quân sự của hai nước.

Còn thêm việc nữa là bảo vệ căn cứ quân sự của Ấn Độ trên đảo North Agalega, thuộc Mauritius, đang đảm trách vai trò phòng thủ trước sức mạnh ngày càng tăng của Bắc Kinh. Căn cứ này được thành lập năm 2015 để theo dõi các con tàu của Trung Quốc và những nước khác đi qua Ấn Độ Dương đến bờ biển châu Phi và ngược lại.

Tàu ngầm hạt nhân INS Chakra Ấn Độ thuê của Nga thuộc Project 971, lớp Akula

Tàu ngầm hạt nhân INS Chakra Ấn Độ thuê của Nga thuộc Project 971, lớp Akula

Nhiều chuyên gia lưu ý đến sự kiện nói trên để chứng minh rằng ngày nay Ấn Độ đang ngày càng gắn kết chính sách quốc tế của mình với “Bộ Tứ QUAD” (Đối thoại An ninh Bốn bên), nơi Hoa Kỳ liên kết Nhật Bản, Australia và Ấn Độ với nhau để chống lại sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Theo giới phân tích quân sự, hiện Hải quân Ấn Độ có 2 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, INS Arihant và INS Chakra, nhưng chiếc SSN thuê từ Nga (là tàu ngầm K-152 Nerpa, thuộc Project 971, NATO định danh lớp Akula) không có tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân. Ngoài ra, nó đơn thuần là mô hình tàu ngầm hạt nhân tấn công được hải quân nước này thuê từ Nga nhằm giúp các thủy thủ làm quen với một SSBN thực thụ, không bỡ ngỡ trong tương lai.

Còn chiếc INS Arihant mặc dù được liệt vào lớp tàu ngầm hạt nhân chiến lược như ng hải quân Ấn Độ mới chỉ chế tạo được các tên lửa đạn đạo tầm trung.

Về tàu ngầm thông thường, mặc dù dự án mua và tự đóng tàu ngầm Scorpene của Pháp đã phải đối mặt với việc vượt quá thời gian và chi phí lớn, nhưng nó rất quan trọng đối với Hải quân Ấn Độ vì họ hiện chỉ có 13 tàu ngầm diesel-điện cũ kỹ khác.

Phần lớn các tàu ngầm thông thường đã có tuổi thọ trên 25 năm, độ tuổi của 13 tàu ngầm hiện tại là từ 17 đến 32 năm, với chỉ một nửa trong số đó hoạt động tại bất kỳ thời điểm nào. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng đã nhất trí sẽ kéo dài tuổi thọ của tàu ngầm cũ do kế hoạch chế tạo những tàu mới bị trì hoãn.

Nhìn chung, giới chuyên gia quân sự nước này cho rằng, Hải quân Ấn Độ cần ít nhất 18 tàu ngầm thông thường, 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng (SSN) và 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN). Tuy nhiên, hải quân Ấn Độ mới chỉ thông qua kế hoạch chế tạo 24 tàu ngầm, trong đó có 6 tàu ngầm hạt nhân.

Hoạt động của Hải quân Trung Quốc tại vùng biển Ấn Độ Dương được tăng cường, vì vậy ở Ấn Độ đã quyết định hiện đại hóa cơ sở hạ tầng các căn cứ và cảng biển, cùng với việc chế tạo tàu nổi và tàu ngầm mới, với kinh phí lên tới hàng trăm tỷ USD.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/an-do-can-them-10-tau-ngam-hat-nhan-3432989/