Ấn Độ, Anh công bố 'Lộ trình năm 2030' để tạo 'bước nhảy vọt' trong quan hệ song phương

Ngày 4/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi tiến hành hội đàm trực tuyến. Trong cuộc hội đàm, 2 bên đã công bố 'Lộ trình năm 2030' nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ song phương, trọng tâm là hợp tác thương mại và quốc phòng.

Cuộc gặp trực tuyến giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã mang lại một hiệp ước quan trọng về vấn đề di cư và di chuyển. (Nguồn: The Guardian)

Cuộc gặp trực tuyến giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã mang lại một hiệp ước quan trọng về vấn đề di cư và di chuyển. (Nguồn: The Guardian)

Bước nhảy vọt trong quan hệ song phương

“Lộ trình năm 2030” được đưa ra nhằm nâng quan hệ giữa Anh và Ấn Độ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ này cũng sẽ hướng đến liên kết giữa nhân dân 2 nước, cũng như lĩnh vực y tế và chống biến đổi khí hậu.

Giới chức Ấn Độ cho rằng, tuyên bố nâng cấp quan hệ thương mại là một trong những kết quả mấu chốt của cuộc hội đàm. Hai nhà lãnh đạo cũng quyết định nhanh chóng kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa New Delhi và London.

Động thái này được coi là “bước nhảy vọt” của quan hệ Đối tác chiến lược song phương vốn đã kéo dài 16 năm. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy, 2 bên đang ngày càng có nhiều lợi ích chiến lược tương đồng.

Tờ Nikkei Asia nhận định, sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc, sự thay đổi trong quan điểm đối với Trung Quốc do đại dịch Covid-19 và tiến trình Brexit đã góp thêm chất xúc tác cho sự tương đồng này.

Tăng cường hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột của “Lộ trình 2030”, với mục tiêu hướng đến một “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Một mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược mới được công bố giữa Anh và Ấn Độ cũng hướng tới “phát triển khả năng quốc phòng và an ninh nhằm đối đầu với các mối đe dọa và thách thức chung trong tương lai”.

Nước Anh bắt đầu thể hiện sự xoay trục sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương qua một tài liệu chính sách được công bố tháng 3 vừa rồi. Cùng với đó, một tài liệu về quốc phòng đi kèm có nhắc đến mối quan hệ giữa Anh và Ấn Độ như “trụ cột” của chiến lược này.

New Delhi “chắc chắn muốn có nhiều bạn nhất có thể” trong khu vực, Harsh V. Pant, lãnh đạo chương trình nghiên cứu chiến lược tại Quỹ Nghiên cứu Observer nói với Nikkei Asia. Ông cũng chỉ ra rằng, Ấn Độ đã ký các hiệp định tương tự với Nhật Bản, Pháp, Mỹ và Australia.

Trong khi đó, Giáo sư Pankaj Jha, chuyên gia về quốc phòng và chiến lược tại Đại học Quốc tế O.P. Jindal, Ấn Độ cho rằng: “Nếu xét đến Anh và Pháp, nhất là ở khu vực Ấn Độ Dương, cả 2 nước đều muốn Ấn Độ về phe mình”.

Ông bổ sung rằng, Pháp - nước vừa dẫn dắt một cuộc tập trận có sự tham gia của các quốc gia trong Bộ tứ ở vịnh Bengal, đã thực sự qua mặt London trong lĩnh vực này.

“Nước Anh không muốn thua kém, nên London sẽ nhảy vào lôi kéo các nước”, ông khẳng định.

Một hiệp định đối tác về hải quân ở khu vực Tây Ấn Độ Dương giữa 2 nước sẽ được thúc đẩy qua diễn đàn biển mới được tổ chức hàng năm, cũng như tăng cường chia sẻ thông tin và phối hợp hành động.

Năm nay, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ dẫn đầu một nhóm tác chiến tàu sân bay đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời tiến hành các cuộc tập trận chung với hải quân và không quân Ấn Độ để thúc đẩy hợp tác trong tương lai ở Tây Ấn Độ Dương.

“Ấn Độ và Anh đang hợp tác và sẽ hợp tác nhiều hơn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, Sandeep Chakravorty, nhà ngoại giao cao cấp Ấn Độ khẳng định trong một cuộc họp báo.

Còn Aaditya Dave, nhà phân tích tại London cho rằng, Tây Ấn Độ Dương là nơi hội tụ nhiều lợi ích. "Cả hai đều có lợi ích kinh tế trong khu vực. Đây là một kênh thương mại và kênh cung cấp năng lượng quan trọng," ông nói.

Trung Quốc: Chất xúc tác mới

Mối quan tâm mới từ cả 2 bên đối với việc làm sâu sắc hơn quan hệ chiến lược phần lớn là do quan điểm thay đổi về một Trung Quốc hung hăng hơn.

Thay vì Trung Quốc, đất nước mà Anh có quan hệ gần gũi cho đến chỉ vài năm trước, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson “muốn hợp tác nhiều hơn với các quốc gia cùng chí hướng như Ấn Độ, cũng như chắc chắn sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn, thậm chí là hợp tác với Bộ tứ”, ông Harsh V. Pant nói.

Trong khi đó, Hiệp định Thương mại tự do giữa xứ sở sương mù và đất nước sông Hằng được nâng cấp sẽ bao gồm một tỷ bảng Anh (khoảng 1,39 tỷ USD) hàng hóa và đầu tư.

Hiệp định này sẽ cắt giảm các biện pháp phi thuế quan nhằm vào một số mặt hàng của Anh như trái cây hay thiết bị y tế.

Hai bên cũng cam kết hợp tác để cắt giảm các biện pháp hạn chế thương mại ở lĩnh vực dịch vụ, cũng như công nhận chứng nhận của nhau.

Đối với Anh, Ấn Độ là một thị trường tiềm năng với 1,3 tỷ người. London đã phát đi tín hiệu rằng, Anh muốn giảm mức thuế 150% mà chính phủ Ấn Độ đang đánh lên rượu whisky Scotch - sản phẩm mà Ấn Độ là thị trường lớn thứ ba, cũng như giảm thuế đối với ô tô - vốn đang ở mức 125%.

Tác động của đại dịch Covid-19 cũng đã mang lại một cái nhìn khác về sự chuyển dịch khỏi Trung Quốc, theo Cleo Paskal, Trưởng nhóm nghiên cứu trong dự án của Chatham House về nhận thức đối với sự thay đổi chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương theo quan điểm của Mỹ, Anh, Ấn Độ, Nhật Bản, châu Đại Dương và Pháp.

Rahul Roy-Chaudhury, chuyên gia cao cấp về Nam Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, coi năm nay là “thời điểm chưa từng có” đối với quan hệ Ấn-Anh khi các nhà lãnh đạo 2 nước dự kiến gặp mặt đến 3 lần, bao gồm Hội nghị thượng đỉnh G7, được tổ chức ở London. Anh đã mời Ấn Độ tham dự với tư cách khách mời.

Hai nhà lãnh đạo cũng dự kiến gặp mặt tại hội nghị khí hậu quốc tế của Liên hợp quốc (COP26) do Anh đăng cai tổ chức.

Ngoài ra, hợp tác trong lĩnh vực y tế đang ngày càng trở thành trọng tâm trong bối cảnh Ấn Độ phải đối phó với làn sóng dịch Covid-19 thứ hai.

“Lộ trình 2030” hứa hẹn sẽ thắt chặt hợp tác để tăng cường khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng y tế toàn cầu.

Ấn Độ và Anh cũng đang nỗ lực chống lại chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc trong khu vực.

Đại học Oxford, công ty AstraZeneca và Viện Huyết thanh của Ấn Độ – nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới – đang cùng chung tay sản xuất vaccine ngừa Covid-19.

Hai nước cũng ký hiệp định về di cư và di chuyển, theo đó 3.000 chuyên gia trẻ Ấn Độ có thể tìm được việc làm ở Anh mỗi năm, trong khi New Delhi sẵn sàng tiếp nhận những công dân nước này nhập cư bất hợp pháp vào đất nước tháp đồng hồ Big Ben.

(theo Nikkei Asia)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/an-do-anh-cong-bo-lo-trinh-nam-2030-de-tao-buoc-nhay-vot-trong-quan-he-song-phuong-144217.html