'Ăn' điểm cao môn Sinh học: Tư duy nhanh, kiến thức vững

Cô Phan Thị Thanh Huyền - Tổ phó môn Sinh học, Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) lưu ý HS không nên căn cứ vào đề minh họa để loại trừ mảng kiến thức nào. Các em cần ôn tập đầy đủ và có hệ thống.

Học sinh THPT Đà Nẵng học trên thí nghiệm ảo. (Ảnh minh họa)

Học sinh THPT Đà Nẵng học trên thí nghiệm ảo. (Ảnh minh họa)

Cô Phan Thị Thanh Huyền nhận xét: Cấu trúc của đề thi môn Sinh học bao giờ cũng có lý thuyết và bài tập với tỉ lệ khoảng 60 – 40%. Do vậy, học sinh nên chú trọng cả hai phần để đạt điểm cao.

Chia sẻ với HS về kinh nghiệm để ôn tập tốt phần lý thuyết, cô Huyền cho biết: Do Sinh học thuộc bộ môn Khoa học tự nhiên nên lý thuyết được đánh giá là không dễ, đặc biệt là phần tiến hóa.

Lý thuyết của môn Sinh học mang tính hệ thống, có liên hệ mật thiết với nhau. Vì vậy, để học tốt, trước hết, với từng bài học cụ thể, sĩ tử cần nắm vững kiến thức cơ bản, trọng tâm như khái niệm, ví dụ, đặc điểm tính chất, ý nghĩa, vai trò. Sau đó, sau mỗi phần hoặc chương, nên tự thiết lập các hệ thống bảng biểu hoặc sơ đồ tư duy để hệ thống kiến thức một cách logic nhất, súc tích nhất, thuận tiện cho ghi nhớ.

Cô Phan Thị Thanh Huyền - Tổ phó tổ Sinh học, Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng).

Theo đề minh họa Bộ vừa công bố, có thể thấy kết cấu đề thi tương tự năm học 2019 – 2020. Về lý thuyết, theo cô Huyền, HS nên chú trọng hơn vào các chương, phần có nhiều câu hỏi như chương chuyển hóa vật chất và năng lượng (lớp 11); cơ chế duy trì và biến dị, tiến hóa và sinh thái học của lớp 12. Nhất là các câu hỏi thuộc lớp 11 và sinh thái học tương đối dễ, HS lưu ý để không mất điểm một cách đáng tiếc.

"Để tăng tính hiệu quả cho việc học, các em có thể ghép đôi, theo nhóm để cùng nhau ôn bài, hỗ trợ nhau trong việc học, tăng cường luyện tập qua các đề thi. Kiến thức được nhắc đi nhắc lại sẽ được khắc ghi sâu hơn" - cô Huyền gợi ý.

Về phần bài tập sinh học, theo nhận xét của cô Thanh Huyền, đây là phần nếu không định hướng theo tổ hợp Toán Hóa Sinh thường gây khó cho HS.

"Tuy nhiên, các em lưu ý kiến thức bài tập sinh học chủ yếu giới hạn trong 3 chương chính: Cơ chế di truyền và biến đổi, quy luật di truyền, di truyền học quần thể. Có nhiều câu hỏi dạng bài tập tương đối đơn giản, ví dụ từ kiểu gen xác định số loại giao tử, số loại kiểu hình, kiểu gen thu được.., tính tần số alen, tần số kiểu gen… Muốn vậy, HS phải nắm được các công thức cơ bản trong phần Quy luật di truyền.

Những bạn muốn giành điểm cao nên rèn luyện nhiều hơn các dạng bài tập liên kết gen, hoán vị gen, di truyền liên kết giới tính, phả hệ. Đặc biệt là dạng tính toán xác định tỉ lệ kiểu gen, kiểu hình ở đời con thường xuất hiện nhiều", cô Huyền lưu ý.

Tóm lại, với môn Sinh học, nếu muốn đạt được mục tiêu 5-6 điểm không khó, chỉ cần HS chú ý nghe giảng, ghi nhớ các kiến thức cơ bản, trọng tâm và biết cách hệ thống hóa kiến thức. Để đạt điểm 9 – 10, ngoài tư duy tốt, nhanh, HS cần rèn luyện nhiều kiểu bài để có nền tảng kiến thức vững vàng.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/an-diem-cao-mon-sinh-hoc-tu-duy-nhanh-kien-thuc-vung-h9DPIRXMR.html