Án dân sự ở Hương Khê cao, phức tạp, nhất là tranh chấp đất đai

Chiều 17/6, Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Hà Tĩnh có buổi làm việc với Tòa án nhân dân (TAND) huyện Hương Khê về tình hình giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, các vụ việc dân sự trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2018.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng điều hành buổi làm việc với TAND huyện Hương Khê để nghe tình hình, kết quả xử lý án hành chính, dân sự

Từ năm 2016-2018, TAND huyện Hương Khê đã tiếp nhận, xử lý 97 đơn vụ việc dân sự (trả đơn 5 vụ, thụ lý giải quyết 92 vụ việc), đã giải quyết 89 vụ việc, số còn lại đang thụ lý. Ngoài một số ít vụ việc về hợp đồng vay tài sản, yêu cầu tuyên bố một người mất tích thì nội dung tranh chấp chủ yếu là về đất đai, nhất là đất rừng...

Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng quá trình xử lý các vụ việc dân sự ở TAND huyện Hương Khê vẫn đang có tỷ lệ kháng án khá cao với 19/89 vụ (chiếm 21%). Nguyên nhân là do: Các vụ án tranh chấp đất đai phức tạp, giá trị tài sản lớn; UBND huyện chưa phối hợp kịp thời trong việc cử người tiến hành định giá, cung cấp các tài liệu chứng cứ, trả lời văn bản theo yêu cầu của tòa; thẩm phán trực tiếp giải quyết các vụ án chưa có giải pháp kịp thời để khắc phục sự chậm trễ của các cơ quan được yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ...

Chánh án TAND huyện Hương Khê Trịnh Thị Thiện: Các vấn đề về quản lý đất đai do lịch sử để lại chưa tốt dẫn đến phát sinh nhiều vụ kiện phức tạp, kéo dài; việc thu thập, đánh giá chứng cứ để giải quyết gặp nhiều khó khăn. Dự báo trong thời gian tới, các vụ việc tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai, nhất là đất rừng sẽ tiếp tục gia tăng, phức tạp...

Ngoài 2 vụ việc về lĩnh vực kinh doanh, thương mại thì trong khoảng thời gian trên, TAND huyện Hương Khê đã tiếp nhận, xử lý 269 vụ và đến nay đã tiến hành xét xử 34 vụ, số còn lại tổ chức hòa giải thành. Nội dung tranh chấp chủ yếu là yêu cầu ly hôn, giải quyết nuôi con sau ly hôn, chia tài sản chung của vợ chồng.

Trong quá trình giải quyết án hôn nhân và gia đình, TAND huyện Hương Khê đã thực hiên nghiêm túc trình tự, thủ tục theo các quy định hiện hành và luôn coi trọng công tác hòa giải nên tỷ lệ hòa giải thành cao. Tuy nhiên, do nhiều nguyên do khác nhau nên vẫn có 5 vụ đương sự kháng cáo và 1 vụ kháng nghị...

Bà Lê Thị Nga - Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Hương Khê: Trong quá trình xử lý các vụ án hành chính, dân sự, nhất là tranh chấp đất đai, chúng tôi đã có sự phối hợp nhịp nhàng với TAND huyện và luôn có quan điểm rõ ràng trong từng bản án xét xử. Việc để xẩy ra các sai sót, kháng nghị, hủy án không chỉ đơn thuần do lỗi của thẩm phán mà nó xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác, trong đó có công tác quản lý nhà nước về đất đai...

Trong quá trình xét xử các vụ án dân sự cũng như thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao khác, mối quan hệ giữa TAND huyện với các cơ quan chức năng trên địa bàn ngày càng được cải thiện; công tác tiếp nhận và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, dân sự, việc áp dụng các quy định mới của pháp luật trong xét xử được tăng cường; vai trò, hoạt động của hội thẩm nhân dân trong tham gia xét xử án hành chính, dân sự được nâng lên...

Luật sư Phan Duy Phong - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Tĩnh: Hương Khê là địa phương điển hình nhất trong mâu thuẫn, tranh chấp đất đai. Đây là vấn đề phức tạp, khó giải quyết, dễ dẫn đến xung đột khác. Để xử lý tốt các vụ việc này, TAND huyện nói chung, thẩm phán trực tiếp xét xử nói riêng phải phát huy hết vai trò, trách nhiệm; còn các cấp, ngành cũng phải tích cực phối hợp, hỗ trợ...

Tại buổi làm việc, các thành phần tham dự đã tiến hành trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề cần quan tâm như: Những khó khăn trong công tác thực địa, thẩm định, thu thập chứng cứ, tài liệu để xử lý các vụ án tranh chấp đất đai; nguyên nhân để xẩy ra sai sót dẫn đến tỷ lệ án phải hủy, sửa sau xét xử sơ thẩm các vụ tranh chấp đất rừng; vai trò của thẩm phán trong việc đưa ra các phán quyết trong xét xử tranh chấp đất đai; công tác phối hợp của chính quyền địa phương trong quá trình xử lý các vụ việc liên quan đến đất đai...

Ngoài ra, các thành phần tham dự cũng đã để cập đến các vấn đề: Sự phối hợp trong xử lý các vụ việc tranh chấp dân sự, hành chính giữa TAND huyện với Viện KSND huyện, Công an, Chi cục thi hành án dân sự, chính quyền các cấp; thông tin, giải trình một số vụ án phức tạp, quá trình xét xử có xẩy ra sai sót; việc cung cấp hồ so kịp thời khi Viện KSND có công văn yêu cầu; thời hạn giải quyết các vụ án; chất lượng thi hành án dân sự; hướng xử lý các vụ án dân sự tòa đã tuyên nhưng không thể thi hành án...

Tiến Dũng

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/phap-luat/an-dan-su-o-huong-khe-cao-phuc-tap-nhat-la-tranh-chap-dat-dai/174389.htm