An cư lạc nghiệp

'An cư lạc nghiệp' đó là niềm mơ ước của các hộ dân sống trên sông nước, khát khao có được mảnh đất cắm dùi, một mái nhà bình yên đủ che mưa, tránh nắng, rồi mới tính chuyện gây dựng tương lai.

Xóm Chài dưới chân cầu Sâng.

“An cư” để... đổi thay

Thôn 3, xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa) một buổi trưa đầu tháng 3 đầy nắng. Bên trong xưởng mộc của gia đình ông Nguyễn Văn Khanh, tiếng đục đẽo vẫn cạch cạch vang lên đều đặn. Mặc dù kim đồng hồ đã chỉ quá 11 giờ trưa, 4 thợ làm thuê đã về hết, ông chủ Khanh vẫn miệt mài với những sáng tạo đường nét hoa văn trên bộ ghế gỗ sắp xuất xưởng của mình. Bà Nguyễn Thị Mai - vợ ông ái ngại thúc giục chồng nghỉ tay vào ăn cơm cho lại sức. Nhưng, kết quả cũng như mọi lần khác, bà chỉ nhận lại từ chồng mình những lời ậm ừ bâng quơ, nhập tâm lắm thì cũng chỉ là: “Cả nhà cứ ăn cơm trước đi, tôi làm nốt công việc rồi vào ăn sau”. Bà Mai biết tính chồng tham công, tiếc việc, nên cũng không dám nói thêm. Xót chồng, bà chỉ dám lén đưa ánh mắt lặng lẽ nhìn chồng mà cảm thông. Thứ tình cảm âm thầm mà bền bỉ ấy, như cái cách bà đã ở bên chồng, cùng chồng xây dựng tổ ấm hạnh phúc trong suốt hơn 35 năm qua.

Hai vợ chồng bà vốn là dân sông nước, sau đó mới lên bờ an cư lạc nghiệp. Duyên số đưa hai người gặp nhau, bà thương ông bởi tính hiền lành, nết siêng năng, còn ông, trao trọn trái tim của mình cho người con gái dịu dàng, tảo tần.

Sau hơn 20 năm lên bờ an cư lạc nghiệp, ông Khanh đã có được một cuộc sống đủ đầy như hai vợ chồng từng mong ước.

Cuộc sống sông nước bấp bênh của đôi vợ chồng trẻ cứ lẳng lặng trôi đi cho đến một ngày ông Khanh nhận ra nếu không có một mảnh đất cắm dùi thì hai vợ chồng sẽ mãi quẩn quanh trong bấp bênh, nghèo khó. Và thế là, ông Khanh đã đưa ra một quyết định lớn nhất của cuộc đời mình: “Lên bờ”.

Những ngày đầu đặt chân lên bờ mua đất, dựng nhà, khởi nghiệp, vợ chồng ông Khanh tỏ ra lúng túng với cuộc sống trên bờ. Gần nửa cuộc đời gắn mình với sông nước, sớm tối chỉ quanh quẩn lo kiếm vài con tôm, con cá để đổi gạo sống qua ngày đã không cho phép vợ chồng ông được nghĩ cho tương lai xa hơn. “Sống trên sông, quẩn quanh cứ hết đêm rồi lại tới ngày, cốt lo làm sao cho cái bụng không trống là đủ. Cuộc sống trên bờ thì hoàn toàn khác!. Vợ chồng tôi phải lo vun vén làm sao đủ cái ăn cái mặc, rồi lại phấn đấu mua thêm đất, xây nhà to, chăm lo cho con cái học hành tử tế” - ông Khanh nói. Nhưng rồi, với bản tính chăm chỉ, lại ham học hỏi, ông Khanh đã chứng minh với tất cả mọi người về quyết định đúng đắn khi chuyển lên bờ sinh sống của mình. Vốn có thời gian đi bốc gỗ thuê trên sông, ông Khanh mạnh dạn vay vốn thuê đất, mở kho, thu mua gỗ của các thương lái trong xã và các vùng lân cận. Nhạy bén hơn, ông còn tận dụng lại số gỗ chất lượng kém không bán được để tái chế thành những bộ bàn ghế, tủ, kệ... có mẫu mã đẹp để bán với giá thành cao hơn. Xưởng mộc hiện tại của gia đình ông Khanh cũng ra đời từ thời điểm đó. Một quyết định an cư để lạc nghiệp đúng đắn, 20 năm trước, ông Khanh dắt díu vợ, cùng 3 con nhỏ lên bờ với hai bàn tay trắng, cùng xây dựng tương lai. Còn hiện tại, gia đình ông đã có cho một gia sản bạc tỷ, một xưởng gỗ đủ nuôi sống gia đình.

Tiếp bước tinh thần của ông Khanh, 35 hộ dân nơi làng chài Thiệu Vũ, sau khi được cấp đất, xây nhà cũng đã và đang cố gắng thay đổi cuộc sống của mình. Bước ngoặt đó đến vào năm 2006, Tỉnh ủy Thanh Hóa ra Chỉ thị 08 về xóa nhà tranh tre dột nát và ổn định đời sống đồng bào sinh sống trên sông. Cụ thể hóa chủ trương này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND huyện Thiệu Hóa và chính quyền xã Thiệu Vũ đã phối hợp bố trí quỹ đất và kêu gọi quyên góp kinh phí xây mới 35 ngôi nhà giúp 35 hộ thủy cơ định cư. Mỗi căn nhà có diện tích 40m2, được xây dựng trên mặt bằng 180m2. Nhà được lát gạch, có công trình phụ khép kín, sân phơi. Phần diện tích đất còn lại được dùng để các hộ tăng gia sản xuất như: Nuôi gà, vịt, trồng rau... Kể từ thời điểm đó đến nay, 35 hộ dân làng chài Thiệu Vũ đã không ngừng cố gắng vươn lên để hiện thực hóa những giấc mơ của mình.

Ông Nguyễn Quang Sinh, Chủ tịch UBND xã Thiệu Vũ, cho biết: Ðể người dân vạn chài ổn định cuộc sống và có việc làm, ngay khi định cư, chính quyền và nhân dân trong xã đã có nhiều hoạt động thiết thực để giúp đỡ. Chúng tôi đã tổ chức dạy nhiều nghề miễn phí cho người dân, bên cạnh đó vận động bà con trong xã, những người có ruộng, đất nhưng không làm chuyển cho người dân mới định cư mượn để canh tác, sản xuất. Ðồng thời, chính quyền còn vận động các ngân hàng cho người dân vay ưu đãi để có vốn làm ăn. Nhiều hộ gia đình có vốn, chuyển đổi ngành nghề sang chăn nuôi lợn, gà, cá... đã có cuộc sống khấm khá hơn rất nhiều. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục dành những chính sách ưu đãi giúp bà con làm giàu chính đáng.

Vẫn còn đó nỗi lo an cư

Nép mình dưới chân cầu Sâng, thuộc phường Trường Thi và Nam Ngạn (TP Thanh Hóa) những kiếp người nhỏ bé sống tại làng chài cầu Sâng vẫn đang âm thầm bám mình ven đôi bờ sông để mưu sinh qua ngày. Nắng cũng như mưa, cuộc sống của cư dân xóm chài vẫn chỉ quẩn quanh bên mái chèo. Những con cá kiếm được từ sông còn chưa đủ để đem bán, đổi lương thực, thuốc men, quần áo để mặc. Ngồi trên thuyền đi ngược dòng sông cùng chúng tôi, cụ Nguyễn Thị Hòa, chia sẻ: “Đây chỉ là chiếc thuyền được làm bằng bê tông để làm nơi sinh sống, trú mưa tránh nắng. Mỗi một gia đình có thêm một chiếc thuyền nan để di chuyển và đánh bắt cá kiếm ăn qua ngày. Mọi vật dụng, tài sản trong nhà cũng được để trên con thuyền”. Sinh ra, lớn lên và gắn bó cả đời với sông, những hộ dân chài ở đây không có nghề khác ngoài nghề chài lưới. “Người chết đi vẫn chưa dứt nợ với cuộc đời. Số tiền lo ma chay tang phí sẽ trở thành gánh nặng cho người ở lại” - cụ Hòa trầm ngâm chia sẻ. Cuộc sống của các hộ dân xóm chài lầm lũi, cặm cụi bám sông để sinh sống qua ngày. Đàn ông thì đi đánh cá, làm thuê, phụ nữ mò cua bắt ốc. Hôm nào may mắn kiếm được hơn trăm nghìn đồng, còn không thì họ chỉ mong cơm no ấm bụng. Như trút được nỗi niềm vì có người chia sẻ, cụ Hòa tiếp lời: “Các con tôi trưởng thành đến tuổi lấy vợ, ngày cưới không khách cũng chẳng cỗ bàn, chúng nó lặng lẽ về ở với nhau. Rồi những đứa con lần lượt ra đời kéo theo cả nỗi lo toan. Cuộc sống đã đói đã khổ lại càng thêm bí bách, cùng quẫn. Thiếu chữ, đói nghèo hết thế hệ này đến thế hệ khác...”.

Ở xóm chài cầu Sâng mọi hoạt động đều gắn liền với sông nước. Trẻ con nơi đây chưa biết chữ đã biết bơi. Hoạt động thường ngày của lũ trẻ nơi đây là vẫy vùng dưới dòng nước đục ngầu, ô nhiễm. Đói nghèo, bệnh tật nên lũ trẻ lớn chậm hơn so với những đứa trẻ cùng độ tuổi. Đa số chúng đều bỏ trường, bỏ lớp. Và bố mẹ chúng, khi giải quyết những việc liên quan đến luật pháp họ phải điểm chỉ thay cho chữ ký. Lênh đênh đã ngót ba mươi năm tại xóm chài cầu Sâng, ông Nguyễn Văn Trinh không giấu nỗi buồn: “Thế là đã ngót 30 năm tôi gắn bó với xóm chài này. Cuộc sống khó khăn, đói nghèo vẫn cứ lặng lẽ trôi qua. Mãi rồi cũng thành quen. Điều day dứt nhất của thế hệ tôi bây giờ là cứ phải nhìn con cháu sống cuộc sống của chính mình mãi trên sông nước. Chỉ mong rằng trước khi nhắm mắt xuôi tay tôi được nhìn thấy con cháu có một cuộc sống mới trên bờ”.

Chiếc xe máy lăn những vòng quay bánh xe thật chậm đưa tôi rời khỏi xóm chài cầu Sâng. Trong lòng tôi bỗng chộn rộn lên những xúc cảm khó tả, vui có, buồn có. Vui bởi đã có những khát khao an cư, giấc mộng lạc nghiệp đã trở thành hiện thực. Buồn cho những ước vọng bình yên vẫn còn dang dở. Hy vọng cho tất thảy những ước muốn cao cả mà tôi đã gặp và cảm thông rồi sẽ thành hiện thực. Một ngày không xa...

Trường Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/an-cu-lac-nghiep/97999.htm