Ăn chay với toàn rau, nhưng gan vẫn vàng óng do mỡ, bác sĩ nói gì?

Khi lượng mỡ tích tụ trên 10% trong gan thì người ta gọi là gan nhiễm mỡ. Khi gan nhiễm mỡ có thể dẫn tới xơ gan.

Ăn kiêng vẫn thừa mỡ

Không uống rượu, không ăn thịt hay các loại thực phẩm giàu protein động vật khác nhưng khi đi khám bệnh anh Hoàng Văn Toản (45 tuổi, Cẩm Phả, Quảng Ninh) vẫn được chẩn đoán gan nhiễm mỡ do chỉ số Trigrlycerid tăng cao trên 3 mmol/l. Siêu âm gan bác sĩ cũng phát hiện gan nhiễm mỡ và khuyên anh Toản nên thay đổi chế độ ăn để giảm quá tải cho gan.

Tuy nhiên, anh Toản cho rằng từ trước tới nay anh ăn chay chủ yếu ăn rau và lạc, cá rất ít ăn thịt và không ăn nội tạng động vật. Hơn nữa, anh Toản cho rằng người anh gày có 55 kg/1,7m thì khó có thể mỡ máu hay gan nhiễm mỡ.

Tuy nhiên bác sĩ cho rằng quan niệm ăn chay hay gầy không thể bị rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ là sai lầm.

Hình ảnh gan nhiễm mỡ. Ảnh minh họa: Internet

Cũng giống anh Toán, chị Hà Thị Diệu Hiền -Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội đưa bé Vũ Ngọc Ánh đi kiểm tra sức khỏe do bé chán ăn. Chị Hiền cho biết bé Ánh 8 tuổi, trước đây ăn uống cũng bình thường bé lười ăn các loại thịt và gần đây bé chán ăn không muốn ăn gì. Cho con đi làm xét nghiệm bác sĩ cho biết bé có chỉ số gan nhiễm mỡ cao.

Bà mẹ ngỡ ngàng vì 8 tuổi nhưng Ngọc Ánh có 20 kg, so với các bạn cô bé được cho là còi nên khó có thể gây gan nhiễm mỡ.Tuy nhiên bác sĩ giải thích rằng những người suy dinh dưỡng càng dễ mắc gan nhiễm mỡ.

Gan nhiễm mỡ nguy hiểm như thế nào?

Theo Giáo sư Đào Văn Long – Nguyên trưởng Khoa tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, bình thường lượng mỡ trong gan chiếm từ 0,8 đến 1,5% và tồn tại dưới dạng các phân tử nhỏ không quan sát được bằng kính hiển vi quang học.

Tuy nhiên, khi lượng mỡ trong gan vượt quá 5% trọng lượng của gan và tích lũy dưới dạng các hạt triglyceride thấy được dưới kính hiển vi quang học thì đây được xác định là bệnh lý gan nhiễm mỡ hay còn gọi là gan thoái hóa mỡ.

Những trường hợp như trên theo bác sĩ Long không phải hiếm vì có những đứa trẻ không uống rượu, ăn uống lười nhưng siêu âm gan vẫn vàng vì mỡ.

Các bác sĩ đưa vào nhóm bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là tình trạng tích tụ mỡ ở gan ở những người uống ít hoặc không uống rượu (dưới 40g cồn/ngày đối với nam, dưới 20g cồn/ngày đối với nữ và không liên tục).

Theo Giáo sư Long, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu được phân loại thành 2 loại: gan nhiễm mỡ đơn thuần và viêm gan thoái hóa mỡ không do rượu.

Gan nhiễm mỡ đơn thuần: khi lượng mỡ trong tế bào gan lớn hơn hoặc bằng 5% thể tích. Khoảng 25% dân số thế giới bị mắc bệnh này và ngày càng có xu hướng gia tăng. Trước đây, người ta cho rằng bệnh lý này tương đối lành tính, nhưng gần đây, các nghiên cứu chỉ ra rằng gan nhiễm mỡ đơn thuần có thể diễn biến thành viêm gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan.

Viêm gan thoái hóa mỡ không do rượu: ngoài thoái hóa mỡ còn bị viêm và xơ hóa gan. Tại Mỹ, khoảng 5-6% dân số mắc bệnh này và có khoảng 20% trong những người viêm gan do thoái hóa mỡ diễn tiến đến xơ gan sau này và phải đặt vấn đề ghép gan.

Giáo sư Đào Văn Long - Nguyên trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai.

Theo GS Long gan nhiễm mỡ không có biểu hiện gì, bệnh tiến triển âm thầm, thường không có triệu chứng gì. Do vậy, bệnh thường được phát hiện 1 cách tình cờ khi kiểm tra máu, làm siêu âm hoặc đo độ đàn hồi của gan. Một số trường hợp có các triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, đau hạ sườn phải, gan hơi to, ấn tức.

Những người Việt Nam có vòng bụng trên 94cm đối với nam và trên 80cm đối với nữ, những người thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn cholesterol đều có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ.

Ngoài ra một số đối tượng như phụ nữ có thai, người suy dinh dưỡng, người mắc bệnh viêm gan B, C, người đang dùng kháng sinh, thuốc chống đông, thuốc kháng viêm, cũng thuộc diện có nguy cơ cao.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu GS Long đưa ra lời khuyên người bệnh nên thay đổi lối sống bằng các chế độ ăn và thể dục là phương pháp tốt nhất đối với người bị gan nhiễm mỡ.

Trong ăn uống, người bệnh nên cung cấp năng lượng hụt một chút so với nhu cầu cơ thể, không nên sử dụng chế độ ăn nhiều dinh dưỡng mỡ muối và rượu,

Thể dục trung bình tối thiểu là 30 phút/ngày, mức độ vận động ở mức trung bình.

Thường xuyên quản lý các chỉ đường máu, mỡ máu và huyết áp.

Gan nhiễm mỡ là bệnh thường do chế độ ăn uống sinh hoạt không đúng, đời sống vật chất càng cao khiến nguy cơ bệnh càng tăng nên chủ động phòng ngừa bằng chế độ dinh dưỡng và vận động thể lực hợp lý.

phuongthuy

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/an-chay-voi-toan-rau-nhung-gan-van-vang-ong-do-mo-bac-si-noi-gi-c9a305292.html