Amsterdam hoang lạnh chưa từng thấy

Trong cảnh vắng bóng khách du lịch vì Covid-19, chính quyền thành phố Amsterdam (Hà Lan) đang đề xuất các biện pháp nhằm kiểm soát đám đông trở lại ồ ạt sau dịch.

Khi du lịch quốc tế ngưng trệ vào năm 2020, Amsterdam, giống như nhiều thành phố khác trên khắp thế giới, cạn kiệt du khách gần như chỉ sau một đêm, theo The New York Times.

Với Sonia Philipse, chủ một nhà hàng ở Amsterdam, việc vắng bóng các đám đông khiến thành phố của cô trở nên yên bình và đẹp hơn những gì từng thấy.

“Ở thời điểm này, chúng tôi rất mong khách du lịch trở lại. Nhưng tôi nghĩ đã có lúc, mọi người thực sự vui mừng khi thành phố vắng lặng đến thế”, Philipse nói.

Phố đèn đỏ ở Amsterdam trước và sau khi dịch Covid-19 bùng phát.

Phố đèn đỏ ở Amsterdam trước và sau khi dịch Covid-19 bùng phát.

Nhiều năm qua, Amsterdam cố gắng dung hòa giữa việc trở thành trung tâm quốc tế sôi động mà không ảnh hưởng đến cuộc sống cư dân cũng như không bỏ qua tinh thần tự do, nổi tiếng vốn có.

Giờ đây, khi số lượng khách du lịch vẫn ít ỏi, các nhà lãnh đạo của Amsterdam nỗ lực đưa ra những hạn chế mới đối với 3 vấn đề quan trọng: cho thuê nhà ngắn hạn, du lịch tình dục và bán cần sa cho du khách.

Tất cả đều nhằm đảm bảo các vấn đề “thâm căn cố đế” bắt nguồn từ du lịch không còn xuất hiện khi khách du lịch trở lại.

Các biện pháp kể trên khiến Hà Lan trở thành một trong những quốc gia ở châu Âu tiên phong trong việc áp dụng cách tiếp cận thực hành để quản lý du lịch.

Tuy nhiên, ngay cả khi nhiều người dân địa phương đang tận hưởng không khí yên bình ở Amsterdam, một số lại không đồng tình với những chiến lược của thành phố.

Cần thay đổi

Những lời phàn nàn từ người dân Amsterdam bắt đầu rộ lên vào năm 2013, khi du lịch phục hồi hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Dân địa phương than vãn rằng khách du lịch ồn ào và gây rối ở trung tâm thành phố, không tôn trọng gái mại dâm, thuê nhà ngắn hạn khiến giá nhà đất tăng và kiểm soát một số khu vực lịch sử, đẹp nhất của thành phố.

Geerte Udo, Giám đốc Amsterdam & Partners, tổ chức phi lợi nhuận quản lý du lịch thành phố, cho biết: “Nền kinh tế khách du lịch gây ra nhiều thiệt hại cho dân địa phương hơn là tăng thêm giá trị. Chúng ta cần thay đổi mọi thứ ở trung tâm thành phố nếu muốn đem lại sự cân bằng cho cuộc sống, việc làm và tái tạo”.

Những con thuyền vắng tanh ở trung tâm Amsterdam vào một buổi tối gần đây.

Trước đại dịch, các nhà lãnh đạo thành phố đã đưa ra một số biện pháp nhằm cố gắng giảm thiểu những vấn đề xuất phát từ du lịch, bao gồm lệnh cấm tour du lịch có hướng dẫn viên đến Phố đèn đỏ, cấm các khách sạn mới ở trung tâm thành phố, tăng thuế du lịch, cấm các cửa hàng mới phục vụ du khách.

Từ năm 2014, Amsterdam đã ngừng tự quảng bá như một điểm đến tại các thị trường mới ở nước ngoài. Thay vào đó, bộ phận tiếp thị của thành phố đã hướng dẫn và quản lý tất cả du khách đến thăm thành phố.

Tuy nhiên, ngay cả với những biện pháp đó, du lịch vẫn tiếp tục phát triển. Năm 2019, các bài báo chỉ trích lượng khách du lịch tăng vọt ở Amsterdam, Venice và Barcelona như ví dụ điển hình về du lịch quá mức ở châu Âu.

Tình dục, cần sa và “độc canh”

Kể từ khi đại dịch bùng phát, các nhà lãnh đạo của Amsterdam, dẫn đầu là thị trưởng Femke Halsema, tiếp tục thúc đẩy việc điều tiết du lịch, tập trung vào Phố đèn đỏ - khu vực cổ kính của trung tâm Amsterdam và là thỏi nam châm hút khách du lịch.

Vào một đêm thứ 7 điển hình trước đây, Phố đèn đỏ dập dìu những người đàn ông trẻ tuổi đi từ quán bar này sang quán bar khác, có thể là bước vào các cửa hàng tình dục, quán cà phê hoặc nhìn chằm chằm vào gái bán hoa đang khoe dáng bên cửa sổ.

Trong lá thư gửi hội đồng thành phố vào tháng 7/2019, Thị trưởng Femke Halsema cho biết: “Không gian công cộng bị chi phối bởi các cơ sở kinh doanh gần như toàn là bạo dâm, ma túy và đồ uống có cồn. Số lượng du khách không ngừng gia tăng, hành vi đồi trụy, cơ cấu bán lẻ ngày càng thu hẹp, giá bất động sản tăng, thương mại hóa không gian công cộng và hoạt động kiểm soát tội phạm đều đòi hỏi các biện pháp”.

Ngoài ra, bà Halsema đề xuất 4 kịch bản cho tương lai của hoạt động mại dâm ở Phố đèn đỏ (mại dâm là mảng hợp pháp và được quản lý ở Hà Lan).

Một trong đó là việc chuyển toàn bộ lao động tình dục đến “khách sạn mại dâm” ở những nơi khác trong thành phố. Tuy nhiên, đề xuất không được chấp thuận hoàn toàn.

Một nhân viên đứng bên ngoài quán cà phê ở Phố đèn đỏ.

Một đề xuất gây chú ý khác từ văn phòng thị trưởng sẽ khiến du khách không được phép mua cần sa tại các quán cà phê ở Amsterdam, vốn tập trung ở Phố đèn đỏ.

Mùa hè năm ngoái, trước những lời phàn nàn, thành phố đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn đối với tất cả dịch vụ cho thuê nhà ngắn hạn tại 3 khu ở trung tâm thành phố, bao gồm cả Phố đèn đỏ.

Victor Everhardt, Phó thị trưởng thành phố Amsterdam, cho biết các biện pháp này phù hợp với phương pháp tiếp cận thực tế của Hà Lan để giải quyết những vấn đề.

Tuy nhiên, một số biện pháp được đề xuất cũng gây tranh cãi.

Irina, phát ngôn viên của PROUD, liên minh gồm khoảng 300 gái mại dâm trên khắp Hà Lan, cho biết ý tưởng di dời những người hành nghề mại dâm khỏi Phố đèn đỏ bị phản đối rộng rãi.

“Vấn đề không nằm ở gái mại dâm. Chúng tôi đã sống ở một khu vực trong nhiều thế kỷ. Vấn đề là số lượng khách du lịch đến Amsterdam bùng nổ. Họ đến vì rất nhiều lý do”, cô nói.

Irina nói thêm thay vì tập trung vào gái mại dâm, chính phủ nên bố trí nhiều cảnh sát hơn trên đường phố, đồng thời tăng cường thực thi các quy định hiện hành về chống tiểu tiện, say xỉn và gây rối trật tự nơi công cộng.

“Những người hành nghề mại dâm đang bị coi là vật tế thần, cùng với các quán cà phê, vì đã gây ra vấn đề mà họ không hề gây ra”, cô nói.

Cung điện Hoàng gia vào ngày 26/3. Quảng trường vốn nhộn nhịp khách du lịch trở nên vắng vẻ từ khi đại dịch bùng phát.

Tương tự, đề xuất gần đây của thị trưởng về việc cấm các quán cà phê ở Amsterdam bán cần sa cho du khách cũng bị phản đối.

Từ trước tới nay, khách du lịch và dân địa phương thường lui tới 167 quán cà phê được cấp phép của thành phố để thư giãn, giao lưu, chơi board game và hút cần sa - được phân loại để sử dụng cho mục đích cá nhân ở Hà Lan.

Joachim Helms, chủ quán cà phê và là phát ngôn viên của Hiệp hội các nhà bán lẻ cần sa Hà Lan, nói rằng lệnh cấm được đề xuất sẽ buộc du khách phải mua cần sa trên đường phố. Điều đó có thể khiến họ bị lợi dụng, cũng như làm tổn hại đến danh tiếng của Amsterdam.

Roy Van Kempen (31 tuổi), giám đốc tiếp thị sống ở Amsterdam từ năm 2008, nhận định: “Paris có Tháp Eiffel. Chúng tôi có Phố đèn đỏ. Tôi thực sự không muốn có sự xáo trộn nào trong thành phố”, anh nói.

Irina, Helms, Van Kempen và nhiều người Amsterdam khác đồng tình rằng trung tâm thành phố tồn tại vấn đề lớn: Một nền du lịch “độc canh” đã bén rễ và cư dân đang bị đẩy ra ngoài.

Các doanh nghiệp và dịch vụ từng phục vụ người dân địa phương (tiệm bánh cao cấp, cửa hàng thịt...) đã bị thay thế bằng cửa hàng đồ trang sức, tiệm kem và nơi phục vụ bánh quế mang đi... chủ yếu nhắm đến khách du lịch.

Trong khi đó, giá nhà ở leo thang (một phần do sự phát triển của Airbnb và các nền tảng cho thuê nhà khác) đã khiến nhiều người dân địa phương không đủ khả năng trụ lại ở trung tâm thành phố.

“Vấn đề du lịch độc canh này đã trở thành tâm điểm chú ý trong năm qua”, Geerte Udo cho biết và nói thêm rằng bà đã bị ảnh hưởng bởi cảm giác hoang vắng ở trung tâm thành phố trong thời gian xảy ra đại dịch, đặc biệt là so với các khu vực khác của Amsterdam.

“Điều này thật sự khiến tôi mở mang tầm mắt. Không có đủ người sống và làm việc ở trung tâm thành phố để lấy lại không khí sống động khi khách du lịch không còn nữa”, Udo nói.

Thiên Nhi

Ảnh: Ilvy Njiokiktjien

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/amsterdam-hoang-lanh-chua-tung-thay-post1200441.html