Amazon Web Services giới thiệu những xu hướng đám mây mới nhất năm 2019

AWS Summit Singapore 2019 tập hợp giới chuyên gia trong khu vực về điện toán đám mây và giới thiệu những xu hướng mới nhất trên toàn cầu trong lĩnh vực này.

Amazon Web Services (AWS) – công ty con chuyên về các dịch vụ và giải pháp điện toán đám mây của tập đoàn thương mại điện tử Amazon – vừa tổ chức sự kiện thượng đỉnh thường niên AWS Summit 2019 tại Singapore hồi tuần trước.

Ông Nick Walton – Tổng giám đốc AWS khu vực ASEAN – phát biểu mở màn cho biết quý tài chính vừa qua, AWS toàn cầu đạt doanh thu 29,7 tỷ USD. Tăng trưởng của công ty này thực sự ấn tượng, 45% quý 4/2018 so với quý cùng kỳ 2017.

Ông Nick Walton – Tổng giám đốc AWS khu vực ASEAN trên sân khấu AWS Summit Singapore 2019.

Ông Nick Walton – Tổng giám đốc AWS khu vực ASEAN trên sân khấu AWS Summit Singapore 2019.

Từ năm 2010 đến nay, AWS cho ra đời hơn 5.000 tính năng và dịch vụ mới. AWS Đông Nam Á hiện đã có văn phòng tại nhiều quốc gia ASEAN như Malaysia, Philipines, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Singapore, với đội ngũ nhân viên hỗ trợ và thực hiện nhiệm vụ nội địa hóa các sản phẩm & dịch vụ.

AWS đạt doanh thu 29,7 tỷ USD năm 2018 với tăng trưởng y/y 45%.

AWS cũng đã phát triển các dịch vụ ở nhiều quốc gia để hỗ trợ kịp thời khách hàng như thiết lập các Availability Zone, tùy chọn Direct Connect, Cloudfront PoPs… Song song đó, ông Nick Walton cho biết công ty cũng đã đầu tư vào các dự án khởi nghiệp trong khu vực với khởi nghiệp trong khu vực với tổng số vốn lên đến 11 tỷ USD (đến năm 2018), cũng như nhiều startup lựa chọn phát triển trên nền tảng hạ tầng của AWS. Đồng thời, các công ty Đông Nam Á cũng cho thấy bước phát triển trong việc áp dụng công nghệ ở đa dạng các lĩnh vực như kinh tế, tài chính, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, giáo dục…

Tâm điểm của sự kiện là bài phát biểu của ông Peter DeSantis - Phó chủ tịch cơ sở hạ tầng toàn cầu và hỗ trợ khách hàng của AWS - với nội dung xoay quanh nền tảng AWS hỗ trợ sâu rộng cho nhu cầu của các nhà xây dựng và phát triển ứng dụng trên nền đám mây.

Ông Peter DeSantis - Phó chủ tịch cơ sở hạ tầng toàn cầu và hỗ trợ khách hàng của AWS - trình bày bài bài phát biểu chính của sự kiện.

AWS hiện đã trở thành nền tảng đầy đủ tính năng với hơn 165 dịch vụ khác nhau bao gồm cả những “từ khóa” mới nổi lên như IoT – vạn vật kết nối, Machine Learning – máy học, Blockchain… Hạ tầng toàn cầu của AWS cho thấy sự trải rộng của nền tảng này trên toàn thế giới khi đã hiện diện tại 20 địa điểm khác nhau và sắp có mở rộng thêm 5 trung tâm nữa tại Hong Kong, Bahrain, Ý, Cape Town, Indonesia…

Đa dạng dịch vụ giúp doanh nghiệp chuyển đổi số

Tại mỗi khu vực, AWS chú trọng phát triển nhiều vùng khả dụng (Availability zone) - những phân vùng biệt lập với chức năng đầy đủ của cơ sở hạ tầng AWS nhằm cung cấp cho khách hàng khả năng vận hành ứng dụng ở cự ly gần nhất với người dùng cuối trong khi duy trì việc lữu trữ dữ liệu tại nơi mà họ muốn. Đó chính là đặc tính khác biệt của nền tảng AWS so với các đối thủ.

Ông Peter DeSantis cũng nhấn mạnh ưu thế của nền tảng AWS so với các nhà cung cấp dịch vụ đám mây khác ở sự da dạng trong dịch vụ cơ sở dữ liệu, lưu trữ, bảo mật, mã hóa dữ liệu khách hàng, quản lý khóa, chuyển đổi cơ sở dữ liệu, nhập/xuất dữ liệu…

Rất nhiều dịch vụ và sản phẩm được AWS cung cấp toàn diện cho giải pháp đám mây.

Cụ thể, AWS cung cấp đến 14 dịch vụ cơ sở dữ liệu - gấp đôi các nhà cung cấp khác, có đến 11 cách để nhập dữ liệu vào AWS và xuất dữ liệu ra khỏi AWS và hơn 200 tính năng bảo mật cùng khả năng cho phép mã hóa dữ liệu khách hàng trên hầu hết các dịch vụ hiện có của công ty.

Ông cũng tập trung trình bày về khả năng cho phép chuyển đổi dữ liệu, chuyển đổi số. Đặc biệt với các khách hàng là công ty lớn, thì không có một giải pháp đơn lẻ nào phù hợp cho tất cả và nếu muốn đẩy nhanh quá trình đưa ứng dụng của công ty mình lên mây thì cần đến một bộ các công cụ đa dạng và chuyên sâu mà AWS hiện đang có sẵn.

Một ví dụ minh họa cụ thể là AWS Snowball với khả năng vận chuyển dữ liệu ở mức dung lượng hàng petabyte (triệu GB) được thiết kế với độ bảo mật và độ bền cao cho phép nhập xuất dữ liệu với đám mây đơn giản, nhanh chóng với chi phí chỉ bằng 1/5 so với việc sử dụng mạng.

Tính năng đồng bộ hóa dữ liệu AWS là dịch vụ chuyển dữ liệu cho phép bạn sao chép dữ liệu vào/ra nhanh hơn các dịch S3, EFS với hiệu suất gấp 10 lần các công cụ như robocopy.

Dịch vụ chuyển đổi cơ sở dữ liệu AWS cho phép khách hàng chuyển dữ liệu đến và đi khỏi AWS, và dịch vụ này đã thực hiện thành công với hơn 120.000 cơ sở dữ liệu.

Như trường hợp của Honestbee – nhà cung cấp dịch vụ giao hàng thực phẩm theo yêu cầu – đã sử dụng dịch vụ chuyển đổi cơ sở dữ liệu AWS tới Redshift và hiện đã rút ngắn độ trễ về thời gian tương tác dữ liệu đến khách hàng còn dưới 5 phút so với mức 7 giờ của trước đây.

Hay ví dụ của Petronas Lubricants International (PLI) – công ty chuyên về công nghệ chất lỏng và sản xuất dầu nhớt công nghiệp – đã chuyển đổi dữ liệu với dịch vụ AWS để tối ưu chi phí của công ty mở rộng đến phạm vi 30 quốc gia và tăng tốc chu kỳ phát triển, thử nghiệm của họ….

AWS cũng gắn bó chặt chẽ với hệ điều hành Windows hơn một thập kỷ. Kinh nghiệm với Windows đã giúp AWS nhận được sự tin tưởng của các khách hàng doanh nghiệp sử dụng Windows trên AWS với tốc độ tăng trưởng 400% trong 3 năm gần đây. Hàng trăm ngàn khách hàng đã mang Windows đến AWS như Autodesk đã chạy Windows trên hạ tầng AWS trong hơn 10 năm và Salesforce đã chạy đến hơn 10.000 thực thể Windows trên AWS.

AWS cũng cung cấp tính năng cho phép khách hàng sử dụng AWS như một nền tảng mở rộng song song với cơ sở hạ tầng hiện có của họ, hay còn gọi là kiến trúc lai.

Các kiến trúc lai (hybird) của AWS.

Ví dụ AWS Direct Connect cho phép kết nối dễ dàng và tin cậy hạ tầng thực tế với nền tảng AWS thông qua bộ tùy chọn mạng kết nối và các dịch vụ… Ngoài ra còn có dịch vụ Ourposts - cho phép tính toán và lưu trữ với độ trễ thấp đồng thời ở hạ tầng thực tế lẫn môi trường AWS, hay Snowball Edge tối ưu cho nhu cầu tính toán ngoại tuyến và ở môi trường cần sự bền bỉ. VMware Cloud trên AWS cũng cho phép khách hàng dùng phần mềm trên hạ tầng hiện có lẫn nền tảng AWS.

Ông Peter DeSantis nhắc đến quá trình làm việc của mình tại Amazon từ những ngày đầu với tư cách kỹ sư phần mềm để chia sẻ về sự thay đổi trong quá trình phát triển ứng dụng từ kiến trúc “nguyên khối” sang kiểu phân chia thành nhiều vi dịch vụ (micro service) với nhiều tiến trình độc lập cho phép đẩy nhanh quá trình phát hành ứng dụng đến khách hàng, dễ chỉnh sửa, phát triển ứng dụng đạt đến sự hiệu suất tối ưu khi các ứng dụng muốn trở nên lớn mạnh nhanh chóng.

Vị đại diện của AWS cũng giới thiệu về Amazon Aurora – dịch vụ cơ sở dữ liệu phân tán có tốc độ phát triển 200% trong 3 năm qua và được hàng chục ngàn khách hàng tin dùng trong đó có Samsung, NTT Docomo, Netflix… Bên cạnh đó ông cũng đề cập đến dịch vụ bảo mật AWS Lake Formation cùng việc tích hợp những công nghệ mới vào các dịch vụ AWS như blockchain, IoT, máy học (machine learning) với Tensorflow.

Giảm thiểu chi phí nhờ sử dụng các dịch vụ đám mây

Như các sự kiện tương tự của AWS, các khách hàng đang dùng dịch vụ của hãng sẽ chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình dùng dịch vụ của AWS.

Ông Chua Chwee Koh, Giám đốc điều hành và công nghệ của Certis.

Ông Chua Chwee Koh, Giám đốc điều hành và công nghệ của Certis - công ty cung cấp dịch vụ bảo mật tích hợp tiên tiến có trụ sở tại Singapore và là một trong những khách hàng của AWS, chia sẻ về việc ứng dụng các dịch vụ AWS trong Argus – hệ thống hỗ trợ nhân viên – cung cấp nền tảng quản lý niệm vụ động, điều hành và giám sát hoạt động linh hoạt, tầm nhìn sâu sắc hơn để tối ưu hóa và tự động ra quyết định với sự hỗ trợ của AI. Việc ứng dụng các dịch vụ AWS cho thấy sự hiệu quả trong việc rút ngắn thười gian phát triển đến 30%, hỗ trợ và chi phí vận hành ít hơn 75%, chi phí bảo mật thấp hơn 10 lần…

Traveloka, một công ty khởi nghiệp chuyên về du lịch, vé máy bay nổi tiếng khác cũng đang dùng dịch vụ của AWS.

Ông Sergei Shvetsov, Kỹ sư trưởng phụ trách hạ tầng đám mây của Traveloka, cho biết đã dùng dịch vụ của AWS ngay từ ngày đầu nên đã không mất chi phí đầu tư cho máy chủ hệ thống (do AWS cho thuê dịch vụ, khách hàng chỉ phải trả theo mức dung lượng sử dụng).

Từ thời kỳ đầu, Traveloka sử dụng dịch vụ S3 để chuyển các dữ liệu về du lịch, vé máy bay lên đám mây. Sau đó, khi công ty Indonesia này tăng quy mô lên 100 kỹ sư, mỗi kỹ sư cùng nhập dữ liệu lên hệ thống nên gặp nhiều vấn đề, do đó AWS đã tư vấn chia nhỏ dịch vụ (micro service) để dễ dàng quản lý.

Traveloka có mặt tại Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.

Đến năm 2016, công ty khởi nghiệp tỷ USD có mặt trên 6 thị trường, phát triển lớn mạnh hơn, do đó phải xây Data Lakes để lưu trữ dữ liệu. Một năm sau, công ty bổ sung thêm nhiều sản phẩm hơn, do đó phải dùng dịch vụ Elastic để hỗ trợ micro service. Công ty cũng tiết kiệm chi phí vận hành theo nguyên lý phi máy chủ - serverless, tức không sở hữu máy chủ nào mà chỉ thuê dịch vụ từ AWS.

Hiện nay, khi đã phát triển với lượng dữ liệu rất lớn, Traveloka đang sử dụng các dịch vụ deep learning, trí tuệ nhân tạo để nghiên cứu sâu hành vi người dùng, dự báo chiến lược kinh doanh.

Theo ban tổ chức, sự kiện thường niên AWS Singapore Summit 2019 thu hút hơn 10.000 người tham gia trong sự kiện diễn ra hai ngày. Sự kiện này bao gồm các bài phát biểu về công nghệ mới, triển lãm trình diễn sản phẩm mới, các cuộc thi,... Những lập trình viên, giám đốc công nghệ, sinh viên, các nhà hoạch định chiến lược ở doanh nghiệp sẽ tham dự sự kiện quy mô khu vực này.

Thảo Trần

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/cntt/amazon-web-services-gioi-thieu-nhung-xu-huong-dam-may-moi-nhat-nam-2019-181400.ict