Amanda Gorman – Nữ nhà thơ thế hệ Gen Z ước mơ trở thành Tổng thống Mỹ

Amanda Gorman - Nữ nhà thơ thế hệ Gen Z ước mơ trở thành Tổng thống Mỹ

Tự mô tả bản thân là “một cô gái da màu gầy gò xuất thân nô lệ và được nuôi dưỡng bởi một người mẹ đơn thân, là người mơ ước trở thành Tổng thống tuy chỉ được mời ngâm thơ tặng Ngài”, nhà thơ trẻ Amanda Gorman – là một hiện tượng của nước Mỹ trước khi gây ấn tượng toàn cầu trong buổi lễ nhậm chức của Tân Tổng thống Joe Biden vừa qua.

Một thập kỷ trước, Amanda Gorman vẫn còn là một học sinh ở Los Angeles, tập tành viết lách với ước mơ trở thành nhà văn. Sau khi gửi các bài thơ của mình tới các cuộc thi địa phương, cô đoạt giải Nhà thơ Thanh niên của Los Angeles vào năm 2014, giải Nhà thơ trẻ quốc gia ba năm sau đó. Cô đã xuất bản tập thơ đầu tiên của mình, “The One for Whom Food Is Not Enough” vào năm 2015 và sẽ xuất bản tập thơ ảnh “Change Sings” vào cuối năm nay.

Nói về nguyên do được xuất hiện trong buổi lễ nhậm chức của Tân Tổng thống Joe Biden, cô chia sẻ: “Bài thơ ‘In this place: An American Lyric’ tôi từng gửi đến Thư viện Quốc hội Mỹ năm 2017 được tiến sĩ Jill Biden (phu nhân Tân Tổng thống) chú ý, và bà đã gọi cho tôi, đề nghị viết một bài thơ cho buổi lễ tuyên thệ của chồng”.

Thơ là vũ khí, là công cụ thay đổi xã hội

Amanda mang bài thơ “The hill we climb” tại Lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden

Amanda mang bài thơ “The hill we climb” tại Lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden

Sinh ra và lớn lên ở Los Angeles, cô bắt đầu viết khi chỉ mới vài tuổi. Amanda đã trình diễn nhiều bài thơ cũng như diễn thuyết tại các sự kiện khắp nước Mỹ, bao gồm cả Thư viện Quốc hội và Trung tâm Lincoln. Nữ nhà thơ đã nhận được Tài trợ thiên tài từ OZY Media, cũng như sự công nhận từ Scholastic Inc., YoungArts, giải thưởng College Women of the Year của tạp chí Glamour và giải thưởng Webby. Cô từng tham gia biên tập cho bản tin The Edit của New York Times, viết bản tuyên ngôn cho chiến dịch “Superfly Black History” của Nike năm 2020. Bên cạnh đó, cô còn là thành viên trẻ nhất thuộc Hội đồng quản trị của 826 National – mạng lưới viết về thanh thiếu niên lớn nhất tại Mỹ. Vào năm 2017, UrbanWord và Thư viện Quốc hội Mỹ đã vinh danh cô là Nhà thơ Thanh niên Quốc gia đầu tiên ở Mỹ.

Oprah Winfrey, Cựu Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama giành những lời tán thưởng cho nữ nhà thơ.

“Thơ là một vũ khí, là một công cụ của sự thay đổi xã hội”, Amanda khẳng định và điều này cũng hiển thị rất rõ trong các tác phẩm của cô. Tốt nghiệp khoa Xã hội học tại Đại học Havard, cô có trong tay một tuyển tập thơ ca đồ sộ. Tác phẩm của cô tập trung vào các vấn đề về áp bức, nữ quyền, chủng tộc và nhóm yếu thế của xã hội, cộng đồng người châu Phi. Dự kiến tháng 9/2021, cô sẽ phát hành tập thơ ảnh “Change Sings” dành cho trẻ em. Nhà thơ cho biết cô có kế hoạch dài hạn tranh cử Tổng thống vào năm 2036.

Trọng tâm sự chú ý của công chúng sau khi buổi lễ kết thúc phần lớn đổ dồn vào Amanda.

Xem việc viết lách như cách vượt qua bệnh tật

Có lần, cô định nói “các cô gái có thể thay đổi thế giới”, nhưng vì không thể phát âm tất cả các chữ cái, cô ấy đã chuyển sang nói “phụ nữ trẻ có thể định hình Trái đất.”

Từng quen thuộc với việc diễn thuyết và xuất hiện tại các sự kiện cộng đồng, ít ai ngờ thuở nhỏ, Amanda từng gặp chứng trở ngại về phát âm, rối loạn thính giác và nhạy cảm với âm thanh và viết lách là cách để cô vượt qua những chứng bệnh đó.

“Tôi đã từng nói với bạn học của mình: ‘Bạn biết không? Việc viết những bài thơ trên giấy đối với mình là không đủ. Mình phải cho chúng hơi thở, cuộc sống’. Viết cũng là cách giúp tôi vượt qua trở ngại về lời nói”. Chứng khó phát âm đeo đuổi cô đến suốt những năm tháng học đại học. Mỗi lần cần phải xuất hiện trước đám đông, cô thường nhắc đi nhắc lại câu “thần chú”: “Tôi là con gái của các nhà văn da màu. Chúng tôi là hậu duệ của những người đã đấu tranh vì tự do, phá bỏ xiềng xích và thay đổi thế giới”. Bên cạnh đó, cô còn gặp khó khăn trong việc phát âm chữ “r” và sử dụng âm nhạc như một liệu pháp điều trị. “Tôi thường hát bài ‘Aaron Burr, Sir’ vì nó chứa đầy âm thanh của chữ ‘r'”.

Gu thời trang ấn tượng

Nếu chỉ đọc về Amanda qua ngôn từ, chắc hẳn hình dung về nhà thơ này trong đầu nhiều người là một cô gái “mọt sách” với cặp kính dày cộm thường xuất hiện với những phục trang giản dị. Nhưng không, Amanda sở hữu “visual” cực đỉnh cùng gu thời trang ấn tượng. Cô là khách mời của các Tuần lễ thời trang ở Milan, New York. Cô từng nói: “Thời trang có rất nhiều ý nghĩa đối với tôi và đó là cách giúp tôi để lại dấu ấn sâu trong mọi người”.

Mũ nồi đỏ là một trong những phụ kiện cô đặc biệt yêu thích.

Chụp hình cùng siêu mẫu Cara Delevingne và lần xuất hiện trên tạp chí Vouge

Amanda sở hữu gu thời trang ấn tượng và thường là khách mời của các tuần lễ thời trang nổi tiếng

Cô diện mốt neon kết hợp váy bất đối xứng tại lễ trao giải thường niên Black Girls Rock! 2018 tôn vinh những cô gái da màu.

Bài: Hồng Vân

Nguồn Đẹp: https://dep.com.vn/amanda-gorman-nu-nha-tho-the-he-gen-z-uoc-mo-tro-thanh-tong-thong-my/