Âm vốn chủ sở hữu, Tổng công ty Sông Hồng còn nợ những ngân hàng nào?

Tại ngày 31/3/2019, Tổng công ty lỗ lũy kế 919 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 608 tỷ đồng, nợ tín dụng xấu khiến công ty không đủ điều kiện năng lực để tham gia các gói thầu.

Trụ sở của Tổng công ty Sông Hồng.

Theo báo cáo tài chính quý I/2019 của Tổng công ty cổ phần Sông Hồng (Tổng công ty Sông Hồng), tính đến ngày 31/3, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 15,9 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ 2018. Giá vốn hàng bán cũng tăng 29% lên 14,6 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 1,2 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ chỉ đạt 283 triệu đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh còn 106 triệu đồng so với 2,7 tỷ đồng cùng kỳ 2018 do lãi từ thanh lý các khoản đầu tư ngắn hạn, dài hạn không còn. Thu nhập khác 1,3 tỷ đồng.

Chi phí lãi vay trong quý tăng lên 21 tỷ đồng so với 6,7 tỷ đồng cùng kỳ 2018. Dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý giảm 22% còn 4,5 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận gộp quá nhỏ không bù đắp được chi phí lãi vay khiến Tổng công âm lợi nhuận thuần từ kinh doanh tới 24,5 tỷ đồng, cùng kỳ âm 9,5 tỷ đồng.

Lợi nhuận khác đạt 1,3 tỷ đồng cũng không giúp lợi nhuận trước thuế âm 23,2 tỷ đồng.

Tại ngày 31/3/2019, Tổng công ty lỗ lũy kế 919 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 608 tỷ đồng, nợ tín dụng xấu nên công ty không đủ điều kiện năng lực để tham gia các gói thầu nhằm tạo việc làm và nguồn tài chính cho công ty mẹ và các công ty thành viên.

Doanh thu và sản lượng chủ yếu của các công trình chuyển tiếp dở dang từ các năm trước chuyển sang có hiệu quả thấp, lãi vay lớn. Công ty mẹ và tổ hợp các công ty thành viên vẫn tiếp tục mất khả năng thanh toán nghiêm trọng do nợ phải trả tiếp tục tăng từ phát sinh lãi vay phải trả cho công trình Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, nợ phải trả liên quan đến các nghĩa vụ bảo lãnh cho các công ty con.

Đối với khoản nợ 191 tỷ đồng cho công trình Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, vay tại ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) Chi nhánh Hà Tĩnh, đây là khoản vay theo hạn mức tín dụng từ năm 2011 với mục đích bổ sung vốn lưu động và cấp bảo lãnh cho bên B phục vụ thi công công trình Nhà máy này. Căn cứ theo phụ lục hợp đồng hạn mức tín dụng lần thứ 6 (26/11/2014) khoản vay được gia hạn tới ngày 31/01/2016, lãi và gốc trả 1 lần khi đáo hạn, nhưng hiện chưa có thỏa thuận gia hạn khoản vay trên.

Đối với các khoản nợ phải trả liên quan đến các nghĩa vụ bảo lãnh cho các công ty con, tính đến 31/3/3019, Tổng công ty Sông Hồng còn phải trả khoản tiền lãi quá hạn của số nợ gốc 95,43 tỷ đồng chưa thanh toán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng (VAMC) tại Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 45 của Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội và Quyết định số 01 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Tây Hồ, TP.Hà Nội.

Tổng công ty Sông Hồng cũng phải trả nợ thay cho 2 Công ty TNHH MTV: Sông Hồng An Dương và Cơ giới và Xây dựng Sông Hồng theo cam kết bảo lãnh với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) số tiền 85,5 tỷ đồng, tại vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 52 của phiên xét xử sơ thẩm của Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội.

Để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu, Ban tổng giám đốc đã và đang thực hiện việc tái cơ cấu công ty thông qua việc chuyển nhượng phần vốn tại các công ty con, công ty liên kết theo Quyết định 1232 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Nhà nước sẽ thoái vốn tại Tổng công ty Sông Hồng về mức 36% hoặc bán hết vốn vào năm 2018; Tăng vốn điều lệ từ 270 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng bằng cách phát hành cổ phiếu phổ thông.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính quý I/2019 của Tổng công ty , tính đến ngày 31/3, tiền và tương đương tiền còn 10,5 tỷ đồng. Đầu tư tài chính ngắn hạn 400 triệu đồng.

Phải thu ngắn hạn của khách hàng là 194 tỷ đồng, giảm nhẹ 18 tỷ đồng (8,5%) so với đầu năm. Trong đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam nợ 14,4 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng không Việt Nam nợ 11 tỷ đồng, CTCP Bất động sản Đông Đô nợ 17,2 tỷ đồng…

Ngoài ra, Tổng công ty còn tới 494 tỷ đồng phải thu khác, gồm: 195 tỷ đồng phải thu ngắn hạn, trong đó tạm ứng 34,2 tỷ đồng, phải thu khác tới 127,6 tỷ đồng và phải thu CTCP Sông Hồng 6 là 27,8 tỷ đồng; Thu dài hạn 299 tỷ đồng, trong đó phải thu Ban QLDA Thái Hà 284 tỷ đồng…

Tính đến ngày 31/3, công ty có khoản nợ xấu trên 3 năm tới 248 tỷ đồng, trong đó nợ xấu của công ty mẹ là Tổng công ty cổ phần Sông Hồng là 229 tỷ đồng, còn lại là nợ xấu của một số công ty con.

Hàng tồn kho còn 417 tỷ đồng, trong đó chi phí sản xuất dở dang là 378 tỷ đồng. Đối với khoản tiền 38,7 tỷ đồng được ghi nhận vào khoản mục hàng tồn kho và khoản tiền nhận được từ việc bán lô đất tại Khu biệt thự Tây Hồ trên khoản mục Người mua trả tiền trước. Hiện các lô đất này đã được chuyển nhượng cho các cá nhân khác bên ngoài nhưng do chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý nên vẫn đang theo dõi khoản tiền này trên các khoản mục tương ứng.

Đến ngày 31/3, Tổng công ty còn nợ 108 tỷ đồng vay ngắn hạn tại các ngân hàng Công Thương Chi nhánh Phú Thọ và ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Hoàn Kiếm.

HOÀNG ANH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/am-von-chu-so-huu-tong-cong-ty-song-hong-con-no-nhung-ngan-hang-nao-3506240.html