Âm vang tiếng trống đồng đất Kẻ Chè xứ Thanh

Cố giáo sư, viện sĩ Phạm Huy Thông viết: 'Trống Đông Sơn là do người thời văn hóa Đông Sơn tạo ra trên đất Việt cổ, khi ấy thời dựng nước đầu tiên. Nó là một sản phẩm tiêu biểu của người Việt cổ - tiền thân của người Việt Nam ngày nay'.

Hiện nay, tại xứ Thanh vẫn còn một làng nổi tiếng với nghề đúc đồng với nhiều sản phẩm tinh xảo như trống đồng, chiêng đồng, đồ thờ, lư hương, tượng, chuông... được làm bởi bàn tay những nghệ nhân tài hoa, yêu nghề và cần cù lao động.

Các nghệ nhân đã khôi phục những sản phẩm truyền thống và đỉnh cao nhất là nghệ thuật đúc trống đồng Đông Sơn với những hoa văn chi tiết tinh xảo theo đúng hoa văn kiểu dáng xưa.

Làng Trà Đông, xưa kia gọi là Sơn Trang, tên nôm là Kẻ Chè, một vùng đất cổ cách tỉnh lỵ Thanh Hóa 12 km về phía Tây Bắc, nằm trong địa vực của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng.

Đến làng Trà Đông ngày nay, giữa khói bụi than lửa, ta sẽ thấy được các nghệ nhân đúc đồng nhẫn nại, tỉ mẩn khắc từng nét hoa văn lên khuôn đúc. Họ như những nghệ sĩ tài hoa đang cháy hết mình để thổi vẻ đẹp của đất và người vào những sản phẩm đồng. Làng nghề đúc đồng Trà Đông không chỉ là nơi lưu giữ kỹ thuật đúc đồng truyền thống độc đáo của cả nước mà còn là địa chỉ du lịch làng nghề thu hút đông đảo du khách gần xa.

Chiếc trống đồng hai mặt được coi là niềm tự hào của làng Trà Đông. Nhưng kỹ thuật tinh xảo trong việc làm khuôn đúc trống đồng luôn được các thế hệ gìn giữ và trao truyền.

Chiếc trống đồng hai mặt được coi là niềm tự hào của làng Trà Đông. Nhưng kỹ thuật tinh xảo trong việc làm khuôn đúc trống đồng luôn được các thế hệ gìn giữ và trao truyền.

Hiện nay, làng nghề đúc đồng truyền thống Trà Đông đang duy trì một số lượng lò đúc lớn, có 4 nghệ nhân được Chủ tịch nước công nhận là nghệ nhân ưu tú. Các nghệ nhân này đã có công lớn trong việc phục dựng, làm sống lại và phát triển nghề đúc đồng truyền thống.

Nghệ nhân Lê Văn Bảy cho biết để đúc ra được một tác phẩm bằng đồng phải trải qua rất nhiều công đoạn: “Quá trình làm khuôn đúc thì có rất nhiều công đoạn, từ đắp lên khuôn, rồi sau thì se thành hình, tạo hình, làm hoa văn rồi nung đốt, cuối cùng là khâu nấu đồng và rót đồng vào khuôn, cho đến khi sản phẩm được cho ra làm nguội và chỉnh sửa, điêu khắc lại hoa văn và các chi tiết khác thì là cả một quá trình dài”.

Công đoạn vẽ khuôn thủ công của người thợ đúc đồng.

Công đoạn nung đồng để chuẩn bị đổ vào khuôn của các nghệ nhân làng Trà Đông.

Sản phẩm đồng nơi đây rất phong phú về hình thức, đa dạng về chủng loại, phục vụ cho mọi nhu cầu của nhân dân, khách du lịch, đặc biệt là phục vụ các công trình tôn giáo như đền, chùa và các sản phẩm đặc thù khác.

Chị Lê Thị Hiền một người thợ tại cơ sở đúc đồng trên địa bàn xã Trà Đông cho hay: “là con gái của một nghệ nhân nhưng tôi có niềm đam mê với những sản phẩm đồng vô bờ bến và tôi muốn được tự tay làm ra các sản phẩm của cơ sở nhà mình mà tôi yêu thích, một phần vì muốn giữ lại nghề truyền thống của cha ông mình để lại, một phần vì tôi yêu nghề này thực sự”.

"Âm vang như tiếng trống của cha, sâu sắc như cơi trầu của mẹ", ấy là truyền thống mà người dân làng nghề luôn tâm niệm và gửi gắm vào từng sản phẩm của mình. Một lần đến với xứ Thanh, món quà nhỏ của đất Kẻ Chè chắc chắn sẽ làm vừa lòng du khách.

Những người thợ đam mê, tâm huyết vẫn đang miệt mài theo đuổi với nghề đúc đồng tại làng Chè Đông.

Ông Lê Thành Hưng một người yêu thích đồ đồng đến từ Ninh Bình đánh giá cao sự sáng tạo và niềm đam mê nghề đồng của các nghệ nhân nơi đây: “Đến với làng đúc đồng Trà Đông, tôi rất trân trọng nghề đúc đồng truyền thống này. Không những nó có giá trị về mặt lịch sử mà còn có giá trị về mặt văn hóa, tâm linh. Tôi mong muốn tất cả nghề đúc đồng này vẫn tiếp tục được phát huy và tồn tại mãi cho muôn đời con cháu sau được biết và gìn giữ.”

Ông Trần Công Lạc - Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, cho biết: Hiện tại làng Chè có 4 nghệ nhân, nhờ vào sự phát triển của các cơ sở đúc đồng trên địa bàn thời gian gần đây mà giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Tại đây, cũng đang nắm giữ kỷ lục trống đồng lớn nhất Việt Nam với chiều cao 1,51m, đường kính mặt 2,01m, nặng 1,840kg.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, sự phát triển của các ngành nghề công nghiệp hiện đại nhưng nghề đúc đồng truyền thống Trà Đông vẫn có sức sống bền vững bởi nơi đây có những nghệ nhân luôn đau đáu với nghề, muốn lưu giữ lại hồn cốt của văn hóa nghìn đời./.

Lê Hanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tin-tuc-tinh-thanh/am-vang-tieng-trong-dong-dat-ke-che-xu-thanh-567551.html