Ấm ức Bphone và giấc mơ 'Made by Vietnam'

Chiếc chìa khóa pháp lý có thể được Bphone lựa chọn, cứ như thể họ muốn chứng minh rằng 'cây ngay chẳng sợ chết đứng'…

Công khai tình cảnh là nạn nhân, dường như Bphone lại đang ghi điểm. Phát ngôn về nghi vấn có người được doanh nghiệp điện thoại nước ngoài thuê ‘đánh’ Bphone, như một cách dọn thị trường của ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghệ BKAV, ngôi nhà chung của các thế hệ Bphone chắc hẳn khiến dư luận bán tín bán nghi.

Nghĩ theo chiều tích cực, xem ra Bphone là một sản phẩm tốt, gây dựng được thanh thế trên thị trường, đến mức những chiêu trò bẩn trong thương mại được các đối thủ nước ngoài thi triển để ngăn chặn đà phát triển của thương hiệu này. Và cũng như giấc mơ của anh chàng bán đồ thủy tinh trong câu chuyện của nàng Sheherazade, nếu không có những trắc trở, vị thế của Bphone hẳn sẽ lớn mạnh biết chừng nào.

Tiếc là không phải tất cả đều dư dả niềm lạc quan như vậy. Những câu hỏi cắc cớ xung quanh vụ việc vẫn được đặt ra. Chẳng hạn, Bphone tự định dạng các sản phẩm của mình ở phân khúc trung cao cấp. Đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nhãn hàng này là sản phẩm cùng tầm tiền của các hãng điện thoại danh tiếng đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc… Ngoài một số tên tuổi được gắn mác ‘Made in Vietnam’ tương tự Bphone, những sản phẩm khác đều có cấu hình và chiến lược tiếp thị, truyền thông bài bản, không chỉ tại thị trường Việt Nam.

Bphone và nghi vấn bị... đánh. Ảnh Zing

Bphone và nghi vấn bị... đánh. Ảnh Zing

Toan tính cạnh tranh không lành mạnh đương nhiên không thể loại trừ, nhưng khi sự hiện diện của Bphone còn khiêm tốn trong các hệ thống phân phối điện thoại tại chính thị trường Việt Nam, thì nghi ngờ về tính chính xác của thông tin trên là hữu trí. Nên nhớ rằng, nếu vụ việc bị phanh phui, danh tiếng của các sản phẩm đã định vị được tên tuổi trên thị trường toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Đó là chưa kể, các nhà quản lý Việt Nam sẽ không thể ngồi yên khi sản phẩm của doanh nghiệp Việt cố tình bị chơi xấu và buộc phải nhận thiệt thòi.

Nếu một cuộc chiến pháp lý chính thức được BKAV khởi động, lời đáp sẽ hai năm rõ mười. Tuy nhiên, BKAV rất cần cân nhắc, bởi lẽ những tranh chấp dạng này rất khó tìm ra kẻ ném đá giấu tay và khó tính toán chính xác mức độ thiệt hại mà doanh nghiệp phải gánh chịu… Càng khó chứng minh mối liên kết giữa người tung tin đồn xấu (nếu có) và những doanh nghiệp đứng sau.

Có lẽ, nói cách khác thì, nếu thật sự có một doanh nghiệp đang muốn dìm Bphone, BKAV mới đang dừng ở mức đưa ra tín hiệu cảnh cáo.

Thế nhưng, không cần phải chờ đợi nhiều năm cho một vụ kiện kiểu này để nhìn ra một sự thật đáng báo động hơn rất nhiều lo ngại có ai đang ‘đánh’ hay ‘dìm’ sản phẩm Việt. Một nền công nghiệp phụ trợ mới chỉ làm được bao bì cho các sản phẩm điện thoại thông minh, hay làm săm lốp cho ô tô, sẽ khó mơ tới việc làm chủ toàn bộ các công đoạn sản xuất của một sản phẩm công nghệ.

Nhập linh kiện từ Trung Quốc đã và đang là lựa chọn của nhiều nước trên thế giới. Đại dịch Covid-19 giúp các doanh nghiệp toàn cầu thức tỉnh rằng, dù đặt mục tiêu tối thượng là lợi nhuận, trong rất nhiều trường hợp, rẻ nhất không phải là ưu việt nhất. Vậy nhưng, từ nhận thức tới hành động là một quãng đường rất xa.

Trở lại vấn đề của doanh nghiệp Việt, điểm khác biệt không nhỏ của họ với đồng bạn năm châu là, chúng ta không có lựa chọn khác. Khi những ngành hàng đứng đầu trong kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam vẫn là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và điện thoại các loại và linh kiện, thì chẳng cần “bàn tay đen” của đối thủ, câu hỏi người Việt Nam có đang thật sự ủng hộ hàng Việt Nam vẫn nhảy múa trong đầu thượng đế mỗi khi mua sắm.

Có vẻ như, đang xuất hiện một vòng luẩn quẩn. Chưa thể có một doanh nghiệp Việt đủ tiềm lực để xây dựng dây chuyền công nghệ, sản xuất từ bao bì, ốc vít cho tới chip, bảng mạch, màn hình… tạo nên một sản phẩm điện thoại thông minh hoàn chỉnh. Đã vậy, dù có đủ tiềm lực, khi quy mô thị trường của sản phẩm chỉ tính theo con số vài ngàn, vài trăm ngàn, không một tư duy kinh tế thô sơ nào chấp nhận phương thức đầu tư trên.

Cái khó nằm ở chỗ, nếu không có những người tiên phong, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ Việt Nam không thể tính tới chuyện tự chủ. Khoảng trống pháp lý, dù có được lấp đầy, chặn đứng mọi tranh cãi thế nào là hàng hóa Việt Nam, thế nào là hàng hóa sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, cũng không thể thay đổi thực tế trên.

Dẫu khó, không phải là không có giải pháp. Khi doanh nghiệp lắp ráp Việt Nam phát triển ở quy mô đủ lớn, họ hoàn toàn có thể tính tới việc tự sản xuất những linh kiện, bộ phận quan trọng để tiếp tục giảm giá thành sản phẩm. Nghi ngại “đánh” doanh nghiệp Việt, chỉ nên xem xét đối với những doanh nghiệp thuộc nhóm này và việc đưa ra những chính sách hợp lý để thúc đẩy doanh nghiệp vững vàng, trưởng thành hơn là điều nên làm.

Các hiệp hội nghề nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước có thể ngồi cùng doanh nghiệp để đưa ra các gợi ý, hỗ trợ doanh nghiệp chuyên nghiệp và hiệu quả hơn trong điều hành, tổ chức sản xuất, khơi thông dòng tín dụng, hỗ trợ trong việc lựa chọn dây chuyền, công nghê… Tất nhiên, nếu ‘của cho’ không đi kèm với ‘của nợ’, doanh nghiệp không thực hiện những cam kết để dần dần kéo các doanh nghiệp khác cũng như ngành sản xuất đi lên, câu chuyện rút ruột, lợi dụng chính sách sẽ lặp lại và giấc mơ hàng hóa ‘Made by Vietnam” sẽ còn xa vời.

Từ quan điểm vĩ mô hơn, có thể cân nhắc thêm các phương án phát triển công nghiệp phụ trợ khác. Việt Nam hiện đã là điểm đến của nhiều doanh nghiệp FDI lĩnh vực điện tử, máy tính, điện thoại di động…. Thực tế này đưa ra một gợi ý, quy mô thị trường linh kiện cho các dòng sản phẩm này đã đủ lớn. Việc Foxcom đầu tư tới 3 nhà máy tại Việt Nam càng khẳng định chắc chắn hơn nhận định này.

Trong bối cảnh này, việc doanh nghiệp Việt mở rộng đầu tư công nghiệp phụ trợ cho lĩnh vực này trở nên khả thi. Rào cản công nghệ không phải là vấn đề khi chúng ta hoàn toàn có thể nhập khẩu toàn bộ dây chuyền sản xuất và thuê những chuyên gia đầu ngành từ nước ngoài.

Giải pháp mua bán sáp nhập cũng có thể được cân nhắc, tuy nhiên, ở đây, người Việt sẽ mua các nhà máy sản xuất sản phẩm phụ trợ đang hoạt động tại Việt Nam. Tiếp thu và dần làm chủ công nghệ không phải là điều khó với những con người luôn tự hào về truyền thống sáng tạo, ham học hỏi của dân tộc mình.

Vấn đề còn lại nằm ở chính sách. Cam kết nội địa hóa của doanh nghiệp FDI cần được giám sát để thực hiện nghiêm túc, theo nghĩa, nhóm doanh nghiệp này phải lựa chọn nhà cung cấp Việt Nam, thay vì từ các doanh nghiệp FDI hoạt động tại thị trường 100 triệu dân này. Khi đó, miếng bánh thị phần cho người Việt sẽ là rất lớn.

Khánh Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/am-uc-bphone-va-giac-mo-made-by-vietnam-3413457/