Ấm tình từng trang giáo án

Ánh nắng hè sớm mai chiếu nghiêng nghiêng vào khu giảng đường Học viện Chính trị, nơi các học viên Lớp Báo chí đang say sưa học bài.

Bàn tay cô Đặng Mỹ Hạnh, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền nắn nót viết lên dòng chữ “Ngôn ngữ báo chí”. Đã từng "chuyên chở" bao “chuyến đò”, nhưng đây là lần đầu tiên cô dạy các học viên sĩ quan quân đội. Cô Hạnh tâm sự, cô rất yêu màu xanh áo lính. Cô từng ước ao được trở thành quân nhân, để khoác trên mình bộ quân phục tự hào ấy. Nhưng sự nghiệp trồng người lại chọn cô trước, để trọn một đời “làm bạn” với phấn trắng, bảng đen.

Giảng viên Đặng Mỹ Hạnh trao đổi với học viên về ngôn ngữ báo chí.

Giờ đây được giảng dạy trong môi trường quân đội, cô Hạnh cảm thấy vừa ngỡ ngàng, vừa thú vị. Đó là một môi trường nền nếp chính quy, kỷ luật nghiêm minh nhưng lại rất gần gũi, thân tình. Chính nét đẹp giản dị của những học viên áo lính đã khiến cho lớp học không còn khoảng cách xa lạ. Các tiết học diễn ra sôi nổi khi cả cô và trò cùng nhau chia sẻ những kiến thức về ngôn ngữ báo chí. Những điều bình thường như lời ăn tiếng nói hằng ngày, vậy mà khi phân tích dưới góc độ ngôn ngữ học thì lại mang ý nhiều ý nghĩa sâu sắc. Bằng giọng nói nhẹ nhàng, cô giảng giải: “Cũng chỉ là một từ nhưng dùng ở mỗi ngữ cảnh khác nhau lại có ý nghĩa khác nhau, hay như dấu cũng vậy, chỉ đặt nhầm vị trí cũng có thể làm thay đổi ngữ nghĩa. Muốn viết cho đúng, người viết phải nắm chắc nghĩa của từ, nếu không sẽ rất dễ “sai một ly đi một dặm”. Qua nghe phân tích, học viên mới hiểu rằng tại sao nghề báo được gọi là “nghề nguy hiểm”. Sự nguy hiểm không chỉ phát sinh trong quá trình tác nghiệp mà đôi khi còn nằm ngay trong từng câu, từng chữ khi người viết sử dụng thiếu hiểu biết.

Thượng úy Nguyễn Trung Minh, học viên Lớp Báo chí tâm sự: “Được nghe cô Hạnh giảng, chúng tôi hiểu thêm thế nào là từ, là câu, là văn bản. Những kiến thức từ thuở vỡ lòng nay được nghe lại vẫn thấy mới lạ, hấp dẫn. Đặc biệt khi soi chiếu vào nội dung chuẩn mực ngôn ngữ báo chí, chúng tôi mới thấy được sự khó khăn vất vả của người cầm bút đến nhường nào. Để viết được một câu hoàn chỉnh, người viết phải trăn trở suy tư, thậm chí lao tâm khổ tứ khi “đánh vật” với từng con chữ”.

Những kiến thức cô Đặng Mỹ Hạnh truyền dạy không chỉ nằm trên trang giáo án mà được học viên áp dụng vào quá trình thực tế viết bài. Trong những giờ học ngoại khóa, học viên được tự do khai thác đề tài, sáng tạo, thể hiện tác phẩm. Cô theo sát từng tiết học thực tế, cùng trao đổi, hướng dẫn, cẩn thận sửa từng câu từng chữ để học viên hoàn thành bài viết. Bằng tấm lòng tận tâm của người giảng viên, mỗi tiết học đã trở nên sinh động, ý nghĩa. Chính qua những tiết học như vậy, tình cảm thầy trò ngày càng thêm gắn bó khăng khít.

Buổi chia tay kết thúc môn học diễn ra trong không khí xúc động, lưu luyến. Cả lớp hết sức ngỡ ngàng khi cô bước từ trên bục giảng xuống cầm theo món quà nhỏ. Đó là những chiếc bánh cốm đặc sản Hà Nội dành tặng học viên cả 3 miền Bắc-Trung-Nam. Phần quà tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng tình cảm chân thành của cô giáo. Vẫn giọng nói nhẹ nhàng, ân cần của người Hà thành, cô Hạnh tâm sự: “Được dạy các học viên sĩ quan cô cảm thấy rất phấn khởi. Môn học đã khép lại nhưng lại mở ra cho cô thêm nhiều tình cảm mới. Từ lớp học này, cô có thêm những người bạn nghề sẽ cùng nhau gìn giữ và phát triển tiếng Việt ngày càng thêm giàu đẹp”.

Bài và ảnh: VŨ DUY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/am-tinh-tung-trang-giao-an-546252