Ấm tình quân dân trong dịch Covid-19

Với tinh thần vì nhân dân phục vụ, thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị quân đội đã chủ động khắc phục khó khăn, phối hợp các lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19; nhất là vận chuyển, tiếp nhận, cách ly y tế người nhập cảnh từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch về Việt Nam.

Chiến sĩ Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội phân loại, vận chuyển suất ăn đến công dân đang cách ly tại đây.

Chiến sĩ Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội phân loại, vận chuyển suất ăn đến công dân đang cách ly tại đây.

Với tinh thần vì nhân dân phục vụ, thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị quân đội đã chủ động khắc phục khó khăn, phối hợp các lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19; nhất là vận chuyển, tiếp nhận, cách ly y tế người nhập cảnh từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch về Việt Nam.

Không nề hà khó khăn, nguy cơ nhiễm bệnh, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với người dân trong lúc khó khăn..., những việc làm, hành động của các chiến sĩ quân đội tại nhiều khu cách ly trên cả nước đã là minh chứng và để lại dấu ấn tốt đẹp về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ và tình cảm quân dân sâu nặng.

Để người trở về yên tâm cách ly

Thượng tá Lê Đức Hiền, Phó Chủ nhiệm Chính trị Trường Quân sự Quân khu 5 cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh (BTL) Quân khu 5, từ cuối tháng 2, bên cạnh việc triển khai quyết liệt các biện pháp PCD cho cán bộ, chiến sĩ, nhà trường còn chỉ đạo chuẩn bị về mọi mặt tại hai địa điểm để tiếp nhận tối đa 1.600 công dân trở về từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch; chủ động sắp xếp, dồn chỗ ở của học viên; thành lập các khung quản lý, điều động, bổ sung lực lượng; tiếp nhận đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, vật tư y tế, trang thiết bị hậu cần; phối hợp các cơ quan chức năng chuẩn bị tốt về doanh trại, giường, chăn, màn và trang thiết bị thiết yếu, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho công dân đến cách ly. Hiện, nhà trường vừa tổ chức gặp mặt, trao giấy chứng nhận cho 52 công dân hoàn thành thời gian cách ly PCD trở về địa phương; đồng thời tiếp nhận, thực hiện quy trình cách ly cho 560 công dân Việt Nam.

Trong thời gian cách ly, các công dân được hưởng tiêu chuẩn ăn của bộ binh (57 nghìn đồng/người/ngày), cùng các nhu yếu phẩm như: bàn chải, kem đánh răng, bột giặt, dầu gội đầu, dép xốp, khẩu trang y tế..., do Bộ Quốc phòng bảo đảm; bộ phận hậu cần của đơn vị trực tiếp nấu cơm chuyển đến từng phòng ở. Hằng ngày, quân y đơn vị phối hợp y sĩ, bác sĩ của ngành y tế TP Đà Nẵng tổ chức thăm khám, theo dõi sức khỏe, đo thân nhiệt mỗi ngày hai lần cho tất cả những người đang cách ly. Đời sống văn hóa, tinh thần của công dân cách ly cũng được quan tâm chu đáo. Ngoài trang bị mỗi phòng một ti-vi, đơn vị còn lắp đặt hai cụm loa để thông báo tình hình, tuyên truyền về các biện pháp PCD, tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và phối hợp Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) bảo đảm sim 4G để công dân sử dụng in-tơ-nét. Nhà trường còn thành lập “Tổ thông tin, tuyên truyền”, hằng ngày cập nhật tình hình dịch bệnh, cách PCD, tuyên truyền mục đích, yêu cầu cách ly, động viên công dân khắc phục khó khăn, thực hiện đúng quy định, vì sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Khi mới vào đơn vị cách ly, một số người, nhất là các bạn trẻ do chưa quen cho nên cảm thấy cuộc sống gò bó, khó chịu, không muốn ở lại đơn vị cách ly. Trường hợp đặc biệt như chị Trần Phương Trinh, 28 tuổi, quê ở Bình Định, cùng con nhỏ mới 1,5 tháng tuổi đi du lịch Hàn Quốc trở về. Vì sợ con mình lây bệnh, sinh hoạt chưa quen, chị yêu cầu được ở riêng, nhưng cán bộ, chiến sĩ động viên, tạo điều kiện tối đa cho hai mẹ con chị; mọi vật dụng dành cho trẻ sơ sinh mà chị có nhu cầu đều được đơn vị cử người đi mua, cung cấp đầy đủ. Với sự chăm sóc chu đáo, ân cần của cán bộ, chiến sĩ chị Trinh đã yên tâm, ổn định tinh thần, cháu bé khỏe mạnh trong suốt thời gian cách ly.

Trường Quân sự Bộ Tư lệnh (BTL) TP Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên được UBND thành phố Hồ Chí Minh chọn để thành lập Bệnh viện dã chiến PCD Covid-19, Thượng tá Nguyễn Văn Phòng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, nhà trường đã nhanh chóng sửa sang, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết để biến doanh trại đơn vị, với đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, học viên đang học tập công tác tại trường trở thành bệnh viện dã chiến có quy mô ban đầu 300 giường. Để phối hợp ngành y tế địa phương chăm sóc, điều trị người cách ly tập trung, BTL thành phố còn tăng cường thêm cán bộ, chiến sĩ từ Trung đoàn Gia Định đến hỗ trợ chăm sóc, phục vụ người đến cách ly. Hiện, nhà trường có 382 người đang cách ly tập trung, trong đó có 61 người nước ngoài. Với tinh thần chăm sóc người dân là trên hết, nhà trường đã cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm, chăm lo chu đáo từng bữa ăn, vật dụng sinh hoạt thiết yếu. Tuy ngày đầu khi mới đến cách ly, nhiều người tỏ vẻ khó chịu, vì cho rằng mình không có bệnh sao phải cách ly tập trung. Cán bộ nhà trường gặp gỡ giải thích, động viên để mọi người hiểu cách ly là để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng; thường xuyên thăm hỏi, động viên tinh thần, giúp họ vượt qua khó khăn trong 14 ngày cách ly tại trường.

Những kỷ niệm đáng nhớ

Đại tá Nguyễn Mạnh Phú, Phó Hiệu trưởng Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết, ngay từ những ngày cuối tháng 2-2020, nhà trường đã tiếp nhận công dân từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch trở về Việt Nam cách ly. Sau đợt cách ly đầu tiên với tổng số 752 công dân, hiện nhà trường đang phục vụ cách ly đợt hai với 775 công dân và tám người nước ngoài. Trong thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ nhà trường cùng các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Sơn Tây, Trung tâm Y tế thị xã Sơn Tây luôn cố gắng với tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ tốt nhất. Cán bộ, chiến sĩ nhà trường không quản ngại khó khăn, vất vả, thức khuya dậy sớm chăm sóc, phục vụ công dân chu đáo, tận tình, từ việc chăm sóc sức khỏe, đến ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Những việc làm của cán bộ, chiến sĩ đã được các công dân ghi nhận qua những dòng lưu bút viết vội trước giờ phút chia tay.

Chị Đào Thị Liên, quê ở huyện Ân Thi (Hưng Yên), là du học sinh trở về nước từ thành phố Daegu (Hàn Quốc), vừa hoàn thành đợt cách ly, chia sẻ: “Đón tôi ở sân bay hôm ấy không phải là bố mẹ, người thân mà là những cán bộ, chiến sĩ quân đội. Dù không nhìn rõ được khuôn mặt, nhưng qua ánh mắt, lời nói, cử chỉ giúp đỡ tận tình của các chú, các anh, tôi cũng như nhiều công dân trở về đều có cảm giác được che chở, bảo vệ; hướng dẫn chi tiết, ân cần. Các chú, các anh đối xử với chúng tôi như người thân trong gia đình! Lúc đầu tôi cứ nghĩ, 14 ngày cách ly là khoảng thời gian dài và mong sao cho nhanh hết, nhưng sự thật thì không như vậy. Ngày ngày chúng tôi được khám bệnh, được hỏi thăm, trò chuyện, tập thể dục, thể thao. Qua đó chúng tôi càng hiểu rõ hơn về dịch bệnh, cách phòng tránh và cảm phục tình cảm tốt đẹp, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ nhà trường với công dân. Có nơi đâu trên trái đất này, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã nhường nhà, nhường chiếu, vào rừng ở để cho người dân được chăn ấm, nệm êm... Trở về với công việc, học tập, tôi xin hứa sẽ thực hiện PCD và tuyên truyền mọi người cùng chung tay thực hiện.

Sau đợt cách ly PCD Covid-19 tại Trường Quân sự Quân khu 5, trước lúc trở về quê ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), chị Hồ Thị Tình, 22 tuổi, là du học sinh từ Hàn Quốc trở về, xúc động nói: Những ngày ở khu cách ly là kỷ niệm không thể phai mờ trong tâm trí tôi. Về nước từ vùng dịch, chúng tôi luôn cảm nhận được sự sẻ chia, đùm bọc, yêu thương của các anh bộ đội và các y sĩ, bác sĩ của TP Đà Nẵng. Công việc cụ thể hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về tình quân dân, về phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.

Đến Trường Quân sự Quân khu 9 đúng dịp nhà trường phối hợp Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng tổ chức trao giấy chứng nhận cho 602 công dân Việt Nam và người nước ngoài đã qua thời gian theo dõi, cách ly tập trung 14 ngày tại đơn vị, được trở về gia đình và cuộc sống lao động, học tập bình thường, tôi cảm nhận được niềm hân hoan của họ. Chị Kiều Thị Kiểm, 36 tuổi, quê ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội), cho biết: Vợ chồng tôi sinh sống và làm việc ở Hàn Quốc từ nhiều năm nay. Tôi đang mang thai đứa con thứ hai được 32 tuần. Lo ngại trước tình hình dịch Covid-19 lan rộng ở Hàn Quốc, gia đình đã thu xếp để tôi về Việt Nam sinh con.

Lúc đầu, gia đình rất hoang mang, vì không biết tôi có nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 hay không. Về đây, tôi được bố trí cùng phòng với hai thai phụ, nên có dịp trao đổi kinh nghiệm cũng như cảm thông với nhau. Thật may mắn khi về nước, chúng tôi được thông báo Việt Nam thực hiện chính sách cách ly y tế để kiểm tra sức khỏe, ai cũng vui mừng, không còn lo lắng. Nhờ sự giúp đỡ tận tình, chu đáo của các y sĩ, bác sĩ và cán bộ, chiến sĩ đơn vị, tôi nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Sau 14 ngày cách ly, tôi cũng như các thai phụ khác được các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi tỉnh Sóc Trăng thăm khám, tư vấn và cho biết thai nhi phát triển tốt. Tôi và gia đình thật sự biết ơn Nhà nước, cảm ơn các y sĩ, bác sĩ, các anh bộ đội đã quan tâm, chăm sóc chu đáo. Còn với chị Hằng Nga, quê ở TP Đà Nẵng, là du học sinh I-ta-li-a, được cách ly tại Bệnh viện dã chiến - Trường quân sự BTL TP Hồ Chí Minh, hai tuần cách ly là những ngày đáng nhớ nhất, bởi được sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y sĩ, bác sĩ, hộ lý, cùng những bữa cơm ngon mỗi ngày đã giúp chị yên tâm, quên đi sự cô đơn. “Vào đây tôi đi có một mình, nhưng khi ra về tôi có cả một gia đình!”, chị Hằng Nga xúc động tâm sự.

Chia sẻ khó khăn bằng tấm lòng người lính

Trung tướng Trần Duy Giang, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về PCD Covid-19, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng về công tác PCD, với phương châm phát huy các nguồn lực, kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong và ngoài quân đội, kết hợp quân dân y, thực hiện “4 tại chỗ”, thời gian qua, Tổng cục Hậu cần đã tham mưu với Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng và phối hợp các cơ quan chức năng chỉ đạo thực hiện tốt công tác PCD; đến nay toàn quân chưa có trường hợp nào phát hiện nhiễm SARS-CoV-2; đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ giao; vận chuyển, tiếp nhận, cách ly y tế người nhập cảnh từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch về Việt Nam.

Tính đến ngày 20-3, toàn quân đã triển khai 103 điểm, tiếp nhận, cách ly y tế với tổng số 27.694 người, trong đó đã hết cách ly 16.729 người, hiện đang cách ly, theo dõi y tế 10.965 người. Với tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, Tổng cục Hậu cần đã chỉ đạo các đơn vị khắc phục khó khăn; chủ động dồn dịch doanh trại, điều tiết quân trang, sửa chữa điện, nước, bảo đảm ăn cho các đối tượng cách ly y tế tại các đơn vị quân đội với mức ăn thống nhất 57 nghìn đồng/người/ngày và nhu yếu phẩm 80 nghìn đồng/người/đợt. Đồng thời, khai thác, tạo nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm; xây dựng thực đơn hợp lý, tăng cường chế biến, cải tiến món ăn, đầy đủ chất dinh dưỡng bữa ăn hằng ngày của người được cách ly. Phối hợp bảo đảm đầy đủ vật tư văn hóa, tinh thần giúp công dân yên tâm cách ly, phòng dịch, tạo hình ảnh tốt đẹp của “anh Bộ đội Cụ Hồ”...

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Tổng cục Hậu cần vừa tham mưu, đề xuất Bộ Quốc phòng ban hành kế hoạch về phòng, chống và ứng phó với các cấp độ dịch Covid-19 trong quân đội và kế hoạch về tiếp nhận, cách ly y tế tại các đơn vị quân đội đối với người nhập cảnh từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 vào Việt Nam (giai đoạn 2); trước mắt, thực hiện ở 140 địa điểm, dự kiến cách ly được 44.700 người. Đồng thời, tiếp tục tham mưu với Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng và chỉ đạo cơ quan, đơn vị trong toàn quân quán triệt, thực hiện nghiêm túc các kế hoạch và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng về công tác PCD Covid-19; đồng thời làm tốt công tác dân vận trong việc PCD; tránh tư tưởng chủ quan, hoang mang, dao động trước những diễn biến phức tạp của dịch. Triển khai các hoạt động PCD trong toàn quân theo từng cấp độ, đi đôi tiếp tục chỉ đạo dồn dịch doanh trại và vật chất hậu cần phục vụ ăn ở, sinh hoạt, tiếp nhận, vận chuyển, cách ly công dân tại các doanh trại quân đội; vận chuyển nước uống và sinh hoạt cho các địa điểm cách ly tập trung khó khăn về nguồn nước...

Tại cuộc họp đánh giá kết quả và triển khai các nhiệm vụ cấp bách PCD Covid-19 giai đoạn 2, do Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về PCD Covid-19 tổ chức mới đây, Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về PCD Covid-19, nêu rõ: Thời gian tới dự kiến sẽ có rất đông trường hợp về Việt Nam, có thể lên đến hàng chục nghìn người, trong đó phần lớn là người Việt. Bộ Tổng Tham mưu, Cục Quân y phải có phương án nắm bắt, điều phối thông tin về các chuyến bay để sẵn sàng cho công tác PCD đến từng đơn vị. Đồng thời yêu cầu, các quân khu, bộ chỉ huy quân sự, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng các tỉnh tham mưu phát huy tốt vai trò “4 tại chỗ”. “Chúng ta là quân đội nhân dân. Quân đội không đòi hỏi điều gì. Thực hiện nhiệm vụ này là chúng ta lo phục vụ cho nhân dân. Trong điều kiện khó khăn này, tất cả là tinh thần người lính vì nhân dân phục vụ, chia sẻ khó khăn với nhân dân bằng tấm lòng, tình thương yêu, bản lĩnh…” - Thượng tướng Trần Đơn nhấn mạnh.

TRẦN QUYẾT, ĐẮC SƠN, THANH TÙNG, MẠNH HẢO và NGUYỄ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43710602-am-tinh-quan-dan-trong-dich-covid-19.html