Ấm tình quân dân nơi đảo xa

Đóng quân ngoài đảo xa, cách đất liền hàng trăm km, cán bộ, chiến sĩ các Đồn Biên phòng Nam Du, Đồn biên phòng Hòn Sơn, BĐBP Kiên Giang luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cùng với việc bảo vệ vững chắc, chủ quyền biển, đảo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn, 2 đơn vị còn phối hợp tốt với chính quyền địa phương chăm lo đời sống cho nhân dân trên địa bàn.

Cán bộ Đồn Biên phòng Hòn Sơn thăm hỏi, động viên, tặng quà thương binh Trương Văn Gần. Ảnh: Đ.B

Cán bộ Đồn Biên phòng Hòn Sơn thăm hỏi, động viên, tặng quà thương binh Trương Văn Gần. Ảnh: Đ.B

Tiếp sức cho trẻ em nghèo viết tiếp những giấc mơ...

Tuy đang kỳ nghỉ Hè, nhưng để gặp cháu Hàn Thị Ngọc Hà, chúng tôi phải đợi lúc chiều muộn. Vì theo Trung tá Lê Văn Nhiều, nhân viên Trạm kiểm soát Biên phòng Bãi Chệt, Đồn Biên phòng Nam Du, cháu Hà tranh thủ kỳ nghỉ Hè đi phụ mẹ bán vé số nên phải cuối giờ chiều mới về nhà. Quả vậy, đợi đến lúc gần tắt nắng, chúng tôi đến nhà cũng là lúc cháu Hà cùng mẹ vừa trở về sau một ngày đi bộ quanh đảo để bán vé số...

Tổ ấm của gia đình cháu Ngọc Hà là căn nhà nhỏ đơn sơ nằm nép mình nơi làng chài thuộc ấp Bãi Ngự, xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Điều làm chúng tôi bất ngờ là trong căn nhà nhỏ đó có tới mấy chục tờ giấy khen học sinh khá, giỏi các cấp, được dán ngay ngắn, cẩn thận trên vách nhà. Đó là phần thưởng dành cho sự nỗ lực, vượt khó của Ngọc Hà cùng 3 chị em gái trong gia đình. Chị Nguyễn Thị Kim Tường, mẹ cháu Ngọc Hà cho biết, nhà nghèo nhưng được cái cả 4 chị em gái đều ngoan, chăm học và chịu khó. Những tấm giấy khen đó cũng là nguồn động viên lớn nhất đối với gia đình...

Hoàn cảnh gia đình chị Kim Tường khá éo le. Chồng bị bệnh tật, ốm đau suốt, không làm nghề đi biển được. Tài sản, vốn liếng không có nên cả nhà đành trông chờ vào từng tập vé số. Chị Kim Tường cho biết, hôm nào may mắn, cả 2 vợ chồng bán được 300 tờ vé số, kiếm được 300.000 đồng tiền lời. Hôm nào mưa gió, ế ẩm, chỉ kiếm được trên dưới 100.000 đồng. “Được cái trời thương, các cháu ngoan, chịu khó, ngày nghỉ phụ ba mẹ đi bán vé số nên cũng rau cháo đắp đổi qua ngày”- Chị Tường chia sẻ...

Con gái đầu của chị Tường năm nay thi đại học. Cháu Ngọc Hà vừa học xong lớp 10 Trường Trung học cơ sở An Sơn, huyện Kiên Hải và 2 cháu còn lại vào lớp 6 và lớp 2. Nhà nghèo nhưng anh chị vẫn cố gắng cho các cháu theo học. “Chi phí đi học ở xã đảo không nhiều như trong đất liền. Một năm, một cháu chỉ đóng 700.000 đồng tiền học phí. Ngọc Hà vì có sự hỗ trợ của các chú Biên phòng nên được mẹ “ưu tiên” đóng 200.000 đồng/tháng để học thêm tiếng Anh. Vợ chồng tôi rất mừng khi được BĐBP giúp đỡ và có thêm niềm tin để cho cháu Ngọc Hà theo đuổi con đường đến trường” - Chị Kim Tường cho biết.

Theo Trung tá Lê Văn Nhiều, gia đình chị Kim Tường thuộc diện khó khăn. Từ năm 2017 đến nay, hưởng ứng Chương trình “Nâng bước em tới trường”, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nam Du đã trích lương, phụ cấp hỗ trợ cháu Ngọc Hà mỗi tháng 500.000 đồng. Số tiền tuy nhỏ nhưng đã góp phần động viên, khích lệ cháu trong học tập. Ngoài Ngọc Hà, đơn vị còn hỗ trợ cho 4 cháu học sinh trên địa bàn thuộc diện gia đình khó khăn, có tinh thần vượt khó, vươn lên trong học tập.

Sẻ chia với những người đi trước

Tạm biệt xã đảo An Sơn, vượt trên 50km đường biển, chúng tôi đến Đồn Biên phòng Hòn Sơn. Trao đổi với chúng tôi xoay quanh chủ đề nghĩa tình quân dân cá nước nơi hòn đảo tiền tiêu này, anh Giang Văn Tài, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lại Sơn cho biết: “Đồn Biên phòng Hòn Sơn từ lâu đã được xem như là điểm tựa của người dân 2 xã đảo Lại Sơn và Hòn Tre, huyện Kiên Hải. Hễ gặp khó khăn gì trong cuộc sống, nhất là những vấn đề liên quan đến cứu nạn, cứu hộ, thiên tai, hỏa hoạn..., người dân ở đây đều nhờ đến đồn Biên phòng. Bất cứ lúc nào người dân cần, các anh đều có mặt. Không chỉ làm tốt công tác giữ gìn chủ quyền biển, đảo, an ninh trật tự trên địa bàn, đơn vị còn tích cực, chủ động tham gia cùng với chính quyền địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...

Thượng tá Đặng Văn Mạnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòn Sơn cho biết, ngoài việc hỗ trợ 4 cháu học sinh theo chương trình “Nâng bước em tới trường” (từ năm 2016), đơn vị còn phụng dưỡng một thương binh. Gần đây nhất, Đồn Biên phòng Hòn Sơn đã vận động các nhà hảo tâm trên 500 cục xà bông sát khuẩn, gần 2.000 chiếc khẩu trang, 1 tấn gạo, cá khô, nước mắm và gần 50 triệu đồng tiền mặt để hỗ trợ bà con khó khăn trên địa bàn...

Cháu Ngọc Hà luôn cố gắng vượt qua hoàn cảnh để vươn lên trong học tập. Ảnh: Đ.B

Đại úy Nguyễn Hữu Hồng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hòn Sơn đưa tôi tới thăm nhà của thương binh Trương Văn Gần, ở ấp Thiên Tuế, xã Lại Sơn. Vừa tới đầu hẻm nhỏ, chúng tôi đã nghe tiếng rổn rảng của ông Gần. Ông nói, chỉ cần nghe tiếng xe máy là biết mấy anh em Biên phòng ghé thăm. “Anh em thường ghé qua nhà chơi, thăm hỏi, động viên, nên nghe riết thành quen, nhớ luôn cả tiếng tiếng xe máy. Tuần nào mấy anh em bận công việc không ghé là thấy nhớ” - Ông Gần nói, giọng oang oang đúng kiểu dân biển. Ông Gần kể, năm 1977, khi vừa tròn 19 tuổi, ông nhập ngũ. Sau gần một năm chiến đấu ở chiến trường Campuchia, ông bị thương, chân phải bị cắt từ đầu gối xuống. Hiện nay, ông Gần hưởng mức trợ cấp thương binh ¾, mỗi tháng được 4.100.000 đồng.

Theo Đại úy Nguyễn Hữu Hồng, tuy bị cưa mất một chân nhưng trước kia ông Gần cũng chịu khó đi làm, kiếm thêm thu nhập nên chi tiêu tằn tiện cũng đủ sống. Năm 2007 và 2010, vợ ông bị 2 lần tai biến, ngoài tiền ăn uống hằng ngày còn phải lo thêm tiền thuốc nên cuộc sống của gia đình ông gặp khó khăn. Nhằm góp phần chia sẻ một phần với hoàn cảnh của người cựu chiến binh Trương Văn Gần, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Sơn đã hỗ trợ ông với số tiền 1 triệu đồng/tháng.

“Quan trọng nhất vẫn là tình cảm, là nghĩa tình đồng đội. Mỗi khi mấy anh em Biên phòng xuống thăm nhà, tôi vui lắm, cảm giác như thấy mình trẻ ra, y như hồi còn ở trong quân ngũ”- Ông Gần tâm sự.

Đ.B

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/am-tinh-quan-dan-noi-dao-xa-post432647.html