Ấm tình nơi lằn ranh sinh tử

Giữa lằn ranh của sự sống và cái chết ở bệnh viện, nhiều người vẫn cảm thấy ấm lòng vì những 'chuyện nhỏ' mà các y bác sĩ, Mạnh thường quân nơi đây dành cho mình.

Người dân vui mừng được mua đồ giá trẻ tại gian hàng chia sẻ yêu thương của BV Nguyễn Tri Phương

Người dân vui mừng được mua đồ giá trẻ tại gian hàng chia sẻ yêu thương của BV Nguyễn Tri Phương

Vừa vô thuốc, vừa thư giãn

Trong tiếng nhạc du dương, có người phục vụ bánh, nước miễn phí…, những bệnh nhân đến truyền hóa chất tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đã vượt qua một cách nhẹ nhàng suốt 4 tiếng đồng hồ với biết bao sự khó chịu cho cơ thể do tác dụng phụ của thuốc gây ra.

Mới hơn 7h sáng thứ Hai đầu tuần, tại khu vực Phòng Điều trị 1 và 2 của Khoa Hóa trị Trung tâm Ung bướu BV Chợ Rẫy, khá đông bệnh nhân đến chờ đợi. Khá mệt mỏi khi vô thuốc, bà Minh Trang (63 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TPHCM) bỗng nghe cô y tá nhỏ nhẹ mời: “Bà có đói bụng, khát nước không? Con lấy cho bà nhé! Bà ráng ăn uống để có sức khỏe thì thuốc mới có hiệu quả
tốt nhất”.

Bà Trang cho hay trước khi đến viện, bà cứ lo lắng phòng bệnh đông đúc, nhân viên y tế bận rộn, khó chu đáo. Nhưng đến nơi, bà được vào làm thuốc đúng hẹn, chỗ ngồi rộng rãi, máy lạnh mát mẻ, có wifi tốc độ cao để gọi video về nhà. Ngoài ra, có sách báo, tivi chiếu các chương trình giải trí, có nhạc không lời mở vừa đủ nghe, lại dễ ngủ. “Hầu như không có mùi thuốc sát trùng khiến tôi ám ảnh. Bệnh nhân được đối xử như khách VIP. Nhờ vậy tôi cảm nhận thời gian vô thuốc cũng trôi qua mau hơn; có các y bác sĩ động viên, đau đớn do bệnh tật cũng vơi đi ít nhiều” - bà Trang tâm sự.

Gần hai tháng qua, lúc 8h30 và 15h mỗi ngày, tại Khoa Hóa trị Trung tâm ung bướu BV Chợ Rẫy đều có xe nước giải khát phục vụ người bệnh đến truyền thuốc. Đẩy xe chở hai bình nước chanh mật ong, nước lọc cùng đầy ắp bánh ngọt vào phòng truyền hóa chất, chị Văn Thị Ngọc Bích, nhân viên phòng Công tác Xã hội BV Chợ Rẫy kể, những ngày đầu, bệnh nhân không dám nhận vì sợ phải trả tiền. Chị giải thích các phần đồ ăn đều miễn phí. Đến nay, bệnh nhân và người nhà đã quen hơn với cách phục vụ này. “Ai cũng vui vẻ nhận bánh, chọn nước. Nhìn các cô bác ngon miệng, tôi cũng vui lây” - chị trải lòng.

BS CK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết, đối với một người khi được chẩn đoán là ung thư đó là cú sốc lớn trong cuộc đời. Khi được bác sĩ chỉ định phải truyền hóa chất vào cơ thể để điều trị ung thư sẽ khiến cơ thể người bệnh khó chịu ảnh hưởng đến tâm lý, đau đớn về thể xác. Vì vậy, trong điều kiện cho phép, bệnh viện triển khai chuỗi hoạt động này và giao cho phòng Công tác xã hội thực hiện, với mong muốn người bệnh thoải mái về tinh thần và ít khó chịu về thể xác trong lúc đang truyền hóa chất.

“Một miếng bánh, một ly nước phục vụ cho cô bác trong quá trình truyền thuốc không phải ly nước miếng bánh bình thường, mà chứa chan tình cảm của tập thể y, bác sĩ của bệnh viện dành cho bệnh nhân ung thư. Chúng tôi muốn, khi người bệnh truyền hóa chất trên một cái ghế thì ghế đó phải tương đương với ghế hạng thương gia khi đi máy bay” - bác sĩ Thức chia sẻ.

“Chợ” yêu thương

Ngày 19/10, chúng tôi đến Gian hàng chia sẻ yêu thương đặt tại BV Nguyễn Tri Phương. Không giấu được niềm vui khi mua được những món đồ mong muốn cho mình và con trai với giá cực rẻ, chị Thu Hà (26 tuổi, quê Nghệ An) bộc bạch: “Con mình bị phát hiện suy tim nên phải ở lại bệnh viện điều trị dài ngày. Gia đình khó khăn, có bao nhiêu tiền đều dành cho con trị bệnh, nhiều khi cũng muốn mua vài món đồ chơi con thích mà không dám. Nay thấy bệnh viện có gian hàng đồ chơi, quần áo nên mình vào xem thử, không ngờ giá ở đây rất rẻ. Mình mua được cho hai mẹ con vài bộ đồ mới, thêm món đồ chơi con thích chưa hết 100.000 đồng”.

Trong quầy hàng này có đủ các mặt hàng từ quần áo, giày dép, bóp ví, đồ chơi, điện gia dụng… có giá từ 5.000-50.000 đồng/món. Tất cả đều là đồ mới, được sắp xếp ngăn nắp trên các quầy kệ, niêm yết giá cụ thể để người dân yên tâm chọn lựa. BS CKII Võ Đức Chiến, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương bộc bạch: “Xung quanh chúng ta vẫn còn nhiều mảnh đời khó khăn, thiếu thốn cùng với những lo toan cơm áo hàng ngày. Những mảnh đời ấy càng gặp nhiều cảnh ngặt nghèo khi phải đối mặt với bệnh tật. Nhằm chia sẻ và đồng hành cùng người bệnh, Phòng Công tác Xã hội BV Nguyễn Tri Phương đã kêu gọi đóng góp và triển khai một gian hàng “Chia sẻ yêu thương”. Đây là chuỗi hoạt động thể hiện tinh thần tương thân tương ái với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, một chút sẻ chia đong đầy hạnh phúc”.

Bệnh nhân truyền hóa chất được phục vụ như khách thương gia tại BV Chợ Rẫy

“Đến bệnh viện không lo đói, rét” là nhận định của chị Hoàng Thị Thu (quê Nha Trang) nói khi gặp tôi ở BV Chợ Rẫy. Nói rồi chị cầm cặp lồng, rủ tôi đi lấy cơm từ thiện. Tại khu vực có dán tấm bảng “bếp yêu thương”, khá đông người đã đến từ sớm, trật tự xếp hàng chờ đến phần. Những phần cơm nóng sốt, đủ các món lần lượt đưa đến từng người. Chị Thu rưng rưng nói, ngày nào chị cũng được cơm 3 bữa ấm bụng, thức ăn ngon lại vệ sinh. Cũng nhờ vậy nên tiết kiệm được khoản tiền nhỏ để lo thuốc thang cho người nhà.

Theo BV Chợ Rẫy, các tổ chức thiện nguyện thường xuyên phát cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở ngoài khuôn viên bệnh viện trong điều kiện nắng nóng, khói bụi và bất tiện khi trời mưa gió. Để khắc phục khó khăn này, BV đã xây dựng “Bếp yêu thương” khang trang và sạch sẽ đặt ngay trong bệnh viện để việc cho - nhận cơm được thuận lợi, an toàn, bảo đảm vệ sinh.

Mỗi năm, bệnh viện ký kết với các tổ chức từ thiện, Mạnh thường quân để chăm lo bếp ăn cho bệnh nhân nghèo. Không chỉ lo thức ăn ngon, giúp bệnh nhân và người nhà bệnh nhân dễ ăn mà bệnh viện còn phải lo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Bởi, những người bệnh điều trị tại BV Chợ Rẫy phần lớn mắc bệnh nặng, ốm yếu, kiệt quệ, nếu xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm rất nguy hại. Chính vì thế, BV vận động các Mạnh thường quân, tạo điều kiện xây dựng bếp ăn khang trang, rộng rãi để các chi hội từ thiện thuận tiện phát cơm cho bệnh nhân.

“Những việc làm nhỏ như thế này nhưng sẽ giúp người bệnh cảm thấy ấm lòng, thư giãn… giúp họ có thêm sức mạnh và niềm tin để chiến đấu chống lại bệnh tật” - Th.s Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy chia sẻ.

Thay vì kê các giường sắt, trải ga trắng thông thường, khu vực truyền hóa chất được lắp đặt hơn 100 ghế da chất lượng cao, có chỗ kê chân. Bác sĩ lý giải, mỗi năm Trung tâm Ung bướu BV Chợ Rẫy tiếp nhận 30.000 bệnh nhân điều trị truyền hóa chất, nếu kê giường sẽ khá tốn diện tích, chật chội và phải nằm chung. Không gian giường bệnh cũng dễ làm tinh thần bệnh nhân nặng nề. Thời gian tới, trung tâm hướng tới nâng cấp ghế ngồi có thêm chức năng massage, có thể ngả ra thành ghế nằm như trên khoang máy bay hạng thương gia, đồng thời lắp đặt điện thoại thông minh, máy tính bảng phục vụ người bệnh miễn phí.

Uyên Phương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/am-tinh-noi-lan-ranh-sinh-tu-1737906.tpo