Ấm tình người vùng biên

Đầu giờ sáng mùa đông lạnh buốt, chúng tôi cùng với đoàn công tác của Hội LHPN tỉnh và các đơn vị cùng đồng hành về xã Bát Mọt (Thường Xuân). Con đường cua tay áo khiến chúng tôi có cảm giác say xe. Dừng chân ở trung tâm xã cũng là lúc trời hửng nắng. Bữa cơm trưa thật vội, sắp xếp đồ cũng thật nhanh để còn kịp chuẩn bị cho chương trình trao quà và Phiên chợ 'Ấm tình biên cương' do Hội LHPN Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Hội LHPN tỉnh, BĐBP tỉnh tổ chức. Chương trình đã huy động nguồn lực hơn 400 suất quà và phát phiếu mua hàng miễn phí, tổng trị giá hơn 500 triệu đồng. Ngoài ra, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa còn khám, tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn xã.

Phiên chợ “Ấm tình biên cương” xã Bát Mọt (Thường Xuân).

Nhận những phần quà trên tay là chiếc áo ấm, học bổng, các nhu yếu phẩm cần thiết... những hộ nghèo, học sinh nghèo vượt khó, những bí thư, trưởng thôn, người có uy tín, người bảo vệ cột mốc biên giới xã Bát Mọt... đều rất phấn khởi. Chứng kiến niềm vui của bà con được nhận quà, tham gia phiên chợ mua hàng miễn phí với tinh thần hồ hởi và nở nụ cười ấm áp, khiến chúng tôi ấm lòng. Nhưng đó là những hỗ trợ tạm thời, còn về lâu dài mang tính bền vững thì đã được hai ngành phụ nữ, biên phòng và các đơn vị đồng hành thực hiện qua Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, giai đoạn 2018-2020” với 4 mô hình sinh kế (hỗ trợ nuôi bò, dê, lợn nái đen, vịt), hướng dẫn sản xuất lúa, trồng rau... góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.

Đồng chí Lương Thị Chai, Chủ tịch Hội LHPN xã Bát Mọt cho biết: Chương trình đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 51% (năm 2018) xuống còn 10,56% (năm 2020). Cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân yên tâm gắn bó, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền, BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Trong một chuyến đi công tác, chúng tôi chứng kiến rất nhiều hội viên, phụ nữ xã Trung Lý (Mường Lát) xếp hàng rất nghiêm túc để nhận trao hỗ trợ 250 con vịt bản địa sinh sản và 15 kg thức ăn/hộ của Hội LHPN tỉnh. Chị Giàng Thị Dụ, bản Ón bày tỏ vui mừng: “Chị em chúng tôi háo hức mong chờ ngày được nhận con giống. Chúng tôi sẽ nhân đàn tốt, chắc chắn sẽ sớm thoát nghèo”.

Trung Lý là xã cửa ngõ của huyện Mường Lát có gần 8 km đường biên giới, 15 bản giáp biên, đời sống của bà con nơi đây rất khó khăn, do đó, nhu cầu được hỗ trợ phát triển sản xuất, bồi dưỡng nâng cao kiến thức là rất cần thiết. Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh, trong 3 năm đồng hành cùng phụ nữ biên cương đã hỗ trợ xã Trung Lý 5 mô hình tổ hợp tác chăn nuôi bò, dê, vịt do phụ nữ làm chủ, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức... giúp nhiều hội viên có động lực sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Những chuyến đi mang theo bao yêu thương, chia sẻ cả về vật chất và tinh thần đã làm ấm tình vùng biên. Những đêm mùa đông gió không còn thốc mạnh sau những phên nứa, những ngôi nhà gỗ dựng tạm mà thay vào đó là những mái ấm tình thương kiên cố, những vật nuôi được chăn thả, nuôi nhốt khoa học để tăng giá trị thu nhập. Hội viên, phụ nữ và người dân nơi đây đã dần thay đổi nhận thức, từ những người phụ nữ e dè, chậm chạp, các chị biết cách tổ chức sản xuất và duy trì, nhân rộng mô hình được hỗ trợ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong sinh hoạt gia đình, các chị đã biết tổ chức, sắp xếp công việc, nuôi dạy con cái, vận động chồng, con tránh xa các tai tệ nạn xã hội.

Đồng chí Ngô Thị Hồng Hảo, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: Chương trình được Hội LHPN tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh huy động gần 11 tỷ đồng triển khai các hoạt động hỗ trợ theo hướng phát huy nội lực của phụ nữ và thế mạnh của địa phương. Nhiều chương trình được tổ chức lan tỏa sâu rộng, như: “Xuân Đoàn kết – Tết Biên cương”, “Vầng trăng biên cương”, phiên chợ truyền thông “Phòng chống tệ nạn xã hội và mua bán người” đã tác động sâu sắc đến nhận thức, hiểu biết của người dân. Qua đó, khơi dậy ý chí vươn lên, phát huy nội lực, huy động sự chung tay của xã hội đồng hành cùng phụ nữ biên cương, để phụ nữ biên cương góp sức cùng với lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc vùng biên của Tổ quốc.

30 mô hình sinh kế, 9 câu lạc bộ “Phòng chống tệ nạn xã hội, mua bán người” được thành lập, tặng 59 mái ấm tình thương, xây nhiều công trình trong thôn bản, gần 10.000 suất quà, cấp thuốc miễn phí cho hội viên, phụ nữ và Nhân dân các xã biên giới... là những con số tăng dần theo cấp số nhân qua thực hiện các hoạt động hướng về vùng biên đã giúp 32/138 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới. Các đồn biên phòng còn phân công 542 đảng viên trực tiếp phụ trách 2.782 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ trên 3.000 con giống, dụng cụ sản xuất, thức ăn chăn nuôi, giúp dân trồng cây táo mèo, chăn nuôi gia cầm, dê, lợn ở các xã Pù Nhi, Tén Tằn, Quang Chiểu (Mường Lát), trồng ngô, rau 2 vụ ở xã Bát Mọt (Thường Xuân), tặng hàng trăm suất học bổng “Nâng bước em đến trường” cho các em học sinh đến hết 18 tuổi...

Vùng biên hôm nay đang “ấm” dần lên bởi luôn có sự đồng hành của Đảng, Nhà nước, của người dân khắp mọi miền.

Bài và ảnh: Lê Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/am-tinh-nguoi-vung-bien/131544.htm