ẨM THỰC TRONG DỊP TẾT

Ẩm thực trong những ngày Tết Nguyên đán luôn thể hiện những nét văn hóa hết sức đa dạng, phong phú và mang đậm dấu ấn dân tộc. Tết là dịp để mọi người được trở về, sum vầy bên gia đình. Dù cuộc sống có bao nhiêu thay đổi, dù mỗi thế hệ có trưởng thành, hội nhập và hiện đại đến đâu, thì bữa ăn truyền thống ngày Tết vẫn luôn nguyên vẹn trong trái tim, tinh thần và nếp sống của mỗi người dân chúng ta. Nó cũng mang đậm nét văn hóa vùng miền trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Trong tiết trời lạnh rét, bà con miền Bắc sẽ dày công làm các món ăn, như: Bánh chưng, giò lụa, dưa hành, nem rán, canh măng chân giò, cá kho, thịt đông... bên sắc hoa đào hồng thắm. Người dân miền Trung thích công phu với món bánh tét, nem chua, tré, thịt dầm... bên cành mai vàng rực rỡ. Còn bà con vùng sông nước Nam Bộ không thể thiếu thịt kho tàu, khổ qua dồn thịt, bánh tét, tôm khô củ kiệu… bên những chậu lan hồ điệp và mai vàng trong sắc nắng. Dù có phong phú về món ăn đến thế nào, thì bữa cơm ngày Tết luôn hết sức đầm ấm, gắn kết mọi người trong gia đình, họ hàng, bạn bè với nhau để hàn huyên chuyện năm cũ, bàn tính việc năm mới. Do đó, trong tâm hồn của mỗi người dân nước Việt, dù ở vùng nào, xứ nào thì mâm cơm ngày Tết luôn gắn kết tình thân và mang ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc.

 Ảnh minh họa: vietnmanet.vn.

Ảnh minh họa: vietnmanet.vn.

Tuy nhiên, để những bữa ăn ngày Tết thực sự đầm ấm, vui vẻ, có lợi cho sức khỏe, cần phải chuẩn bị chu đáo và bảo đảm an toàn tuyệt đối. Trước hết, chúng ta phải lựa chọn sử dụng các loại lương thực, thực phẩm tươi sống, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng và được bảo quản một cách khoa học. Nếu nghi ngờ, hoặc phát hiện thực phẩm kém chất lượng, cần chủ động loại bỏ, hoặc báo ngay cho cơ quan chức năng đến kiểm tra, xử lý. Tiếp đó, những người nội trợ cần phải bảo đảm về vệ sinh cá nhân, dụng cụ chế biến các món ăn; phải tuân thủ nguyên tắc nấu nướng thức ăn là: Chín, sôi, ngon, bổ. Mâm cơm ngày Tết cũng cần được bày biện hợp lý, bắt mắt, đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc.

Ngoài những vấn đề trên, mỗi gia đình cần lập thực đơn cho từng bữa, bảo đảm cân đối nguồn dinh dưỡng cho từng ngày, từng người. Chúng ta cũng nên ăn đủ ngày ba bữa, ăn ít chất bột đường, ít chất béo, hạn chế thấp nhất việc uống rượu, bia; nên ăn nhiều thịt nạc, rau, củ, quả, trái cây; tránh ăn nhiều bánh kẹo và ăn quá nhiều trong một bữa vì cơ thể chưa kịp tiêu hóa lại ăn tiếp bữa khác sẽ làm tăng cân nhanh. Bên cạnh đó, các gia đình không nên tích trữ quá nhiều thức ăn trong tủ lạnh để ăn dần, tránh đồ ăn bị nhiễm khuẩn gây hại cho sức khỏe. Dịp Tết cũng khuyến cáo các tiểu thương phải cung cấp lương thực, thực phẩm bảo đảm an toàn nhất cho thị trường. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp buôn bán thực phẩm kém chất lượng, có hại cho sức khỏe của cộng đồng.

Ẩm thực Tết là một nét văn hóa đặc sắc, bữa ăn ngày Tết là dịp sum vầy đầy yêu thương, đầm ấm-đó là một phần rất quan trọng, không thể thiếu trong những ngày vui xuân, đón Tết của chúng ta. Vì thế, những bữa ăn, bữa tiệc ngày xuân cần được mọi người chung tay chuẩn bị chu đáo, gửi gắm thật nhiều tình cảm của mình vào từng món ăn, bữa ăn, để Tết cổ truyền của mỗi người, mỗi nhà thực sự an toàn, tiết kiệm, vui tươi, thêm mạnh khỏe để bước vào năm mới đầy khí thế.

LÊ PHI HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/am-thuc-trong-dip-tet-608174