Ẩm thực đường phố Hà Thành: 'Thiên đường' trên mặt đất

Hà Nội là miền đất nổi tiếng về nghệ thuật ẩm thực, trong đó ẩm thực đường phố đã tạo nên bản sắc rất riêng không lẫn vào đâu. Cái hay của Hà Nội, ở đâu có phố, có ngõ ngách ở đó có quán ăn. Ẩm thực đường phố không có 'cao lương mỹ vị', nhưng đã chinh phục du khách gần xa, đến nỗi không ít hãng thông tấn quốc tế phải dùng đến những ngôn từ mỹ miều 'thiên đường ẩm thực'…

Nhiều người ưng cái bụng, mong mỏi được ngồi trong những quán hàng giản dị, nằm sâu trong ngõ, chứ nhất định không chịu tụ tập bạn bè ở mặt tiền phố lớn, ngã ba ngã tư đông đúc. Vì ngồi trong ngõ hẹp nên việc tụ tập cũng chỉ là những nhóm nhỏ, dăm ba người ngồi sát vào nhau. Thậm chí chân chạm chân. Đi lại phải gượng ghẹ, từ tốn, lách chỗ này, né chỗ kia. Như thế càng chứng tỏ sự thân tình của các nhóm bạn, đối tượng ngồi cùng mâm với mình.

Do ngồi sát nhau như vậy nên dễ cảm thụ lời nói của nhau, dễ chia sẻ và nhất là không cần phải nói to. Như mấy ông bạn họa sĩ của tôi thích nhâm nhi mấy chai bia, một chai rượu nhỏ với món nem chua rán ở Hội Quán, số 36 ngõ Tạm Thương. Đó là một con ngõ nhỏ, không dài, nối với phố Hàng Bông sầm uất. Hỏi vì sao đến con ngõ có phần u trầm này uống bia, nhâm nhi cảnh vắng lặng, với những bức tường cũ, xám bó trong không gian chật hẹp?.

Bạn trả lời rằng, không phải cứ xô bồ mới hay. Đôi khi thưởng thức cái sự chật hẹp, ngồi vỉa hè uống rượu, trò chuyện với những bức tường cũ, với sự hoang vắng nó lại tạo cảm hứng sáng tạo khủng khiếp. Cũng có ý kiến rằng đôi khi chán sự đông đúc thì ngồi nơi vắng vẻ, dù là trong trung tâm phố cũ.

Tôi cũng thưởng thức đôi lần và thành quen. Quen đến mức mỗi tuần phải rủ bạn bè đến một lần. Quen đến mức đi xa là nhớ. Như nhớ bốn mùa Hà Nội thân thương và phải về bằng được để nhâm nhi cùng bạn bè. Thật thích thú khi được ngồi cùng người tri âm, đúng quán quen đó vào những ngày đặc biệt, hoặc kể cả lúc vui, khi buồn.

Một quán hàng không tên, phía đối diện số nhà 36 cũng chỉ gồm ba cái bàn nhỏ, kê mấy chiếc ghế gỗ cũng nhỏ nhắn, xinh xắn. Vậy mà tạo được ấn tượng cho không ít nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh. Chủ quán là một người phụ nữ chừng 50 tuổi.

Chị bảo: “Mỗi ngày tôi đón vài mâm khách, không cần đông, chẳng ồn ào, cứ thế túc tắc sống. Nhờ những vị khách thích hoài niệm, trốn sự ồn ào nên những người bán hàng lâu năm như chúng tôi vẫn còn đất sống”. Ngoài quán của chị, tôi cũng thích ngồi ăn phở, ăn quà trong ngõ 23 Phan Huy Ích, nơi có thể vừa ăn vừa ngắm nhìn vóc dáng của một khu tập thể cũ, với những bức tường cổ kính rêu phong. Đó là cách tôi có thể tâm sự với lòng mình, với phố và nhấn nhá sự trầm lắng sau một ngày làm việc mệt nhọc.

Các cụ có câu “ăn hết nhiều chứ ở hết bao nhiêu”, càng chứng tỏ, chuyện ăn uống quan trọng biết nhường nào với con người. Theo các nhà văn, văn hóa ẩm thực là một nghệ thuật nấu nướng, pha chế và nghệ thuật thưởng thức tinh tế, cầu kỳ mang đậm bản sắc dân tộc, ẩn chứa những triết lý sâu xa...

Phố Tạ Hiện

Phố Tạ Hiện

Sau này, ngay cả những người tuổi chưa nhiều cũng có cách thưởng thức văn hóa ẩm thực trong ngõ, hẻm cũng rất tinh tế và tạo thành nề nếp văn hóa. Có phải vì thế, nem chua rán cứ phải về ngõ Tạm Thương, với 7 quán hàng đã trở thành thương hiệu, thu hút cả những bạn trẻ thích “gam trầm” trong cuộc sống này?

Các con phố nổi tiếng với ẩm thực, nhất là ẩm thực ban đêm là ngõ Cấm Chỉ, ngõ chợ Đồng Xuân, ngõ Tràng An, ngõ Huế, ngõ Huyện… Mỗi ngõ chỉ dài vài trăm mét, thậm chí vài chục mét, ấy thế mà có vô vàn món ăn vừa sang trọng vừa bình dân. Nhiều quán ăn đến nỗi những thực khách chuyên đến khu vực này cũng chưa từng ăn hết tất cả các món.

Nhưng đó là những con ngõ đã rất sang, phục vụ khách không chỉ ban ngày, mà buổi tối cũng khá đông đúc. Nhiều hàng cơm, bún phở, vịt, ngan nằm trong những con ngõ rất nhỏ trên phố Hàng Trống, Hàng Bông, Hàng Nón, Hàng Khay, Đường Thành… nhưng thu hút đông thực khách là những người làm việc trong khu vực chung quanh những quán hàng đó. Người ta ngầm hiểu, trong vùng đô thị lõi, tấc đất tấc vàng, chỉ cần quán hàng nhỏ nhoi thế thôi, đã cho thu nhập rất cao.

Cũng bởi, nếu là quán ngon, thực khách sẽ mách nhau đến ngày một đông. Đông đến mức có lúc không còn chỗ ngồi mà nhóm sau phải đứng chờ nhóm trước ăn xong để được ngồi xuống. Điển hình như quán ngan ở số nhà 31 Lý Quốc Sư, đối diện ngõ Huyện có mặt tiền hẹp và cửa cũng rất hẹp. Nơi đây buổi trưa nào cũng nườm nượp khách.

Ngoài ngồi ở hai gian phòng nhỏ tầng dưới, khách có thể lách qua mấy gian nhà cũ, leo lên cầu thang cũ, rêu phong, nhỏ xíu để đến một gian phòng của một ngôi nhà khác, có ban công rộng hơn. Trên này có thể ngồi được cỡ chục mâm. Điều đáng nói, nơi này là một xóm gồm 5 hộ dân, nhưng bằng cách “chia sẻ”, họ đã thống nhất dành không gian để phục vụ thực khách.

Ở Hà Nội, tập thể một nhóm gia đình chung tay kinh doanh kiểu này không ít. Cùng một không gian, nếu chỉ một gia đình làm thì sẽ ảnh hưởng đến những hộ còn lại. Nhưng chung tay thì tất thảy được hưởng lợi. Thậm chí có nơi các hộ gia đình thay phiên nhau, buổi sáng gia đình này bán hàng ăn sáng, buổi tối gia đình khác bán đồ nhậu. Cùng cộng sinh, buôn bán và hưởng lợi.

Chuyện ăn uống, có lúc chẳng cần phải cao lương mỹ vị. Quan trọng hơn là một chỗ ngồi, cách “khép mình vào hồn ngõ”, để tận hưởng những cảm giác chầm chậm, nhẹ nhàng nhưng rất đỗi sâu lắng.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/am-thuc-duong-pho-ha-thanh-thien-duong-tren-mat-dat-102398.html