Âm thầm sách cũ

Đã có một thời sách cũ 'lên ngôi' ở Hà Nội. Người đam mê sách cũ không chỉ tìm mua để có bộ sưu tập sách quý, mà còn để phục vụ việc dạy và học, bổ sung kiến thức.

Qua thời gian, với sự phát triển của ngành Xuất bản, internet, công nghệ thông tin, thị trường sách cũ dần thu hẹp. Nhưng đâu đó ở Thủ đô, người yêu sách, người sưu tầm sách vẫn có thể tìm thấy những hiệu sách cũ nổi tiếng ngày nào.

Hiệu sách cũ của anh Lê Văn Hợp tại khu tập thể Bách Khoa.

Một thời hoàng kim

Khoảng ba chục năm về trước, khi mạng internet chưa phổ biến, chưa có sự xuất hiện của smartphone, được cầm trên tay một cuốn sách, tờ báo là niềm vui của nhiều người. Đó là thời mà những hiệu sách cũ luôn có kẻ ra người vào tấp nập, niềm hạnh phúc của người chơi sách là tìm được một cuốn sách hay, sách “độc” với giá “vừa túi tiền”.

Ông Lương Cảnh Dư, một người bán sách cũ tại số nhà 180 phố Bà Triệu, nổi tiếng với biệt danh Dư “ngông” và lối bán sách “không giống ai”, hào hứng kể rằng: “Khi đất nước mới mở cửa hội nhập, nhiều người nước ngoài tìm hiểu Việt Nam thông qua sách báo cũ. Họ ghé cửa hàng tôi để tìm tư liệu và có lẽ cái “thư viện già” này để lại ấn tượng mạnh đối với họ. Năm 1996, vô tình thấy hình ảnh hiệu sách của mình trên một trang báo của Đức, tôi biết rằng người nước ngoài rất hứng thú với văn hóa và sách báo của Việt Nam”. Ông Dư ép cẩn thận trang báo đó, như một cách nâng niu thành tựu của bản thân. Ông kể, thời đó cửa hàng thường xuyên đón những vị khách nước ngoài hay những bậc lão làng trong giới nghiên cứu. Họ hỏi ông về những cuốn sách cổ trong lĩnh vực của mình. Có những người đến đây vì đam mê sách cổ, để sưu tầm những cuốn sách giá trị về một thần tượng nào đó. Với những vị khách ấy, ông trân quý và lưu tâm, tìm cho bằng được cuốn sách mà họ muốn có, đơn giản bởi “họ có đam mê tìm tòi và họ biết mình cần gì”.

Đó chính là khoảng thời gian hoàng kim của nghề kinh doanh sách cũ. Nói về việc này, không thể bỏ qua “thiên đường sách cũ” - đường Láng. Khoảng 20 năm trước “phố sách” này luôn nhộn nhịp, sôi động bán mua, người và sách tràn cả ra hè phố. Dịp cuối tuần, sinh viên thường ghé qua bởi sách cũ ở đây được bán với giá phải chăng, phù hợp với túi tiền của họ. Có thể nói, đây chính là nguồn khách lớn nhất của những hiệu sách cũ. Bên cạnh những cuốn sách giáo khoa cũ, thứ được không ít sinh viên tìm mua là báo, tạp chí nước ngoài. Họ mua để luyện ngoại ngữ và cập nhật thông tin.

Anh Lê Văn Hợp, ông chủ 8x của hiệu sách cũ Hà Thành tại khu tập thể Bách Khoa (đường Lê Thanh Nghị) hồi tưởng: “Ngày còn là sinh viên, tôi thường dạo quanh đường Láng. Hồi ấy “phố sách” chưa như bây giờ, chủ yếu là tập hợp sách cũ được bày bán trên hè phố”. Từ một “tín đồ” của sách ngày nào, giờ đây anh Hợp đã sở hữu một hiệu sách cũ mà bất cứ ai đam mê sách đều biết đến.

Anh Hợp kể rằng từ hồi kinh doanh sách cũ anh gặp rất nhiều vị khách “kỳ lạ”. Kỷ niệm mà anh nhớ nhất liên quan tới một cô gái tìm mua lại cuốn sách của mình đã thất lạc từ 7 năm trước. Đó là lần anh Hợp đăng tải hình ảnh cuốn sách Tuổi thơ dữ dội có dòng ký tặng của vợ nhà văn Phùng Quán lên trang Facebook cá nhân, một cô gái đã liên hệ với anh, tỏ ý muốn mua lại cuốn sách đó. Hóa ra cô chính là chủ nhân của cuốn sách, sau nhiều lần cho bạn bè mượn nên sách bị thất lạc. Anh Hợp tặng lại cô gái cuốn sách đó bởi anh nghĩ đó là cái duyên. Với anh, sách quý thì không bao giờ cũ, người tìm đến với sách cũ đều là những người thực sự đam mê tìm tòi, khám phá.

Thách thức mới cho hiệu sách cũ

Một bạn đọc trẻ tìm mua sách cũ.

Sau thời hoàng kim, số hiệu sách cũ giảm mạnh. Ông Dư chia sẻ: “Sách cũ giờ hiếm lắm, không dễ tìm được quyển sách giá trị. Trước kia, tôi hay được các trí thức gọi tới mua sách, sách của họ quý lắm, nhưng giờ thì khác rồi. Nhiều người sưu tầm và giữ sách cũ như kỷ vật nên khó mua từ họ”.

Ông Phan Trác Cảnh - “vua sách cũ Hà Nội” ở hiệu sách số 5 Bát Đàn than thở: “Không chỉ hiếm sách mà khách cũng hiếm. Hiện tại, tôi vẫn duy trì hiệu sách, đa phần là phục vụ khách quen. Người trẻ qua nhà tôi ít lắm, có chăng chỉ là mấy cô cậu tìm tài liệu để làm luận văn thôi”.

Thị trường sách phát triển với những cuốn sách đẹp, chất lượng giấy tốt nên chẳng còn mấy người tìm đến với sách cũ. Chính vì thế, đối với những người trẻ kinh doanh sách cũ như anh Bùi Mạnh Trưởng (1068 đường Láng) thì đây quả là một điều đáng lo. Anh nói: “Trước kia ở đường Láng có nhiều hộ kinh doanh sách cũ, nhưng giờ đóng cửa hết rồi, cũng vì lo cơm áo gạo tiền. Mạng xã hội phát triển, người ta có thể tìm qua internet hay đặt mua sách qua các trang mua sắm điện tử, mấy ai còn dùng sách cũ đâu. Có những bộ từ điển quý lắm mà chẳng bán được vì bây giờ người trẻ thường tra từ qua mạng internet nhiều hơn”. Vừa nói anh vừa tiếc nuối nhìn những bộ từ điển đóng gáy da cất trên nóc tủ cao bám đầy bụi vì đã lâu rồi chẳng có ai động đến. Nhu cầu của người đọc ở thời điểm hiện tại phân hóa theo độ tuổi và sở thích. Chính vì thế mà anh Trưởng cũng phải thay đổi mô hình kinh doanh. Trước kia anh chỉ bán sách cũ, bây giờ phải cập nhật cả sách mới để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Bài viết trên báo Đức về hiệu sách được ông Dư lưu giữ từ năm 1996.

Giống như những người kinh doanh sách cũ khác, anh Lê Văn Hợp cũng hiểu rằng đây là thời điểm khó khăn với nghề buôn bán sách cũ. Không những phải nhập sách mới mà anh còn kinh doanh cả truyện thiếu nhi. Tuy nhiên, là một người trẻ thức thời, anh tìm cách thông qua mạng xã hội để mở rộng thị trường, liên kết với các hiệu sách cũ khác để thu mua và bán sách. Chính vì thế, sách cũ vẫn đều đều mang lại lợi nhuận. Theo nhận định của anh Hợp, xưa nay sách cũ như một dòng chảy âm thầm, vẫn sẽ có những người đam mê sách cũ và đó là lý do khiến anh vững vàng hơn với lựa chọn kinh doanh của mình.

Lê Huyền Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/978446/am-tham-sach-cu