Âm thầm giúp hàng ngàn tàu cá trước thiên tai

Ngày nào cũng vậy, hơn 4 năm qua, mỗi buổi chiều hàng ngày chị Lan lại ngồi bên chiếc máy Icom rồi thông báo tình hình thời tiết cho các tàu cá hoạt động ngoài khơi xa.

Nhờ vào “tổng đài” nhỏ này mà hàng ngàn tàu cá luôn yên tâm đánh bắt, tránh được thiên tai xảy đến bất ngờ.

Chị Lan đang trực Icom thông báo thời tiết cho ngư dân trên biển.

Với những ngư dân vùng biển các tỉnh miền Trung, cái tên “Đài bà Diệp” đã không còn quá xa lạ. Bởi, từ những thông tin phát ra từ đây đã nhiều lần giúp cho các tàu cá chủ động tránh bão hay di chuyển địa điểm đánh bắt khi gặp phải thời tiết bất lợi. Ngày nào cũng vậy, cứ đúng 15h là các tàu cá lại tiếp sóng Icom "Đài bà Diệp" để lắng nghe đồng thời trao đổi thông tin với “tổng đài” này.

“Trụ sở” của “Đài bà Diệp” là một căn nhà nhỏ nằm ở thôn Mỹ Tân (xã Mỹ Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Chủ nhà là một người phụ nữ nhỏ nhắn, nước da ngăm đen đậm chất ngư dân vùng biển. Chị là Lương Thị Hồng Lan (42 tuổi, tên thường gọi là út Diệp).

Lúc chúng tôi đến, chị Lan vẫn còn bận rộn bên chiếc Icom liên lạc với những tàu cá đang hoạt động ngoài khơi. Chị bảo, mùa này thời tiết thuận lợi nên còn rảnh chứ khi mùa mưa bảo tới chị hầu như không có thời gian nghỉ ngơi vì phải liên tục cập nhật thông tin, diễn biến thời tiết cho từng tàu cá. Nếu có bão thì xem bão ảnh hưởng đến vị trí nào để thông tin cho các chủ tàu tìm nơi an toàn để trú tránh.

Kể về lý do gắn bó với công việc này, chị Lan cho biết, chồng chị cũng là một ngư dân làm nghề câu mực khơi ở ngư trường Hoàng Sa. Mỗi chuyến đi biển kéo dài vài ba tháng. Do không có sóng điện thoại để liên lạc với chồng nên chị rất lo lắng mỗi khi vào mùa mưa bão, sóng lớn. Vậy nên, gia đình chị đã quyết định mua chiếc máy Icom cho tiện liên lạc.

Khi đã có thiết bị Icom, để có thể nắm được thông tin thời tiết, chị Lan tự mày mò, học hỏi cách dự báo thông qua việc tổng hợp các dữ liệu từ các trang khí tượng của Việt Nam, Philippines, Nhật Bản… Sau đó, chị ghi chép cụ thể, chi tiết ra một cuốn sổ và tổng hợp thành một bản tin hoàn chỉnh. Bản tin dự báo này không chỉ phát cho riêng tàu cá của chồng mình mà còn ra từng khu vực nhỏ mà các tàu cá đang tập trung đông.

“Chúng tôi hoạt động trên biển nhiều năm qua, trước đây chỉ nghe bản tin dự báo thời tiết từ đài quốc gia nên vùng dự báo rộng, nhiều khi không chính xác cho từng vị trí. Khi nghe thông tin từ "Đài bà Diệp", các tàu có thể hỏi lại vị trí tàu mình đang hoạt động có bị ảnh hưởng gì không và tất cả đều được trả lời rất chính xác. Không chỉ có tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi mà nhiều tàu ở miền Trung thấy vậy nên rất tin tưởng”, ngư dân Nguyễn Thanh Sơn (trú huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) chia sẻ.

Cứ thế liên tục suốt 4 năm qua, chị Lan đã quá quen thuộc với công việc này, nếu ngày nào không ngồi bên chiếc máy Icom liên lạc là chị lại cảm thấy bứt rứt, nhất là vào mùa biển động. Đến tận bây giờ, chị không thể nhớ hết mình đã giúp đỡ cho bao nhiêu tàu cá thoát khỏi hiểm nguy trước thảm họa của thiên tai. Thế nên cuối năm nào cũng vậy, các chủ tàu ở Quảng Ngãi rồi Bình Định, Khánh Hòa lại tấp nập ghé nhà chị Lan để nói lời cảm ơn.

Chị Lan tâm sự: “Lúc đầu tôi chỉ nghĩ là mua Icom để liên lạc, báo tin cho tàu cá của chồng thôi. Về sau, các tàu khác thấy thông tin tôi dự báo tương đối chính xác nên bắt đầu liên lạc nhờ giúp đỡ. Họ nhờ thì mình nắm được gì thông tin đó thôi. Bây giờ thì tôi không chỉ dự báo thông tin thời tiết nữa mà họ còn thông tin qua tôi để báo tình hình về với gia đình nữa”.

Ông Nguyễn Thành Tín, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn cho biết: “Nhờ máy Icom của chị Lan mà các ngư dân được hỗ trợ thông tin rất nhiều. Những năm qua, chị Lan làm công việc này một cách vô tư, không đòi hỏi tiền công nên xã rất hoan nghênh. Chị Lan là ân nhân của rất nhiều ngư dân làm nghề biển”, ông Tín nói.

LÊ KHÁNH - KIM SƠ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/am-tham-giup-hang-ngan-tau-ca-truoc-thien-tai-post251777.html