Âm sắc của Xuân

Ngày bé, mỗi khi học buổi cuối cùng rồi nghỉ tết là tôi lại mong ngóng chú tôi đi làm rẽ qua đón về quê. Khi đã yên vị trên chiếc gác-ba-ga bằng sắt mà ngồi lâu có thể tê chân, dép rơi lúc nào không biết, nghe tiếng lốp xe nghiến xào xạo trên vệt đá dăm bên đường là thế giới cổ tích trong tôi bắt đầu mở ra.

Hồi đó, chỉ rời khu tập thể với những khối nhà bê tông một đoạn là đồng lúa mênh mông. Hồ ao còn nhiều, chạy dọc hai bên đường. Trong mờ sương lạnh, đã thấy người dân quanh đó ra cầu ao rửa lá, vo gạo, đãi đỗ. Nhìn vậy là thấy tết. Đôi lần, chú dừng nghỉ ở quán nước bên lộ 1, chiêu ngụm trà cùng điếu thuốc, lơ đãng nhìn dòng người thưa thớt. Tôi cũng có chiếc kẹo dồi, kẹo lạc nhưng nhấp nhỏm chỉ mong tiếp tục đường về. Thi thoảng, một chiếc xe tải chở đầy lá dong xuôi Nam...

Quê tôi nằm nơi khúc quanh sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội hơn chục cây thôi nhưng đậm nét nông thôn Bắc Bộ. Có lũy tre, cây đa bến nước, bờ bãi mênh mông và làng tôi nằm khoảng giữa, bao bọc bởi đê và con sông lớn này. Chỉ cần thấy triền đê xanh thẫm phía xa xa, trong ráng chiều, là thấy quê rồi.

Không phải năm nào đường về cũng thuận. Những năm tết muộn, trời đã vào xuân, mưa bay phơi phới. Hay những đợt lạnh do gió mùa về, mưa tầm tã, con đường liên xã thành bãi bùn lầy lội. Chiếc xe đạp của chú tôi sau khi ngoằn ngoèo theo những vệt của người đi trước thì cuối cùng cũng phải xuống dắt, hai bánh đã trạt bùn. Tôi đi sau, tay níu cành cây, giẫm lên đám cỏ cạnh đường cho khỏi trượt, không hề ngần ngại. Tới làng thì dễ đi hơn, do đường đã được nhiều đời rải vỏ ốc, gạch vụn. Vào nhà, việc đầu tiên là ra giếng, gột bỏ bùn đất trên ống quần, đập đập đế dép lên thềm giếng làm văng những thỏi bùn vuông vắn, nhỏ như đầu ngón tay, khuôn theo đế dép nhựa.

Thời ấy, làng quê hiếm khi có điện. Tôi ngồi trước hiên bếp, chẳng mấy chốc bóng tối vây quanh, nhà trên le lói ánh đèn dầu, nhìn lên chẳng rõ vật gì. Bóng các cây cột đu đưa, xê dịch theo cơn gió làm lay động ngọn lửa. Sau bữa tối oi mùi khói rạ, tôi lăn ra phản, thư giãn và ấm áp, lòng khoan khoái nhẩm tính xem còn được bao nhiêu ngày nghỉ nữa. Sau vườn, mưa xuân không thành tiếng nhưng đọng trên những tàn cao, trĩu nặng rồi rơi xuống tàu chuối lộp bộp. Âm thanh trầm trầm đó như tiếng chuông mưa, gần xa, khoan nhặt trong đêm vắng khôn cùng.

Gần sáng, gió mùa thổi mạnh, không khí trở nên khô kèm theo buốt giá. Nhưng, cũng nhờ đó, bùn nhão nhanh chóng se lại. Sớm hôm sau chạy ra đường làng, không khí thanh khiết, sợi làng tang từ đâu dính ngang má. Mảnh hơn tơ nhện, đó là sợi tơ trời, chỉ hình thành vào những tháng mùa đông như thế. Người làng đã rửa lá trên cầu gạch, mặt ao lúc này bốc hơi trắng xóa, vấn vương mãi không tan. Ngày ấy, tết nhà ai to hay không nhìn qua số lá dong là biết.

Ông tôi cùng xóm giềng đụng lợn. Một chiếc nong lớn mà khi dựng ở hiên, nó cao quá đầu tôi, được ngả ra sân, trên trải mấy tàu chuối. Con lợn nuôi suốt năm qua được pha trên đó. Ông nội vần chiếc cối đá để ở mép sân vào trong, hằng ngày nó dùng kê thái thân chuối nấu cám. Chiếc cối khá to, mùa hè mát lạnh, tôi thường ngồi lọt thỏm trong đó, nhìn ngắm xung quanh và vẫn hay thắc mắc sao trông bề ngoài giống nhau mà có chiếc cối nông, cối sâu. Về sau, khi nhìn thấy chiếc cối thủng đáy thì mới hiểu nó cũng mòn theo thời gian. Làng quê thời còn yên tĩnh, không tiếng máy móc, xe cộ, nhạc nhẽo... nên từ nhà mình vẫn nghe tiếng giã giò thùm thụp khắp chòm trên xóm dưới.

Xong giò là gói bánh chưng. Ông tôi gỡ bó lá dong trên hàng cột trước hiên. Cô tôi sau khi rửa lá thì buộc quanh những cây cột đó cho khô. Tất cả lại được diễn ra trên những nong, nia ấy. Chiếc nồi đồng lòng rộng, hình khum khum, quanh năm nằm trong chái, bụi phủ, được khiêng xuống bếp, kê lên mấy hòn gạch. Những gốc củi to tiếp lửa và thùng nước châm đặt bên cạnh. Cùng đó là vuông chiếu rách với bộ tam cúc cho người trực bánh. Tôi vùi mấy củ khoai rồi ngồi ngắm lửa. Phía cuối thanh củi to chưa khô hẳn, sùi ra những giọt nhựa sôi.

Phiên chợ sáng 30 tấp nập chỗ ngã ba, trung tâm làng. Bãi đất cạnh đó có cây đu dựng bởi 8 thân tre cao vút, uốn chụm vào nhau. Đu ấy chỉ thanh niên mới dám chơi, còn lũ trẻ chúng tôi ngồi trên tường gạch, nhìn theo con dốc để xem các hoạt động ồn ào nhất năm ấy. Tiếng hỏi giá, mặc cả, tiếng cân đĩa loảng xoảng, những miếng thịt được gói trong giấy báo trao nhau mà về phải rửa và bóc mãi mới hết lớp giấy ấy. Đôi khi, có con chó tha trộm được miếng gì, bị quát đuổi om cả chợ...

Khi trở lại nhà thì bố mẹ tôi đã về. Mỗi người một xe đạp với những chiếc làn nhựa treo ở ghi-đông và túi ni-lông đựng quà tết cấp phát theo tiêu chuẩn buộc sau gác-ba-ga. Tôi thích thú khi xem những đồ tết được dỡ dần ra, mứt tết, bánh kẹo Hải Hà, những miếng bóng bì to tròn và măng, miến... Phần được đặt lên bàn thờ trên nóc tủ chè, nơi có mâm ngũ quả và hai cành táo lộc dựng hai bên; phần đưa xuống bếp. Đôi khi tôi được nhận bộ quần áo mới. Thời ấy quanh năm rách, vá, đến tết nhiều nhà mới dành dụm mua đồ mới. Sáng mai, mồng 1, đường làng sẽ màu sắc hơn hẳn ngày thường. Nhưng, điều tôi mong chờ nhất là những bánh pháo. Nếu trời mưa ẩm quá, nó sẽ được treo lên gác bếp sấy cho khô, nổ cho giòn. Và không ít nhà đã bị nổ luôn bánh pháo trong hoàn cảnh như vậy.

Chiều, ông nội dẫn cả nhà xuống đồng, đến mộ cụ tổ mà nếu không có ông dẫn cũng ít người biết. Các cô chú tôi khéo léo cuốc khoanh cỏ tròn đặt lên những nấm mộ để thắp hương mời các cụ về ăn tết. Nghĩa trang làng chiều 30 đông đúc, ấm áp khác thường. Tối, tôi theo ông nội mang lễ vào nhà vị trưởng họ, nơi thờ tự các cụ đời xa xưa. Đồ lễ cũng đơn giản, rượu, túi gạo nếp và đỗ xanh đóng trong chai thủy tinh. Đường làng mông lung, tăm tối, ánh lân tinh sáng xanh lập lòe trong các lùm cây. Tiếng lợn nhà ai đói kêu phá trong chuồng và tiếng chó rộ khi bước qua các ngõ làm tôi sợ rúm.

Ở nhà, chú tôi chuẩn bị sẵn nồi nước tắm tất niên. Dẫu lạnh cũng không bỏ qua nghi thức này. Đêm cuối năm, tôi nằm trong chăn ấm nghe chú đọc truyện ngắn của Nam Cao, Thạch Lam, Nguyên Hồng... mắt nhìn lên mái nhà ngắm từng viên ngói và những chữ tượng hình kì lạ màu xanh trên các câu đầu. Dòng thời gian cô lại qua âm thanh đều đặn của chiếc đồng hồ quả lắc. Thi thoảng, lõm bõm qua màn đêm, vọng lại tiếng pháo nhà ai đốt trước giao thừa, liệu có làm hốt hoảng những linh hồn phiêu bạt còn đang lầm lũi ngoài sương gió?

Năm tháng qua lâu. Căn nhà xưa còn đó, chất chứa tình quê. Thời gian có thể làm mọi điều đổi thay nhưng thời gian cũng đem kí ức trở về mỗi khi tháng Chạp trở lại. Bây giờ sự chuẩn bị tết không còn như xưa, mọi thứ đều có thể mua sẵn. Sự quần tụ ở mỗi gia đình cũng thưa vắng hơn, tôi không còn về quê cả tết như ngày trước. Tết trong phố cũng nhiều nét rất riêng, đi ngắm tết với chiếc máy ảnh trên tay là một điều thú vị.

23 Chạp, tết ông Công, ông Táo, khi những chú chép vàng được thả xuống hồ Tây, cũng là lúc đình Kim Ngân (Hàng Bạc) làm lễ dựng cây nêu. Thân tre cao vút, ngọn còn nguyên lá, treo dòng chữ “Chúc mừng năm mới” bằng mực tàu viết trên giấy đỏ. Tại đền Bạch Mã, nhà cổ Mã Mây, các bậc trưởng thượng lập mâm ngũ quả cả ở phía trong và trước hiên phố. Chợ hoa cổ truyền Hàng Lược được mở từ rằm tháng Chạp, đào quất được bày lan sang cả đầu Hàng Cót, Phùng Hưng. Nam thanh nữ tú tạo dáng chụp ảnh. Người mua sớm đi tặng hoặc trang trí cho cơ quan, công sở. Cận tết hơn, khi thấy các cụ, các cô từ những ngõ phố ra chọn đào, lặng lẽ và kĩ lưỡng, là lúc họ chuẩn bị cho nhà mình đấy. Những người gợi nhớ Hà Nội xưa.

Chiều 30, tôi qua Nguyễn Thiệt Thuật mua ôm lá mùi, buộc sau xe máy. Cả góc phố lúc này chỉ còn bán lá mùi già cho người mua về tắm tất niên. Vẫn thói quen ngắm chợ chiều, tôi ngồi với cốc nước chè vỉa hè cuối Hàng Lược. Chợ hoa thưa dần, cả người bán lẫn người mua dần rời chợ. Sau hai tuần gắn bó với nơi đây, cảm giác lúc này buồn man mác, như tết đang đi dần theo những vệt xe qua. Tết vui trong sự chuẩn bị và đón chờ. Khi ngắm pháo hoa và thắp hương cúng giao thừa, là lúc cảm giác tết đã cạn dần rồi đấy.

Đặng Giang

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/trang-17_tet_-am-sac-cua-xuan-627846/