Ấm no ở 'xóm cá chuồn'

Ở khu dân cư (KDC) số 19 và 20, thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn), hầu hết người dân nơi đây đều mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá chuồn cồ ở ngư trường Trường Sa. Vì thế, nhiều người thường gọi hai KDC này bằng cái tên dân dã là... 'xóm cá chuồn'.'Hai KDC 19, 20 có khoảng 50 tàu đánh bắt xa bờ, thì đã có 45 tàu chuyên đánh bắt cá chuồn cồ, với khoảng 300 ngư dân (bình quân từ 8 - 10 ngư dân/tàu) tham gia nghề lưới chuồn. Cái tên 'xóm cá chuồn' bắt nguồn từ đây '.

Người dân ở “xóm cá chuồn” bảo, nghề lưới chuồn là nghề cha truyền con nối, gắn bó với họ đã mấy mươi năm nay. Tuy nhiên, nghề lưới chuồn bây giờ khác với thời trước ở chỗ, nếu như ngày trước, ngư dân địa phương chỉ đánh bắt cá chuồn nhỏ ở vùng lộng, thì hơn hai mươi năm nay ngư dân mạnh dạn đóng thuyền lớn đi đánh bắt cá chuồn cồ (loại có kích thước to gấp 3 - 4 lần cá chuồn thường) ở tận ngư trường quần đảo Trường Sa.

Nghề lưới chuồn ở thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn) mang lại việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Nhẩm tính về thời gian gắn bó với nghề lưới chuồn của gia đình, bà Bùi Thị Tập cho biết: “Các thế hệ trong gia đình tôi đã làm nghề lưới chuồn được 60 năm nay. Đầu tiên là chồng tôi, tiếp sau đó là đến các con. Tôi có 3 người con, thì cả 3 đứa đều nối nghiệp cha làm nghề lưới chuồn. Đứa lớn và đứa giữa vừa sắm được tàu riêng sau hơn mười năm tích cóp, còn đứa út thì vẫn đang làm bạn chài trên tàu lưới chuồn của các anh trai”.

Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu BÙI HỒNG VÂN

Nhiều thành viên trong gia đình cùng làm nghề lưới chuồn là “điểm chung” tại “xóm cá chuồn”. Là nghề truyền thống tại làng chài, nên hầu hết các gia đình ngư dân tại đây, nhà nào cũng có từ 2 - 3 thành viên theo đuổi nghề lưới chuồn.

Theo lão ngư Dương Văn Diên, một ngư dân làm nghề đánh bắt cá chuồn cồ ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa từ năm 1988, thì so với các nghề biển khác, nghề cá chuồn là nghề có thu nhập khá ổn định, vì sản lượng và giá cá ít khi nào biến động. Sau 17 - 20 ngày vươn khơi, mỗi tàu thường đánh bắt được 5 - 6 tấn, còn tàu nào "trúng mánh" thì được 8 - 10 tấn. Vào tháng 10 - tháng 12 âm lịch, giá cá chuồn cồ dao động từ 60 - 70 nghìn đồng/kg, thì mỗi tàu thu về tầm 300 - 500 triệu đồng. Các tháng còn lại, dù giá cá chỉ còn phân nửa, nhưng mỗi ngư dân trên tàu cũng có thu nhập hàng chục triệu đồng sau mỗi chuyến biển.

Ngư dân làm nghề lưới chuồn tại thôn Định Tân thường bắt đầu mùa đánh bắt từ giữa tháng 10 âm lịch đến tháng 6 âm lịch năm sau. Khi ngư trường truyền thống có gió Tây Nam xuất hiện, cũng là lúc ngư dân về bờ, nghỉ biển tầm 3 tháng để bảo dưỡng tàu và lưới cụ. Đó cũng chính là thời điểm mà các lao động nhàn rỗi tại “xóm cá chuồn” bước vào mùa ăn nên làm ra.

“Tôi nhận vá lưới cá chuồn thuê với giá một ngày là 170 nghìn đồng. Công việc này thuận tiện ở chỗ, chúng tôi vừa được làm việc tại xóm, vừa có thể linh động thời gian để đón con, đón cháu, chăm lo cho gia đình”, bà Lê Thị Cùng chia sẻ.

Gần 30 phụ nữ tại “xóm cá chuồn” đã hình thành nên các đội vá lưới chuồn, chuyên nhận vá lưới thuê cho các chủ tàu, thuyền viên tại đây. Công việc này không chỉ mang lại thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/ tháng cho mỗi chị em vào mùa cao điểm khi tàu cá chuồn nằm bờ, mà còn tạo việc làm và thu nhập đều đặn từ 500 nghìn - 1 triệu đồng/tháng vào các tháng còn lại.

Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202007/am-no-o-xom-ca-chuon-3013933/