Âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam luôn khác với âm nhạc thế giới

Nói đến âm nhạc truyền thống Việt Nam, chúng ta thường kể đến hát xẩm, chầu văn, chèo, ca trù, quan họ... Đó là những thể loại âm nhạc được 'chưng cất' từ ngàn đời, qua sự sáng tạo không biết mệt mỏi của cha ông, để hôm nay chúng ta được thưởng thức, tự hào, ngưỡng mộ, từ đó phát huy và sáng tạo hơn nữa. Do vị trí địa lý, do tâm lý, tính cách, nhất là do đơn âm đa thanh của tiếng Việt mà âm nhạc truyền thống Việt Nam luôn khác âm nhạc thế giới.

Nhạc sĩ Thao Giang

Nhạc sĩ Thao Giang

Âm nhạc truyền thống là một dòng chảy

Trước dòng chảy gấp gáp của thời đại, âm nhạc Việt Nam cũng có những biến chuyển mới để thích nghi. Nhiều dòng nhạc mới cứ thế ra đời. Mỗi dòng nhạc lại có một thế mạnh, điểm yếu riêng. Hiện nay, bên cạnh dòng nhạc truyền thống là tinh túy của dân tộc, chúng ta còn tiếp thu, nảy sinh ra nhiều dòng nhạc mới: nhạc vàng, nhạc đỏ, nhạc trẻ, nhạc rap, nhạc rock (rốc)... Tuy nhiên, dòng nhạc truyền thống mà ông cha để lại vẫn cho thấy sức sống riêng, là bản sắc, là xương sống. Vậy muốn cho nhạc truyền thống hấp dẫn hơn, ít nhất chúng ta phải hiểu âm nhạc truyền thống là gì, trước khi muốn nó đi song hành cùng thời đại, vang xa và tiếp diễn bằng sự tiếp thu, sáng tạo không ngừng nghỉ của các nghệ sĩ chân chính.

Bàn về vấn đề này, nhạc sĩ Thao Giang - người có nhiều nghiên cứu âm nhạc dân gian, bày tỏ: Chúng ta vẫn thường nói đến quốc hồn, quốc túy của văn hóa nghệ thuật, đó chính là hát xẩm, chầu văn, chèo, ca trù... Đó chính là tinh túy của tiếng Việt. Nó được giai điệu hóa đi từ những lời thơ dân gian. Trong các lời thơ dân gian, những tích truyện giáo dục, tình cảm con người, tình cảm đất nước được thể hiện qua các loại hình. Nó có tầng lớp, đối tượng riêng, có môi trường diễn riêng.

Hát xẩm là thể loại dành cho đại chúng, từ trẻ con cho đến người lớn, hát lúc nào cũng được, môi trường nào cũng diễn được. Hát văn lại dành cho những người tín ngưỡng, tâm linh, như ở mình là tín ngưỡng Tứ Phủ. Ca trù thì dành cho những người yêu thể thơ Đường, hoặc là các thể thơ cổ, có thể hát cửa đình, hát cửa quyền, hát trong tư gia, rồi hát ở tư gia.

Còn quan họ thì hát giao duyên. Tất cả những cái đó là do nhân dân sáng tạo ra và người ta có quyền hưởng thụ những cái đó. Trải qua các giai đoạn lịch sử, mỗi giai đoạn, nó lại được nâng cao lên, được bồi đắp lên, được phong phú lên. Tiếng Việt của ta ngày càng được tôn vinh bằng âm nhạc. Từ âm nhạc này lại sinh ra những nhạc cụ. Các nhạc cụ lại hỗ trợ cho người hát. Ngôn ngữ nhạc cụ minh họa lại cho lời hát, dẫn hơi cho người hát, đỡ cho người hát, làm thăng hoa hơn. Như nhạc lễ lại có thêm nhạc không lời, nhạc múa... rồi các bộ gãy, bộ gõ...

Nhạc sĩ Thao Giang cũng nhấn mạnh, âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam luôn khác với âm nhạc thế giới, bởi mỗi dân tộc có vị trí địa lý, tâm lý tình cảm, thổ nhưỡng, truyền thống văn hóa khác nhau, nên đương nhiên âm nhạc truyền thống giữa các dân tộc phải khác nhau. Sự khác nhau đó, điểm nhấn quan trọng nhất là ở ngôn ngữ tiếng Việt, sự hình thành ngôn ngữ tiếng Việt. Từ ngôn ngữ mà sinh ra tiếng hát, tiếng đàn, sinh ra múa, sinh ra nghi lễ. Tuy nhiên, âm nhạc truyền thống giữa các nước cũng có cái giống nhau. Ví dụ, ở các nước khác, họ cũng có múa nghi lễ, mình cũng có, nhưng áo mặc của họ khác, của mình khác, dù là cùng mặc một chiếc áo dài. Âm nhạc cũng vậy thôi. Tiếng Việt phong phú. Tiếng Việt đơn âm đa thanh. Nên mỗi một giai điệu lại phụ thuộc vào sắc - huyền – ngã - nặng, các nước làm gì có điều này. Riêng cái đó, cũng có cái khác rồi.

“Ở đây, chúng ta nên hiểu rõ về truyền thống, tức là có sự nối tiếp, nó là một dòng chảy, chứ không phải là một ao tù. Đã gọi là dòng chảy, thì thời đại này, thời đại kia phải bám sát, chứ không thể nào mà rập khuôn được. Ngày xưa phải thế này nên nay phải thế này, cái đó là không nên, nó phải có sức sống. Tất cả loại hình nghệ thuật, nếu không đi vào đời sống thì sẽ chết. Vì vậy, nghệ thuật phả vào đời sống và có nhịp điệu của thời đại. Như ngày xưa đi xe đạp, giờ đi xe máy, ô tô, rồi máy bay. Mà nói đến truyền thống là phải kế thừa và phát huy. Nghệ thuật mà không bám sát thời đại, sẽ tụt hậu và nằm trong viện bảo tàng”, nhạc sĩ Thao Giang nhấn mạnh.

Sáng tạo nhưng vẫn giữ được những gì ông cha để lại

Đồng quan điểm với nhạc sĩ Thao Giang, nghệ sĩ Tô Minh Cường – người đang hết mình theo đuổi âm nhạc truyền thống, cho biết thêm: Bên cạnh việc bảo tồn giữ gìn và phát huy những giá trị tinh hoa của dân tộc. Dựa trên nền tảng cốt lõi những gì tinh túy nhất, mực thước nhất và chuẩn mực nhất, nghệ sĩ nên sự sáng tạo nhưng vẫn giữ được những gì ông cha để lại. Đồng thời, nên đẩy mạnh việc đưa âm nhạc dân gian tới gần hơn với công chúng, đặc biệt là lứa tuổi học sinh để nhiều người được tiếp cận gần hơn với văn hóa dân tộc.

Nghệ sĩ Tô Minh Cường

“Mỗi nghệ sĩ không ngừng trau dồi về âm nhạc và say mê tâm huyết truyền dạy rộng dãi hơn để âm nhạc truyền thống luôn có vị trí và chỗ đứng trong xã hội hiện nay. Ta giữ gìn ko phải là ta bê cất vào tủ mà là ta quảng bá giới thiệu rộng rãi ra bên ngoài, ra thế giới”, nghệ sĩ Tô Minh Cường cho biết.

Nghệ sĩ Tô Minh Cường cũng cho rằng, nghệ thuật không hề đơn giản và dễ dàng chút nào. Nếu ai đó nghĩ con đường đến với nghệ thuật phẳng lặng và giản đơn thì hoàn toàn không đúng. Con đường đến với nghệ thuật, ngoài cái mà người ta gọi là trời phú, thì còn cả lòng say mê, tâm huyết và dành trọn cho nghệ thuật, đầu tư cho nghệ thuật. Muốn thành công với nghệ thuật không chỉ là vượt qua gian nan chông gai thử thách, hãy cố gắng đứng lên, đừng vội thấy khó mà nản, rồi chọn con đường dễ đi nhanh nhất.

“Dù có như thế nào, dù có nhiều người khuyên tôi thôi hãy dừng lại đam mê thôi không nên học để làm âm nhạc truyền thống, nhưng tôi sẽ vẫn theo đuổi con đường nghệ thuật cho đến cùng. Tôi yêu truyền thống, yêu làn điệu dân ca, yêu những lời ru của bà của mẹ. Yêu những gì mộc mạc giản dị của cuộc sống. Yêu con người lao động. Yêu vạn vật mà tạo hóa đã ban tặng. Nghệ thuật, dù ai nói gì, chê bai hay miệt thị, thì tôi vẫn cảm ơn để tôi có bài học trên đường đời đến nghệ thuật.

Muốn theo đuổi nghệ thuật, phải có nghị lực, kiên trì, cất lên câu hát phải cháy từ trong tâm can trong cõi lòng của chiều sâu thẳm tâm hồn. Làm nghệ thuật phải biết đánh đổi. Họ đã chấp nhận đánh đổi kể cả hạnh phúc, gạt bỏ mọi thứ để chọn nghệ thuật, để được diễn. Đối với tôi, nghệ thuật chỉ có thể có được khi đánh đổi bằng mồ hôi, công sức, có cả nước mắt và hạnh phúc”, nghệ sĩ Tô Minh Cường tâm sự.

Về việc muốn phát triển âm nhạc truyền thống hơn nữa, nghệ sĩ Tô Minh Cường luôn luôn trăn trở, mong ước nhiều học sinh, sinh viên, những bạn trẻ sẽ được tiếp nhận từ sớm bằng cách đưa âm nhạc truyền thống vào nhà trường giảng dạy. Những gì ông cha truyền dạy lại trong âm nhạc truyền thống đã trở thành món quà vô giá, tinh túy, chúng ta nên biết tiếp nhận, tiếp thu, sáng tạo làm mới để nó luôn song hành, nuôi dưỡng văn hóa dân tộc Việt Nam.

Vũ Đoàn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/am-nhac-truyen-thong-dan-toc-viet-nam-luon-khac-voi-am-nhac-the-gioi-79512