Âm nhạc tận dụng cảm hứng văn chương

Sản phẩm video music 'Đây là một bài hát vui' của ca sĩ trẻ Jun Phạm vừa tung lên mạng Youtube đã đạt con số triệu lượt xem.

“Đây là một bài hát vui” (ảnh) được xem như ca khúc ăn khách nhất dịp Giáng Sinh năm nay, vì giai điệu sôi động theo thể loại pop dance.

Ca từ cũng bình thường, nhưng “Đây là một bài hát vui” lấy cảm hứng từ kiệt tác “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng, nên phần hình ảnh minh họa khá thú vị. Công chúng âm nhạc được nhắc lại những nhân vật khó quên như Xuân Tóc Đỏ, bà Phó Đoan, cụ cố Hồng, nhà tạo mẫy TYPN… mà họ từng đọc qua trang sách.

“Đây là một bài hát vui” không phải ý tưởng âm nhạc đầu tiên được bắt nguồn từ văn chương. Trào lưu đưa tác phẩm nổi tiếng vào ca khúc, đã được thực hiện liên tục gần đây như “Anh ơi, ở lại” của ca sĩ Chi Pu dựa theo “Tấm Cám”, “Hết thương cạn nhớ” của ca sĩ Đức Phúc dựa theo “Chí Phèo”, “Bánh trôi nước” của Hoàng Thùy Linh dựa theo thơ Hồ Xuân Hương…

Ưu điểm của thể loại âm nhạc này là có sẵn công chúng của văn chương, nhưng lại phải đối mặt với thử thách là tạo rung động mới cho câu chuyện cũ.

Trên thực tế, có nhiều ca khúc được giới thiệu là lấy cảm hứng từ tác phẩm văn chương, như ca từ lại không đủ sức gợi nhớ đến tác phẩm văn chương, mà chủ yếu dùng phần minh họa để lôi kéo khán giả.

Hiếm hoi mới có những ca từ dính dáng với nguyên mẫu như “Anh đây quậy phá khắp đất trời rượu chè lè nhè đi khắp nơi/ Lang thang cười hát ca với đời anh chí phèo... Em đây chẳng nết na ngoan hiền chẳng được diệu dàng lại kém duyên. Ba mươi rồi đấy vẫn chưa chồng…”.

Thành công nhất trong những sản phẩm âm nhạc lấy cảm hứng văn chương, chính là ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe”. Không gói gọn theo khuôn khổ tác phẩm “Vợ chồng A Phủ, ca sĩ Hoàng Thùy Linh đã đầu tư dàn dựng video music rất lôi cuốn, như một khu vườn văn học với các nhân vật từng chạm vào trí não bao thế hệ học sinh như lão Hạc, Thị Nở, Nghị Hách…

Tuy nhiên, thần thái của ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe” vẫn xoay quanh nội dung chính “Vợ chồng A Phủ” quen thuộc: “Để Mị nói cho mà nghe, tâm hồn này chẳng để lặng lẽ. Thương cha xót mẹ, thôi thì mặc phận đời mình chơi vơi. Để Mị nói cho mà nghe, tết năm nay Mị vẫn còn trẻ. Xuân đương tới rồi, nên Mị cũng muốn đi chơi…

Những người yêu thích ‘Để Mị nói cho mà nghe” còn hào hứng hơn khi biết rằng những người sáng tác ca khúc này là nhóm DTAP gồm ba thành viên có tuổi đời từ 21 đến 23. Điều ấy chứng tỏ rằng, những người trẻ hôm nay không quay lưng với văn chương, mà họ biết chọn lọc để thụ hưởng và phát huy di sản cha ông.

TUY HÒA

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/am-nhac-tan-dung-cam-hung-van-chuong-post255423.html