Âm nhạc ở Mosul, không chỉ là một giai điệu

Vào tháng 6 năm 2014, âm nhạc được xem như đã chết ở Mosul. Những kẻ cực đoan bạo lực đã đặt yêu sách lên thành phố bên bờ sông Tigris, một thành phố nổi tiếng với đời sống văn hóa sâu sắc và đa dạng. Âm nhạc đã bị cấm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Là một phần trong sáng kiến hàng đầu để làm sống lại tinh thần Mosul thông qua chuỗi di sản, đời sống văn hóa và giáo dục, UNESCO đang trong giai đoạn đầu triển khai chương trình phục hồi truyền thống âm nhạc của Mosul.

Ehsan Akram Al Habib (39 tuổi, nghệ sĩ violin) bộc bạch: “Dân tộc của chúng ta là một dân tộc của tình yêu, của sắc đẹp, của văn minh, của âm nhạc. Âm nhạc mở ra một thế giới đẹp đẽ cho toàn nhân loại, và là một phần chính của Mosul và của Iraq. Âm nhạc là cuộc sống.”

Chính mắt Ehsan Akram Al Habib đã chứng kiến vẻ đẹp của âm nhạc bị cướp khỏi thành phố của mình: “Với sự đa dạng của các loại hình tôn giáo và nền văn minh, Mosul là một bức tranh khảm đại diện cho tất cả Iraq”.

Công cuộc hồi sinh các truyền thống âm nhạc của Mosul đòi hỏi tìm cách thu hút sự chú ý của công chúng vào sự đa dạng của âm nhạc Mosul. Tỉnh Ninewah ở Iraq là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, nơi đa dạng văn hóa và tôn giáo. Từng dân tộc có những bài hát và hình thức âm nhạc cụ thể, sự giao thoa giữa lịch sử, âm nhạc và truyền thống được thể hiện tinh tế và đáng trân trọng.

Chương trình này là một phần của dự án có tên là “Lắng nghe Iraq”, được UNESCO thực hiện ở Mosul cùng với đối tác “Action for Hope” (Hành động vì Hy vọng), một tổ chức phi chính phủ được thành lập vào năm 2013, nhằm trao quyền cho nhóm dễ bị tổn thương bằng cách tôn vinh sự đa dạng văn hóa và tăng cường sự gắn kết xã hội, như cũng như tái tạo sức sống của nền nghệ thuật ở Mosul và ở Iraq nói chung. Giáo sư Ehsan chia sẻ: “Bằng cách mang âm nhạc trở lại cho Mosul, chúng tôi đang cố gắng mang lại sự sống cho thành phố của mình”.

UNESCO cũng đã thực hiện các bước sơ bộ để nghiên cứu và lập bản đồ các hoạt động âm nhạc đa dạng, dựa trên những nỗ lực trước đây của các nhạc sĩ Iraq. Điều này sẽ dẫn đến việc xác định những nghệ sĩ bậc thầy của ít nhất bốn loại hình âm nhạc khác nhau, có khả năng biểu diễn và giảng dạy. Giai đoạn tiếp sau đó là một cuộc hội thảo để thảo luận về phương pháp giảng dạy và phong cách trình diễn giữa các nhạc sĩ chuyên nghiệp và các nhà giáo dục âm nhạc từ Iraq cùng với các quốc gia khác trong khu vực. Cuối cùng, một chương trình đào tạo cho các nhạc sĩ trẻ trong các hoạt động âm nhạc khác nhau này sẽ được tiến hành.

“Action for Hope” là một tổ chức phi lợi nhuận được lãnh đạo bởi Basma El Husseiny, một chuyên gia UNESCO với nhiệm vụ thực thi Công ước 2005 về Quảng bá và Bảo vệ sự Đa dạng của các Biểu hiện Văn hóa.

Quỳnh Hoa

Theo UNESCO

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/tam-nhin-unesco/am-nhac-o-mosul-khong-chi-la-mot-giai-dieu-167995.html