'Âm nhạc là sợi tơ duyên gắn kết với biên giới và BĐBP'

Với mỗi người, mùa xuân luôn mang đến những cung bậc tình cảm thương mến, nồng nàn nhất, còn với Thượng tá, nhạc sĩ Ngọc Khuê (nguyên Đoàn trưởng Đoàn Nghệ thuật Không quân, nguyên Chủ nhiệm Nhà Văn hóa Quân chủng Phòng không-Không quân) thì ngoài điều đó, nó còn là mùa đem lại nguồn cảm hứng để ông sáng tác nên những giai điệu âm nhạc đẹp, tha thiết. Sau 'Mùa xuân làng lúa, làng hoa' đã 'đóng đinh' trong lòng người nghe, người xem, gần đây, ca khúc 'Biên cương âm vang lời Bác' của ông là món quà xuân tràn đầy ý nghĩa với lực lượng BĐBP.

Nhạc sĩ Ngọc Khuê (thứ 3 từ phải sang) và nhà thơ Trần Đăng Khoa giao lưu với cán bộ, giáo viên, học viên Trường Trung cấp Biên phòng, năm 2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhạc sĩ Ngọc Khuê (thứ 3 từ phải sang) và nhà thơ Trần Đăng Khoa giao lưu với cán bộ, giáo viên, học viên Trường Trung cấp Biên phòng, năm 2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhạc sĩ Ngọc Khuê sinh năm 1947, trong gia đình có truyền thống dạy học ở một làng ven đô thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ngay từ hồi nhỏ, ông đã sớm bộc lộ năng khiếu ca hát và được thầy giáo dạy nhạc trường làng phát hiện, bồi dưỡng. Rời ghế nhà trường, năm 1965, ông nhập ngũ và trở thành lính pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa).

Thời kỳ đó, đế quốc Mỹ leo thang ném bom đánh phá ác liệt, trong đó có cầu Hàm Rồng, con đường giao thông huyết mạch nối liền hai miền Nam-Bắc. Được sống và chiến đấu trong không khí sục sôi như vậy, chàng lính trẻ Ngọc Khuê luôn dặn lòng mình phải luôn lạc quan, yêu đời và kiên cường cầm chắc cây súng bảo vệ bầu trời xứ Thanh. Và đó cũng chính là duyên cớ để ông càng mê say với âm nhạc, coi âm nhạc như người bạn tri kỉ của mình.

Sau thành công của ca khúc đầu tay “Tiếng hát bên dòng sông Mã” (1966), Ngọc Khuê cho ra đời ca khúc “Đồi quyết thắng” đầy máu lửa, hào hùng vào đúng dịp Tết năm 1972. Khi ấy, cầu Hàm Rồng phải oằn mình chống chọi với rất nhiều bom đạn của quân thù. Người dân đã khắc hai chữ “Quyết thắng” lên đồi 134 trước Tết năm 1969 để thể hiện ý chí quyết tâm chiến đấu chống kẻ thù của quân và dân ta.

Dòng chữ “Quyết thắng” được hoàn chỉnh khiến cho người lính trẻ như Ngọc Khuê cảm thấy tự hào, xốn xang. Và rất nhanh, khi gặp lời thơ hết sức sâu sắc của người bạn chiến đấu cùng ông - nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, ông đã sáng tác ca khúc “Đồi quyết thắng” ghi lại kỉ niệm về một thời kỳ đầy gian khổ nhưng cũng thật vinh quang của những chàng trai tuổi đời còn rất trẻ trong tiết xuân ấm áp, rạo rực đang về trên xứ Thanh.

Dường như âm nhạc là “sợi tơ duyên” mà ông trời trao vào tay người lính Ngọc Khuê khiến ông không thể chối từ. Bởi, sau khi chuyển đơn vị về Hà Nội, ông được phân công về công tác tại Đoàn Văn công Phòng không - Không quân, một môi trường văn nghệ chuyên nghiệp giúp ông thỏa sức sáng tạo trong thế giới nghệ thuật của chính mình. Âm nhạc là sự phản ánh chân thực về chân dung của nhạc sĩ Ngọc Khuê, một con người giản dị, nhẹ nhàng và luôn gần gũi với mọi người xung quanh.

Tuy nhiên, phải đến khi “Mùa xuân làng lúa, làng hoa” ra đời, tên tuổi nhạc sĩ Ngọc Khuê mới thực sự được công chúng biết đến. Ông cho biết, Hồ Tây và làng hoa ngấm vào trong ông từ rất lâu, nhưng trước khi viết tác phẩm này, ông hơi e dè, bởi lúc đó có rất nhiều tác phẩm về Hồ Tây. Hơn nữa, ông không muốn viết riêng về hoa và cũng không chỉ viết về Hồ Tây, bởi ông cảm thấy, nếu viết như thế thì không đủ ý để diễn đạt tình yêu của mình với mảnh đất này.

Và “Mùa xuân làng lúa, làng hoa” ra đời trong tiết xuân đang ngập tràn phố phường Hà Nội. Đó là dịp giáp Tết năm 1980, trong một lần đi thăm nhà người bạn ở làng hoa Nghi Tàm, khi qua làng Xuân La, Xuân Đỉnh, ông cảm nhận được hương lúa ngào ngạt, đưa đến một cái nhìn khác về Hà Nội. Hình ảnh Hồ Tây một bên là lúa, một bên là hoa vừa thơ mộng, vừa thể hiện cuộc sống của người dân Hà Nội khi đó đang trên đà phát triển. Hơn nữa, lúa và hoa là hai biểu tượng thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân không thể tách rời. Đoạn đầu và đoạn cuối của bài hát được tác giả thể hiện theo âm hưởng của dân ca Việt Nam nên giai điệu mượt mà, cuốn hút người nghe.

Đặc biệt, gần đây, ông đã sáng tác ca khúc “Biên cương âm vang lời Bác”, ca khúc xuất sắc nhận giải B (không có giải A) trong Cuộc vận động sáng tác ca khúc về biên giới, biển, đảo và BĐBP tiến tới chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP (3/3/1959 - 3/3/2019) và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2019).

Nói về ca khúc này, nhạc sĩ Ngọc Khuê cho biết, khi nhận được thông báo về cuộc vận động sáng tác, ông đã suy nghĩ về một ca khúc viết về tình cảm, ý chí và nguyện vọng của chiến sĩ Biên phòng với Bác Hồ - Người Cha kính yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân, đặc biệt trong giai đoạn cách mạng mới khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Và ông đã nhớ đến lời Bác căn dặn cán bộ và chiến sĩ Biên phòng trong cuộc gặp mặt của Bác với các chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) và các chiến sĩ Cảnh vệ, dịp Tết Kỷ Dậu, năm 1969: “Làm Công an nhân dân thì phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Có dựa vào nhân dân thì Công an nhân dân mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nếu trong công tác Công an nhân dân, các cô, các chú được dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì nhất định các cô, các chú thành công!”.

Với tinh thần đó, ông đã viết ca khúc “Biên cương âm vang lời Bác” với đoạn lời ca thắm thiết, chân tình: “... Làm sao cho dân tin mình, vì mỗi tấc đất biên cương yên bình!/ Làm sao cho dân yêu mình, vì một Biển Đông sóng ru ngàn năm!/ Từ trên cao xanh non ngàn, lời thề người lính luôn luôn sẵn sàng./ Mùa xuân ta đi trên đường tuần tra biên giới mãi mãi bình yên!...”. Qua tác phẩm này, ông cũng hy vọng đã chạm được đến tình cảm thiêng liêng của người chiến sĩ Biên phòng với Bác Hồ kính yêu, mãi mãi học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Ngọc Khuê đã viết được gần 400 ca khúc, trong đó có 300 ca khúc về người lính và chiến tranh cách mạng. Với nhạc sĩ Ngọc Khuê, chính “sợi tơ duyên” âm nhạc đã gắn kết ông đến với biên giới, hải đảo và người lính Biên phòng. Ngoài ca khúc “Biên cương âm vang lời Bác” thì trước đó, ông đã sáng tác một số bài hát về lực lượng BĐBP được công chúng rất yêu thích đón nhận như: “Điện thoại biên cương”, “Tiếng chim sẻ đồng trên đảo Trường Sa”, “Bầu trời xuân hải đảo”, “Tiếng hát trên đường tuần tra biên giới”...

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/am-nhac-la-soi-to-duyen-gan-ket-voi-bien-gioi-va-bdbp/