Âm nhạc Khmer lan tỏa nhưng chưa thực chất

Dàn nhạc ngũ âm Khmer gồm 7 nhạc khí, tạo ra 5 loại âm thanh khi diễn tấu gồm tiếng của đồng, sắt, gỗ, da và hơi. Di sản đồ sộ về kho tàng âm nhạc và nhạc khí là tinh hoa văn hóa truyền thống mà người Khmer tự hào sở hữu. Khác với các dân tộc khác có thể tạo tác các loại nhạc cụ mộc mạc, đơn thanh sắc, nhạc cụ Khmer sang trọng, lảnh lót, vui tươi, ấm áp và mang âm hưởng của tôn giáo, có tác dụng gắn kết cộng đồng, làm cho lòng người trở nên hòa nhã, thư thái.

Âm nhạc và các điệu múa không thể thiếu trong đời sống của người dân Khmer Nam bộ. Ảnh: TTH

Âm nhạc và các điệu múa không thể thiếu trong đời sống của người dân Khmer Nam bộ. Ảnh: TTH

Tháng 4 hằng năm thường là tháng đón Tết Chol Chnam Thmay đầu năm mới theo lịch Khmer của Nam bộ. Vào những ngày đón nước, gọi trăng đầu tháng mùa mưa này, khắp các phum, sóc, cộng đồng dân cư có người Khmer sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long rộn ràng tiếng nhạc ngũ âm. Các ngôi chùa đều có riêng một đội nhạc ngũ âm gồm các vị sư, tăng ni sử dụng nhạc cụ thông thạo và truyền dạy thường xuyên cho thế hệ trẻ. Các dòng họ lớn, đông đúc con cháu từ xa trở về quê quán ăn Tết thường thuê các đội nhạc ngũ âm về nhà để tổ chức lễ, Tết.

Ông Thạch Kha ở thị trấn Cầu Quan, tỉnh Trà Vinh chia sẻ: “Nhà tôi năm nào cũng mời đội nhạc ngũ âm của mấy em nhỏ học ở chùa về để xướng nhạc làm nức lòng phum sóc. Nếu đội nhạc xướng ngũ âm có hồn, có lòng mời gọi thì hàng xóm láng giềng tự tìm tới nhà, tới mình để chia vui. Người Khmer quan niệm nhà có phúc lớn là tổ chức được các lễ dâng y, dâng bông, cúng dường thật to để phúc đức và nghiệp lành lan tỏa”. Sự sống của các dàn nhạc ngũ âm dân gian Khmer bắt đầu từ những nhu cầu đời sống như thế.

Điều đáng nói là không cần đến một giải pháp giữ gìn và bảo tồn nào, nhạc ngũ âm Khmer mặc nhiên tồn tại và phát triển cùng với sự thịnh vượng chung của đời sống đồng bào Khmer Nam bộ. Tiếng nhạc và điệu múa lăm - thôn đi liền với nhau và không thể thiếu được trong các kỳ lễ, Tết quan trọng trong năm. Loại hình âm nhạc dân gian này ảnh hưởng đến hầu hết các dòng nhạc, trào lưu của âm nhạc Khmer đương đại.

Lứa tuổi học sinh phổ thông được truyền dạy việc sử dụng nhạc cụ nhiều nhất. Tuy nhiên, không phải em nào cũng có năng khiếu để nắm bắt được kỹ thuật thanh nhạc. Nhạc ngũ âm sang trọng, huyền ảo và tinh tế. Trong đó, cây đàn đặc trưng nhất được gọi là dàn cồng kuong-tuoch và kuong-thom gồm có 16 chiếc cồng nhỏ có núm đúc bằng đồng kết lại trên một mâm hình tròn đan bằng mây. Dàn cồng này giữ nhịp cho dàn nhạc ngũ âm và thường do người cầm nhịp diễn xướng. Chiếc đàn thuyền gồm các thanh tre kết lại có giá đỡ hình chiếc thuyền tạo ra liên thanh diễn tả niềm vui bất tận của trời đất, vạn vật và con người. Đàn thuyền còn là biểu hiện của việc âm nhạc bị ảnh hưởng bởi tôn giáo. Chiếc thuyền gắn với văn hóa thờ thần nước và Phật giáo Nam tông của người Khmer. Tương tự như vậy, chiếc đàn rắn - một nhạc cụ dân gian truyền thống cũng gắn với những biểu tượng tôn giáo của dân tộc Khmer. Việc tuyển các thanh tre, đồng, sắt tạo ra các âm thanh khác nhau trong một dàn nhạc có tiết tấu phải các nghệ nhân lành nghề mới làm được.

Một nhạc cụ đặc sắc nữa là trống bịt da. Chiếc trống nhẹ có thể đeo lên vai khi biểu diễn cùng với các điệu múa. Điệu múa trống thường đi liền với các nghi lễ tôn giáo cổ xưa thể hiện truyền thống văn hóa rất lâu đời của người Khmer. Ngày nay, các em trai trải qua tuổi thiếu niên ở chùa thường thành thạo điệu múa trống và gắn với nhạc cụ này như một hình ảnh biểu tượng của tuổi thiếu niên được học hành và được tự do sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, bảo tồn văn hóa dân tộc.

Hiện nay, tất cả các trường phổ thông dân tộc nội trú, các ngôi chùa lớn của đồng bào Khmer đều có lớp truyền dạy sử dụng nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm đi liền với tinh hoa văn hóa về thanh nhạc, âm nhạc của người Khmer. Âm nhạc dân gian của người Khmer gắn liền với dàn nhạc ngũ âm, dàn nhạc tang, cưới, múa trống Sa-yam, hát Aday, hát đồng dao, hát ru... đều là vốn văn hóa quý. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian lo ngại việc phát triển rộng rãi loại hình âm nhạc đặc sắc này ngoài cộng đồng có thể làm rơi rớt đi tinh hoa bác học của âm nhạc. Nó bị cuộc sống tầm thường hóa, lâu dần làm pha tạp và phai nhạt chất âm nhạc truyền thống. Đó cũng là một sự vận hành đáng chú ý của âm nhạc khi nhu cầu của đời sống tinh thần quá lớn, kho tàng di sản của cộng đồng các dân tộc thiểu số không thể mãi cất giữ trong kho, trong sách, vở hay là một vài cá nhân ưu tú được. Không có không gian đời sống phum sóc, lễ hội thì âm nhạc dân gian không có môi trường để tồn tại và lan tỏa.

Giá trị âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ chủ yếu là tự phát và lưu truyền miệng với vai trò lớn thuộc về các nghệ nhân. Tuy nhiên, các nghệ nhân và nghệ sĩ biểu diễn dù giỏi nhưng khả năng truyền dạy không phải lúc nào cũng tốt. Họ ngẫu hứng, ít am hiểu lý thuyết và chủ yếu là học lóm của các thế hệ trước. Sự mai một tinh hoa văn hóa là không tránh khỏi.

Một khảo sát cho thấy, phần lớn các nghệ sĩ chưa qua đào tạo âm nhạc, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, việc tuyên truyền về âm nhạc Khmer Nam bộ còn yếu và thiếu chiều sâu. Một điều nhận thấy là số lượng người nghe và thích âm nhạc Khmer ngày càng nhiều nhưng hiểu biết và am hiểu nó lại ít đi.

Cùng với các dân tộc khác, tinh hoa âm nhạc Khmer cũng nằm trong diện được bảo tồn theo đề án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Những nghệ nhân giỏi và am hiểu về văn hóa của dân tộc mình sẽ được hỗ trợ để truyền dạy văn hóa dân gian trong môi trường thích hợp. Đó là hy vọng cho loại hình âm nhạc đặc sắc của dân tộc Khmer được bảo tồn nguyên vẹn.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/am-nhac-khmer-lan-toa-nhung-chua-thuc-chat/