Âm nhạc Hà Nội sau một thập kỷ Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội

Đại lễ một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội đã tạo ra ngàn đóa hoa tươi thắm trong vườn hoa nghệ thuật nước nhà, là cơ hội sáng tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật Thủ đô trong đó có âm nhạc.

Không thể thống kê hết các bài hát của các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam sáng tác sau một thập kỷ qua, chỉ có thể kể ra những ca khúc được nhiều người biết đến và ưa thích còn đọng lại cùng thời gian sau sự kiện văn hóa - lịch sử một nghìn năm Thăng Long – Hà Nội.

Nhạc sĩ Cát Vận, người sáng tác ca khúc đi cùng năm tháng “Tình yêu của biển” nổi tiếng đã chỉ ra những tác phẩm đứng hàng đầu trong danh sách những tác phẩm ghi dấu ấn sau sự kiện một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội: Đó là nhạc sĩ Phó Đức Phương- tác giả của những ca khúc gắn liền với đề tài sông hồ, núi non đã có sáng tạo mới với “Một khúc sông Hồng”. Nhạc sĩ Nguyễn Cường tác giả “Mãi vẫn là Tuổi thơ Tôi Hà Nội” với những bài hát mới “Hà Nội Tôi”, “Thênh thênh Hà Nội” bên cạnh “Ngàn năm Thăng Long - nổi trống Lạc Hồng” được tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh với “Phố trong làng” và “Cửa ô nhịp phố” bên cạnh “Tháng 10 Hà Nội” nổi tiếng; Nhạc sĩ Lân Cường với “Cảm xúc Hoàng Thành”, “Bá Môn”, “Hà Nội có Cầu Long Biên”; Nhạc sĩ Giáng Son với “Hà Nội 12 mùa hoa"; Nhạc sĩ Lê Mây tác giả của “Hà Nội linh thiêng, hào hoa” có “Phía Tây thành phố”. Đặc biệt, cũng trong giai đoạn này, nhạc sĩ Cát Vận cũng sáng tác “Tâm ca Người Phố cổ” được Giải thưởng Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội năm 2019.

Âm nhạc chỉ có giá trị khi được vang lên bằng chính âm thanh đích thực (ảnh minh họa: Bảo Thoa)

Âm nhạc chỉ có giá trị khi được vang lên bằng chính âm thanh đích thực (ảnh minh họa: Bảo Thoa)

Đáng lưu ý, năm 2019 Trại sáng tác ca khúc do Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức đã dành một chủ đề cho Trại là “65 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2019 )”. Trại sáng tác đã thu hoạch được nhiều tác phẩm tốt trong đó nổi bật lên là Nhạc kịch “Hoa lửa” của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính viết dựa trên ý tưởng tác phẩm “Lũy hoa” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và Bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi. Trai còn có nhiều ca khúc tốt, nổi bật hơn cả là “Sắc Thu Hà Nội” của Vũ Huyền Ngọc, “Hà Nội Thành phố Vì Hòa bình” của Đậu Hoài Thanh, “Tháng Tư Hà Nộ”i của Đức Giao, “Hà Nội vào Thu” của Kiều Đình Kiểm ...

Cũng đáng ghi nhận, nhiều nhạc sĩ trẻ đã dành tâm huyết cho đề tài Hà Nội, nổi bật Nguyễn Đức Cường với “Nồng nàn Hà Nội”, “Trôi vào đêm Hà Nội” của Lê Đăng Khoa, “Hà Nội Hip hop" của Ngô Tự Lập, “Xẩm mùa hoa Hà Nội” của Nguyễn Quang Long - thơ Hồ Điệp...

Một bức tranh âm thanh toàn cảnh về Hà Nội xưa và nay, một Hà Nội tự hào về quá khứ đang đổi mới từng ngày với những khát vọng lớn lao đã toát lên trong những ca khúc mới với đầy đủ sắc thái tình cảm, ngôn ngữ âm nhạc truyền thống và hiện đại. Nó là sự tiếp nối từ dấu son ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, là điểm tựa cho ca khúc về Thủ đô đi tới.

“Như chúng ta đã biết, Tuyển tập 1.000 ca khúc Thăng Long – Hà Nội một tập hợp bài hát lớn nhất kể từ buổi đầu của Tân nhạc đến nay do Hội Âm nhạc Hà Nội chủ biên và nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha biên tập, giờ đây đá được bổ xung thêm những tác phẩm có giá trị, hiện thân của Hà Nội đổi mới.

Nhìn lại, ca khúc viết về Thủ đô một thập niên sau Đại lễ một nghìn năm Thăng Long – Hà Nội chúng ta tự hào về lực lượng sáng tác âm nhạc đông đảo của Thủ đô và ước mơ những tác phẩm này được vang lên trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của Người Hà Nội, đễ mãi không bao giờ bị lãng quên, phai nhòa cùng năm tháng.

Âm nhạc chỉ có giá trị khi được vang lên bằng chính âm thanh đích thực của nó. Nói như thế để thấy rằng những tác phẩm có giá trị rất cần được đầu tư, đầu tư một cách nghiêm túc và khoa học để nó trỏ thành những đứa con tinh thần, những sản phẩm văn hóa đại diện cho Tinh hoa Hà Nội Ngàn năm Văn hiến”, nhạc sĩ Cát Vận khẳng định.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/am-nhac-ha-noi-sau-mot-thap-ky-dai-le-nghin-nam-thang-long-ha-noi-110837.html