Âm nhạc đồng quê

Đêm hè, trời như tấm màn nhung đen, đàn Đom đóm bay ra, dàn nhạc ánh sáng bắt đầu trình diễn. Âm thanh vang lên, những tiếng Ve sầu râm ran. Tôi ngờ rằng Bét tô ven hay nghe tiếng Ve sầu khi viết những bản Giao hưởng bất hủ. Tiếng Ve cuồn cuộn từng đợt. Im bặt, dấu lặng, rồi lại đồng thanh lay động màn đêm. Bét tô ven chắc đã từng ngắm đêm trăng xanh, cánh Ve vàng lột vỏ.. Con Ve trút bộ xác già nua, run rẩy chui ra, non tơ tinh khôi, đấy có thể là cảm hứng cho ai muốn triết lý về sự sống trên cõi đời này…

Đêm trăng, dàn nhạc ánh sáng Đom đóm phụ họa cho Ban nhạc Cuốc kêu. Cuốc cuốc…cuốc cuốc… những tiếng kêu khắc khoải rung động cả ánh trăng. Các ca sĩ Cuốc thường trình diễn bản nhạc của mình theo đặt hàng của Thượng đế: Kêu, hát đến khi nào vỡ cổ họng, chết rục trong búi tre mới thôi. Cát xê là một gợn gió thổi những chiếc lông chim Cuốc bay lửng lơ.

Kinh thật, ai dám vào Ban nhạc này. Ấy vậy mà đêm hè nào cũng vang lên bản giao hưởng Cuốc kêu. Nghệ thuật vượt lên tất cả. Hy sinh để cống hiến...

Nếu Bét tô ven hay nghe tiếng Ve sầu, thì tôi cho rằng Mô Da thường nghe tiếng Dế đêm thu. Tiếng độc tấu Vi ô lông của Dế réo rắt. Và rồi kìa, có một dàn Côn trùng, gồm những con gì không biết, phụ họa, thành một bè âm thanh nỉ non suốt đêm. Đỗ Phủ ngày xưa đã phải phát biểu cảm tưởng nhận xét dàn nhạc này như sau: Tiếng trùng đông não hơn thu. Người ngây thơ mấy nghe ru cũng sầu. Ta già nghe chẳng sao đâu. Tuổi xanh nghe thấy bạc đầu như chơi…

Tiếng Trùng trong ban nhạc, tôi ngờ rằng có cả Chú Giun tham gia. Giun tròn trùng trục, chẳng thấy tai miệng ở đâu, nhưng từ đất cứ thấy có tiếng ri rỉ vọng lên, thì đích thị của nó chứ còn của ai nữa. Có nhạc công nào nằm chết bẹp dưới đất mà chơi nhạc được trừ Giun…

.. .Thường thì khi màn đêm buông suống, các nhà hát Giao hưởng bật đèn biểu diễn, thính giả nghe trước khi đi ngủ. Nhưng ngược lại, dàn nhạc Chim vườn lại biểu diễn lúc bình minh lên, phục vụ khách sau khi đã qua đêm ngủ …. Bách thanh cất tiếng ngân nga. Khướu ríu ran líu lô. Chào mào hồ hởi. Họa mi thánh thót kiêu sa.. Sáo sậu chim Ri… phụ họa. Chim Khách choèn choẹt lúc giải lao, báo hiệu đêm mai đã bán hết vé …

Đoàn quân nhạc Kèn đồng Đàn Sếu thuộc dòng nhạc Chim trời thường biếu diễn trên những tầng mây. Chiều cuối thu, ngước mắt lên, dàn nhạc như một trung đội xếp hàng thẳng tắp trên đường ra trận. Tiếng kèn vừa xao xác vừa rộn rã. Quân đoàn gió Đông của Nguyên soái thường đi theo Đàn Sếu này, sau vài ngày …

…Các ca sĩ Chim trời chợt đến chợt đi, chúng ca khúc nhạc Tự do say đắm lòng người. Để có một ban nhạc chuyên thể hiện các chủ đề tuyên truyền, nhà tôi bao cấp một ban nhạc Gà Trống. Năm canh, tiếng gà gáy âm vang. Đêm nào gà cũng gáy /Xao xác suốt năm canh /Tiếng khát khao giục giã /Đêm dài đến bình minh – Chủ nhân đã ghi nhận thành tích của Dàn nhạc Gà –Tạo hóa trao sứ mệnh /Và thiên nhiên cậy nhờ / Đời tan thành tiếng gáy/Và cháy thành ước mơ /Tiếng kèn gọi cuộc sống / Tự muôn đời âm vang / Không đêm nào quên lãng /Nhắc ta chớ đầu hàng…

Âm nhạc quan trọng với cuộc đời như thế đấy …

Nói chung các dàn nhạc quê tôi thường biểu diễn trên những không gian cao ráo. Nhưng sẽ là thiếu sót, nếu không nhắc đến dàn nhạc sân khấu gắn liền với mặt nước, giống như nghệ thuật Múa rối nước. Dàn nhạc ếch ộp với tiếng kèn đồng rộn rã sau buổi mưa rào nghe sao mà náo nức. Dàn ễnh ương cạnh tranh cường độ với ếch. Dàn Chão chuộc thuộc trường phái hình thức, mới cực đoan, đôi khi quá đà lệch chuẩn, như đấm vào tai, nhưng vẫn có chỗ đứng, tồn tại trên ao nhà …

Những con cá bơi quanh cầu ao.Thuở bé chúng không được học nhạc, chẳng bao giờ nghe thấy cá hát. Nhưng những cái vây đuôi ve vẩy của nó tung trong làn nước xanh biếc, múa phụ họa cho các dàn nhạc Ao nhà, thật có giá trị…

11-10-2018 / NPH

Tản văn của Nguyễn Phan Hách |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/am-nhac-dong-que-64899