Âm nhạc do AI tạo ra: Cần bao nhiêu tính người để được đăng ký quyền tác giả?

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục phần tiến hóa, tham gia sâu và thuyết phục hơn vào các lĩnh vực sáng tạo, trong đó có sáng tác ca khúc. Liệu AI có loại bỏ 'tính người' trong sáng tác âm nhạc hay không còn chưa rõ, nhưng có một điều chắc chắn là nó đã dấy lên rất nhiều vấn đề pháp lý.

Lối đi mới mở lên thiên đàng (A Recent Entrance to Paradise) – tác phẩm AI mà Thaler cố gắng đăng ký quyền tác giả. Nguồn: wikimedia

Lối đi mới mở lên thiên đàng (A Recent Entrance to Paradise) – tác phẩm AI mà Thaler cố gắng đăng ký quyền tác giả. Nguồn: wikimedia

Âm nhạc theo nghĩa truyền thống đã không biết bao lần bị cho là “đã chết”. Mỗi bước đột phá công nghệ ra đời như băng cassette, công cụ tổng hợp âm thanh số MIDI, Auto-Tune và phát trực tuyến, người ta lại hốt hoảng như thể ngày tận thế cho ngành âm nhạc đã điểm. Mối đe dọa tồn vong mới nhất của ngành âm nhạc được điểm tên là công nghệ AI và công nghệ này đang tiếp tục cuộc “tiến hóa” của nó.

AI: từ gián tiếp đến trực tiếp

AI từ chỗ là công cụ hỗ trợ gián tiếp trong việc sáng tác ca khúc, như đề xuất nhạc, danh sách phát cá nhân hóa… đã trở thành các công cụ sáng tạo trực tiếp. Chẳng hạn, dự án Magenta của Google đã viết một ca khúc mới “của” ban nhạc Nirvana bằng cách phân tích giai điệu, những thay đổi trong hợp âm, các đoạn trình diễn guitar và lời nhạc từ các tác phẩm trước đây của ban nhạc này.

Thông qua chỉ dẫn văn bản, ChatGPT viết được lời nhạc hay hơn nhiều so với những gì công cụ AI IBM Watson sáng tác cho nghệ sĩ Alex da Kid vào năm 2016. Công ty khởi nghiệp Authentic Artists là đơn vị cho thuê các “nghệ sĩ” chạy bằng AI. Trang web MUSICinYOU.ai tạo những bản nhạc tùy chỉnh từ một bài kiểm tra tính cách gồm 300 câu hỏi. Songstarter của Công ty Bandlab là một công cụ tạo ý tưởng bằng AI có khả năng sáng tác âm nhạc miễn phí bản quyền chỉ trong vòng vài giây.

Có thể thấy AI vẫn tiếp tục phần tiến hóa, tham gia sâu và thuyết phục hơn vào các lĩnh vực sáng tạo, trong đó có sáng tác ca khúc. Trong khi các bộ luật được cập nhật mới nhất trên thế giới vẫn va vấp vào thực tế ứng dụng.

Tại Mỹ, AI đã có sự “tiến hóa” nhanh đến mức các tòa án không kịp đánh giá xem nên áp dụng pháp luật cho công nghệ mới này sao cho phù hợp dù Văn phòng bản quyền nước này (USCO) đã có những quyết định mang tính chỉ thị và ưu tiên các vấn đề về quyền tác giả liên quan đến AI trong năm 2023.

Đạo luật bản quyền Mỹ bảo hộ các tác phẩm có tác giả – một khái niệm bắt nguồn từ điều khoản về quyền tác giả của Hiến pháp Mỹ, theo đó trao quyền cho Quốc hội đảm bảo các độc quyền của tác giả. Để được công nhận quyền tác giả, sự tham gia sáng tạo đầy đủ của con người là điều bắt buộc. Các tòa án đã tuyên bố rằng tác giả phải là con người.

Do đó, các loài động vật (như trong vụ việc về bức ảnh “tự sướng” nổi tiếng của chú khỉ Naruto) và các thế lực thiên nhiên (một khu vườn mọc tự nhiên) không thể là tác giả của tác phẩm có bản quyền.

Tiền lệ pháp ở Mỹ cho thấy AI cũng không thể là “tác giả” theo nghĩa này, vấn đề then chốt ở đây là con người cần tham gia sáng tạo ở mức độ nào để tác phẩm do AI tạo ra đủ điều kiện đăng ký quyền tác giả và ai sẽ là người đăng ký? Dù các tòa án Mỹ vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời dứt điểm cho câu hỏi này, song USCO đã vạch ra được một số ranh giới cơ bản.

Một số ranh giới cơ bản

Khi Tiến sĩ Steven Thaler – một người ủng hộ AI – nộp đơn đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra, USCO đã ba lần từ chối đăng ký vì cho rằng tác phẩm nghệ thuật này được tạo ra mà không có sự đóng góp của tác giả là con người, do đó không đáp ứng được điều kiện về tác giả là con người (Thaler sau đó đã kiện cơ quan này).

Trái lại, tác phẩm Classical Music Composed by Computer (Âm nhạc cổ điển do máy tính sáng tác) ra đời năm 1997 và album Form Darkness, Light (Ánh sáng từ màn đêm) phát hành năm 2010 của David Cope lại được bảo hộ quyền tác giả. Cope đã chứng minh thành công rằng tác phẩm của ông chỉ phần nào áp dụng AI và là kết quả của quá trình tham gia sáng tạo và can thiệp đầy đủ của con người.

Gần đây hơn, USCO còn lần đầu tiên trao quyền tác giả cho một cuốn truyện tranh được sáng tác với sự hỗ trợ của AI chuyển văn bản thành hình ảnh Midjourney (mặc dù hiện tại văn phòng đang cân nhắc lại quyết định này).

Trước tình trạng không có quy định cụ thể để xác định chắc chắn xem người dùng AI cần tham gia sáng tạo hay can thiệp tới đâu, từng tác phẩm phải được đánh giá độc lập. Đây là vấn đề về mức độ.

Theo các quy định truyền thống, con người tham gia càng nhiều thì AI càng được sử dụng như một công cụ (chứ không phải là người sáng tạo), từ đó cơ hội được bảo hộ quyền tác giả càng cao. Nếu người dùng chỉ gõ câu lệnh: “Tạo bài hát giống như của Ed Sheeran” là chưa đủ. Một đơn đăng ký quyền tác giả vừa chứng minh được con người kiểm soát công cụ AI, vừa trình bày chi tiết sự tham gia cụ thể của con người trong quá trình sáng tạo, thì sẽ có nhiều khả năng được chấp nhận hơn.

USCO dựa hoàn toàn vào thông tin có trong đơn đăng ký nhưng cũng nói rõ rằng trình bày không trung thực về việc sử dụng AI trong quá trình sáng tác nhạc là hành vi gian lận. Có khả năng họ cũng sẽ sớm triển khai phần mềm phát hiện AI để xác minh mức độ sử dụng AI khi sáng tác âm nhạc.

“Đào tạo” AI: chiến trường pháp lý đầu tiên

Phần mềm AI sáng tạo (như Magenta) được đào tạo bằng cách cung cấp cho nó một lượng nội dung khổng lồ (văn bản, lời bài hát, mã, âm thanh, các tác phẩm viết) rồi lập trình cho phần mềm này sử dụng nguồn tư liệu đó để tạo ra tư liệu mới.

Vào tháng 10-2022, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Mỹ (RIAA) đã bắn phát súng cảnh cáo đầu tiên khi tuyên bố rằng các đơn vị trích xuất và kết hợp dữ liệu dựa trên AI đang vi phạm quyền của các thành viên hiệp hội vì đã sử dụng nhạc của họ để đào tạo mô hình AI.

Những người ủng hộ RIAA cho rằng việc AI hấp thụ lượng nhạc có quyền tác giả nhiều đến không tưởng đã vi phạm độc quyền sao chép và tạo tác phẩm phái sinh dựa trên một hoặc nhiều tác phẩm trước đó được quy định trong Đạo luật bản quyền Mỹ. Vì sản phẩm đầu ra của AI sáng tạo được dựa trên các tác phẩm trước đó (nội dung đầu vào), các chủ thể quyền tác giả khẳng định rằng hoạt động này cần phải được xin phép.

Đáp lại, những người ủng hộ AI cho rằng việc sử dụng dữ liệu đó để đào tạo nằm trong ngoại lệ sử dụng hợp lý theo luật bản quyền; rằng tác phẩm tạo ra đã được biến đổi, không làm phát sinh tác phẩm tương đồng về căn bản (substantially similar), và không có tác động đáng kể đến thị phần của tác phẩm gốc. Họ khẳng định rằng dữ liệu đào tạo đã được quy trình AI biến đổi đủ để đưa ra những tác phẩm âm nhạc nằm ngoài phạm vi bảo hộ quyền tác giả của tác phẩm gốc.

Những quan điểm trái ngược nhau này có thể sẽ được trải qua cuộc kiểm tra trong một vụ kiện tập thể vừa mới được khởi xướng thay mặt một nhóm các nghệ sĩ chống lại Stability AI, DeviantArt và Midjourney vì đã vi phạm hàng tỉ hình ảnh có quyền tác giả khi tạo tác phẩm nghệ thuật AI (Getty Images mới đây cũng khởi xướng vụ kiện tương tự chống lại Stability AI ở Anh).

Chứng minh sự vi phạm trong tác phẩm do AI tạo ra

Cách thức chính xác mà AI được đào tạo và vận hành sẽ là những vấn đề cần giải quyết trong các vụ kiện vi phạm quyền tác giả. Việc chứng minh vi phạm phải được thực hiện qua hai bước: nguyên đơn phải cho thấy đã có hành vi sao chép diễn ra và việc sao chép này là bất hợp pháp, vì bị đơn đã sao chép quá nhiều sự biểu đạt được bảo hộ (protected expression) của nguyên đơn và do vậy có sự “tương đồng về căn bản”.

Đối với các tác phẩm nghệ thuật, đã có một phần mềm tên là Have I Been Trained cho phép người dùng tìm kiếm các hình ảnh được sử dụng để dạy công cụ tạo tác phẩm nghệ thuật bằng AI. Mặc dù hiện chưa có phương pháp nào tương tự cho lĩnh vực âm nhạc, công nghệ này có lẽ cũng sẽ sớm ra mắt. Bản chất của các câu lệnh cho AI cũng sẽ đóng vai trò then chốt khi chứng minh việc ý thức được về tác phẩm gốc và sự tương đồng về căn bản giữa âm nhạc do AI tạo ra và tác phẩm được cho là bị vi phạm.

Những câu lệnh cố tình lấy ý tưởng từ tác phẩm có quyền tác giả (ví dụ như tạo tác phẩm “theo phong cách của …”) rõ ràng sẽ làm nảy sinh vấn đề sự tương đồng về căn bản. Có vẻ như các công ty cung cấp dịch vụ AI tạo âm nhạc đã lường trước được việc này: Songmastr đã ngừng quảng bá khả năng tạo bài hát theo phong cách Beyonce và Taylor Swift.

Nhìn chung, trong khi chưa có quy định hay phán quyết cụ thể về yếu tố con người cần thiết trong ca khúc do AI sáng tác, những ai có ý định sử dụng AI cho mục đích này cần tìm hiểu kỹ lưỡng về những rủi ro pháp lý về sở hữu trí tuệ thông qua chuyên gia sở hữu trí tuệ nội địa và quốc tế; và phải thực sự tự mình làm chủ quá trình sáng tác âm nhạc có sự hỗ trợ của AI.

(*) Văn phòng luật chuyên về sở hữu trí tuệ Gottlieb, Rackman & Reisman, P.C, Manhattan, New York, Mỹ.

Nguyễn Ngọc Trâm(*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/am-nhac-do-ai-tao-ra-can-bao-nhieu-tinh-nguoi-de-duoc-dang-ky-quyen-tac-gia/