Âm ngữ trị liệu: 'Chìa khóa' của âm thanh

Dù mới được biết đến tại Việt Nam, nhưng từ lâu âm ngữ trị liệu (speech therapy) đã được sử dụng nhiều trên thế giới trong việc điều trị các bệnh lý rối loạn về lời nói, giao tiếp. Các chuyên gia cho rằng, phương pháp này là 'chìa khóa' mở ra cơ hội hòa nhập cho những người có vấn đề về giao tiếp như: trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, người bị rối loạn về lời nói, người bị liệt dây thanh, người bệnh đột quỵ...

Nhân viên y tế Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch điều trị cho trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ

Nhân viên y tế Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch điều trị cho trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ

Cải thiện kỹ năng giao tiếp

Được thành lập từ năm 2018, Đơn vị Âm ngữ trị liệu thuộc Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) đã can thiệp thành công cho hơn 75 trẻ em mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ. Những em này sau đó đã được học hòa nhập tại các trường tiểu học trên địa bàn, cùng được học, được vui chơi như nhiều đứa trẻ bình thường khác - điều mà không ít bậc phụ huynh không dám nghĩ đến khi phát hiện con mình mắc chứng tự kỷ. Điển hình là bé H. (8 tuổi), hiện đang theo học tại một trường tiểu học công lập trên địa bàn, một trong những trường hợp được can thiệp thành công nhờ phương pháp âm ngữ trị liệu. Dù đã 3 tuổi nhưng H. không nói, không giao tiếp với ai, vì thế gia đình phát hiện em mắc chứng tự kỷ. “Ngày đó, chúng tôi đã đưa con đi khắp nơi để tìm cách chữa trị nhưng không được, sau đó chồng tôi nghe thông tin về can thiệp bằng âm ngữ trị liệu nên đưa con đến đây để “cầu may”. Sau gần 4 năm can thiệp bằng âm ngữ trị liệu, bé H. đã có thể nói được từng câu ngắn khoảng 5 từ, nghe và hiểu những điều mọi người nói. H. cũng có thể chơi chung, hợp tác tốt với mọi người xung quanh”, chị Minh (mẹ bé H.) kể lại.

Chị Cao Phương Anh, phụ trách Đơn vị Âm ngữ trị liệu cho biết, trẻ tự kỷ thường gặp rắc rối trong cả việc sử dụng ngôn ngữ và giao tiếp phi ngôn ngữ. Vì vậy, âm ngữ trị liệu là một phương pháp điều trị quan trọng giúp trẻ tự kỷ hòa nhập với cuộc sống xung quanh. Tại Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, mô hình can thiệp cho trẻ tự kỷ là sự phối hợp đa chuyên ngành gồm: y tế - âm ngữ trị liệu - tâm lý - giáo dục đặc biệt - giáo dục tiểu học và đặc biệt là vai trò vô cùng quan trọng của phụ huynh. Hiện Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch có các lớp can thiệp sớm dưới 5 tuổi, lớp giáo dục tiền học đường từ 5 đến 8 tuổi, và lớp huấn luyện kỹ năng tự phục vụ cho trẻ lớn hơn.

Phương pháp trị liệu hiệu quả

Là người đầu tiên đưa âm ngữ trị liệu về Việt Nam, PGS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Y học TPHCM, cố vấn chuyên môn của Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, âm ngữ trị liệu đóng vai trò then chốt trong việc điều trị rối loạn giao tiếp và rối loạn nuốt ở cả trẻ em lẫn người lớn. Lĩnh vực này được phát triển từ rất lâu tại các nước châu Âu và Mỹ. Năm 1993, PGS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Dung biết đến âm ngữ trị liệu trong một lần du học ở Pháp. Năm 2002, bà thành lập Khoa Thanh học - Âm ngữ trị liệu đầu tiên của Việt Nam ở Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, giúp những người bị tai nạn làm ảnh hưởng khả năng nuốt, nói; trẻ tự kỷ, hở hàm ếch, rối loạn âm - lời nói; người sống tự ti nhiều năm vì giọng mái… tìm lại được cuộc sống bình thường.

Cũng theo PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Dung, một số bệnh lý có thể sử dụng âm ngữ trị liệu để điều trị như: viêm thanh quản, hạt dây thanh hay polyp, rối loạn giọng tuổi dậy thì, liệt dây thanh, rối loạn âm thành lời nói, nói ngọng, nói lắp… Sau này, âm ngữ trị liệu được dùng để can thiệp, điều trị cho cả trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Đặc biệt, trong bối cảnh số lượng người bị đột quỵ, tai biến đang tăng cao như hiện nay thì âm ngữ trị liệu càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi chức năng cho các đối tượng này. Những bệnh nhân bị tổn thương não do đột quỵ, chấn thương sọ não hoặc viêm não thường gặp khó khăn về lời nói, lâu ngày có thể dẫn đến trầm cảm và sự cô lập. Âm ngữ trị liệu góp phần giúp họ “tìm lại” tiếng nói của chính mình.

Tại Việt Nam, âm ngữ trị liệu mới chỉ được biết đến trong khoảng 10 năm trở lại đây nhưng hiệu quả đã được chứng minh bằng sự ra đời của các đơn vị điều trị bằng âm ngữ trị liệu tại các bệnh viện công lập cũng như tư nhân. Nhiều bệnh viện tại TPHCM đã có đơn vị âm ngữ trị liệu như Bệnh viện Tai Mũi Họng, Phòng khám đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, Bệnh viện FV…

Quy trình can thiệp và hỗ trợ trẻ tự kỷ hòa nhập cuộc sống tại Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch gồm nhiều giai đoạn. Đầu tiên trẻ được phát hiện các dấu hiệu sớm về mắc chứng tự kỷ bằng cách đưa vào tầm soát, tìm kiếm các dấu hiệu báo động trẻ tự kỷ. Sau đó nhóm chuyên viên tâm lý, âm ngữ trị liệu, giáo dục đặc biệt và giáo dục tiểu học sẽ lượng giá chức năng của từng trẻ, lên kế hoạch can thiệp, hỗ trợ. Tiếp theo là bước vào giai đoạn trực tiếp can thiệp trên trẻ và huấn luyện phụ huynh. Trong toàn bộ quá trình này, các chuyên gia đặc biệt khuyến khích phụ huynh tham gia, và phụ huynh cũng trở thành người huấn luyện, hướng dẫn trẻ ở mọi lúc, mọi nơi.

THÀNH AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/am-ngu-tri-lieu-chia-khoa-cua-am-thanh-724848.html